Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam

04:06, 18/06/2020

Ngày 21-6-1925, tờ Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập xuất bản số đầu tiên, đặt nền tảng, khơi nguồn cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam, giương cao ngọn cờ cách mạng,...

[links()]Ngày 21-6-1925, tờ Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập xuất bản số đầu tiên, đặt nền tảng, khơi nguồn cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam, giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Phóng viên Văn Chính (Báo Đồng Nai) tác nghiệp thực hiện phóng sự truyền hình Trung đoàn không quân 935: Vững vàng cánh bay phương Nam
Phóng viên Văn Chính (Báo Đồng Nai) tác nghiệp thực hiện phóng sự truyền hình Trung đoàn không quân 935: Vững vàng cánh bay phương Nam. Ảnh: X.Lượng

95 năm đã trôi qua, nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng lớn mạnh, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của đất nước.

* Tư tưởng chính trị vững vàng

Sáng 18-6, tại Đài PT-TH Đồng Nai, Hội Nhà báo tỉnh long trọng tổ chức họp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2020) và trao giải Ngòi viết vàng Đồng Nai lần thứ 31-2020. Theo đó, Ban tổ chức sẽ trao 16 giải Ngòi viết vàng gồm: 1 giải nhất, 3 giải nhì, 5 giải ba và 7 giải khuyến khích. Trong đó, phóng viên Báo Đồng Nai đoạt 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích.

Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Đỗ Trung Tiến cho biết, bản chất của báo chí cách mạng là nền báo chí phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Vậy nên, báo chí cách mạng mang tính chất tư tưởng, luôn đứng về phía tiến bộ, phía nhân dân. Để nền báo chí cách mạng phát triển hơn nữa, bản thân nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn nghiệp vụ tốt và cần có đạo đức nghề nghiệp. Muốn có bản lĩnh thì cần có nền tảng kiến thức vững chắc và sự nhận thức đúng bản chất nghề nghiệp.

Những năm qua, các cơ quan báo chí trong tỉnh ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ đã luôn quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ những người làm báo. Nhờ làm tốt công tác này mà các tác phẩm báo chí luôn đảm bảo tính định hướng, chất lượng ngày càng được nâng lên, thông tin nhanh nhạy kịp thời, đúng, trúng vấn đề.

Theo chia sẻ của nhiều phóng viên Báo Đồng Nai, khi là phóng viên của tờ báo Đảng, bản thân phóng viên phải có ý thức chính trị, tư tưởng vững vàng để viết cho đúng định hướng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Mỗi phóng viên đều hiểu được rằng, khi tìm hiểu và viết về một vấn đề nào đó thì không chỉ là viết cho bạn đọc xem, mà đó cũng là dịp để mình tìm hiểu và củng cố dày thêm kiến thức cho bản thân. Nhờ ý thức chính trị tốt, chuyên môn nghề nghiệp không ngừng được nâng cao nên trong những năm qua, đội ngũ phóng viên Báo Đồng Nai đã đoạt nhiều giải cao tại các giải báo chí quốc gia và bộ, ngành.

* Xây dựng đội ngũ làm báo chuyên nghiệp

Với truyền thống gần 45 năm hình thành và phát triển, Báo Đồng Nai - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Ý thức được trách nhiệm của người làm báo Đảng, mỗi cán bộ, phóng viên của Báo Đồng Nai luôn ý thức giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của tờ báo. Ban biên tập cũng thường xuyên tạo điều kiện cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ như: nghiệp vụ viết tin, bài về xây dựng Đảng, cách làm báo đa phương tiện, các lớp quay phim, chụp hình...

Không những tham gia các lớp đào tạo, nhiều phóng viên của Báo Đồng Nai còn có ý thức tự học, chia sẻ cho nhau những kỹ thuật làm báo hiện đại.

Các nhà báo phỏng vấn bà Caryn R. McClelland (Phó đại sứ Mỹ tại Việt Nam) tại Sân bay Biên Hòa vào tháng 12-2019. Ảnh: CÔNG NGHĨA
Các nhà báo phỏng vấn bà Caryn R. McClelland (Phó đại sứ Mỹ tại Việt Nam) tại Sân bay Biên Hòa vào tháng 12-2019. Ảnh: CÔNG NGHĨA

Phải kể đến như phóng viên Hoàng Hải (Hải Quân) của Ban Kinh tế. Hoàng Hải là người đã mang đến một “luồng gió mới” trong cách trình bày của Báo Đồng Nai bằng những đồ họa hiện đại, bắt mắt. Những trang báo kèm theo đồ họa của nhà báo Hoàng Hải thường được Ban biên tập và đồng nghiệp đánh giá cao bởi tính sáng tạo, hiện đại.

Còn phóng viên Văn Chính, thuộc Phòng Báo điện tử Báo Đồng Nai thì được biết đến như một “tay máy” chuyên nghiệp. Các phóng sự truyền hình do phóng viên Văn Chính thực hiện có nhiều góc quay rất đẹp. Không chỉ quay phim giỏi, phóng viên Văn Chính còn chụp ảnh khá tốt và tự viết lời bình cho tác phẩm của mình. Anh Văn Chính chia sẻ: “Dù không được đào tạo bài bản về quay phim nhưng với niềm say mê, yêu nghề, tôi đã tự đăng ký tham gia nhiều lớp đào tạo quay phim ngắn hạn để bổ sung kiến thức cho mình. Đồng thời, trong những lần tác nghiệp cùng đồng nghiệp các cơ quan báo chí khác, tôi luôn cố gắng học hỏi cách quay, góc quay hay để áp dụng và sáng tạo cho tác phẩm của mình”.

Trong khi đó, kể từ khi Phòng Phát thanh sáp nhập vào Phòng Thời sự của Đài PT-TH Đồng Nai, các phóng viên đã cùng lúc thực hiện được nhiều thể loại báo chí khác nhau, cả truyền hình lẫn phát thanh. Có nhiều phóng viên dù mới “chập chững” chuyển đổi loại hình báo chí nhưng đã đoạt được nhiều giải thưởng báo chí danh giá như: Phương Tình, Lê Thủy, Phương Trang…

PGS-TS Nguyễn Văn Dững, nguyên Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và tuyên truyền chia sẻ, nền báo chí cách mạng Việt Nam đang có diện mạo và sức phát triển khá tốt. Để phát triển đậm chất cách mạng và chuyên nghiệp, các cơ quan báo chí cần tiếp tục cập nhật và đổi mới nhận thức về bản chất nghề nghiệp báo chí cách mạng, nhất là đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt của các cơ quan báo chí. Bởi nếu không có quan niệm đầy đủ, đúng đắn về nghề nghiệp thì khó hành xử mang tính chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, cần chú ý đào tạo, cập nhật kiến thức và những kỹ năng quản trị tòa soạn trong bối cảnh mô hình báo chí thay đổi. Cơ quan quản lý cũng cần định vị lại các dòng báo chí và có chính sách phù hợp cho sự phát triển để vừa đảm bảo cho báo chí phát triển hơn nữa, vừa góp phần phát triển kinh tế báo chí hướng đến tự chủ tài chính. Mặt khác, cần đặt yêu cầu cao hơn và tạo điều kiện để đẩy mạnh chức năng giám sát, phản biện xã hội của báo chí. Trên cơ sở đó, chủ động thu hút công chúng vào các diễn đàn báo chí nhằm thuyết phục và gây ảnh hưởng tích cực cho sự phát triển của công tác tư tưởng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy những người làm báo rằng, trước khi cầm bút, cần tự trả lời được các câu hỏi: Viết cái gì? Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?

Về đạo đức nghề nghiệp, Bác lưu ý những người viết, tuyên truyền cần chống thói ba hoa, biểu hiện là dài dòng, rỗng tuếch; có thói cầu kỳ; khô khan lúng túng; báo cáo lông bông; lụp chụp, cẩu thả; bệnh theo sáo cũ; nói không ai hiểu; bệnh hay nói chữ. Người căn dặn, muốn viết báo thì cần phải gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực; ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi cho những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu; luôn cố gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ.

Hạnh Dung - Công Nghĩa


* Nhà báo Đào Văn Tuấn, Phó giám đốc Đài PT-TH Đồng Nai:

Nhà báo cần vững chính trị, giỏi nghiệp vụ và thạo công nghệ

Trong giai đoạn bùng nổ thông tin như hiện nay, nhà báo phải không ngừng rèn luyện, học tập để nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tiếp cận và khai thác có hiệu quả công nghệ hiện đại để sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có chất lượng, có giá trị về tư tưởng, có trách nhiệm với xã hội.

Để phát huy truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam, trong những năm qua, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, Đài PT-TH Đồng Nai rất chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ làm báo chuyên nghiệp, vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ và thạo về công nghệ. Ngoài việc khuyến khích các nhà báo tự làm mới mình, hằng năm chúng tôi đều cử đội ngũ nhà báo tham gia các lớp đào tạo về lý luận chính trị, thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm, các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ và tham gia các hội thảo về chuyên môn nghiệp vụ trong nước và quốc tế.

* Nhà báo Hà Anh Chiến, Báo Lao động, thường trú tại Đồng Nai:

Nhà báo cần có “bộ lọc” thông tin

Trong thời buổi mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber phát triển nhanh, mạnh như hiện nay, thông tin được truyền tải rất nhanh. Do đó, đòi hỏi bản thân mỗi nhà báo phải am hiểu về công nghệ thông tin, có vốn ngoại ngữ để nhanh chóng tiếp cận với thông tin nhằm tránh bị lạc hậu, tụt hậu. Dĩ nhiên, mọi thông tin trên mạng xã hội không phải thông tin nào cũng chính thống, chính xác. Do đó, nhà báo phải có “bộ lọc” thông tin, chắt lọc, kiểm chứng thông tin để đưa tin cho nhanh, chính xác, đúng, trúng vấn đề mà dư luận đang quan tâm.

Bản thân tôi cũng luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi những kiến thức mới để trang bị cho mình. Bên cạnh đó, tôi cũng học hỏi thêm từ đồng nghiệp, từ những đàn anh đi trước cách làm hay để áp dụng vào thực tiễn làm báo của mình, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của tòa soạn cũng như bạn đọc.

* Nhà báo Thiên Vương, Báo Nhân dân, thường trú tại Đồng Nai:

Luôn giữ “lửa” nghề, làm báo tử tế

Từ một phóng viên truyền hình đài địa phương chuyển công tác sang một tờ báo lớn, uy tín như Nhân dân là vinh dự nhưng cũng là thử thách nghề nghiệp rất lớn đối với tôi. Để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, theo tôi ngoài kỹ năng thông thường của người làm báo, điều quan trọng là nhà báo phải có sức khỏe, phải xây dựng được mạng lưới cộng tác viên, có nguồn tin và biết bảo vệ nguồn tin.

Trong bối cảnh thông tin trên báo chí cạnh tranh gay gắt như hiện nay, tôi xác định nguồn tin là yếu tố sống còn đối với phóng viên. Để phát huy truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, truyền thống Báo Nhân dân nói riêng, tôi luôn tâm niệm phải biết giữ “lửa” nghề. Là một người cầm bút, tôi sẽ luôn tận tâm, tận lực, sáng tạo hết mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ với mong muốn góp phần nhỏ bé vun đắp thương hiệu Báo Nhân dân, một cơ quan báo chí tầm vóc đã được gầy dựng từ biết bao công sức, trí tuệ của các thế hệ người làm báo Đảng đi trước. Bên cạnh đó, bản thân tôi sẽ không ngừng học hỏi, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, làm nghề tử tế.

* Nhà báo Hương Giang, Ban Kinh tế Báo Đồng Nai:

Nhà báo phải đi thực tế mới có sự trải nghiệm

Trong những lần đi tác nghiệp tại H.Long Thành, tôi được nghe người dân ở đây nói nhiều về dự án bán đất nền của Công ty CP Địa ốc Alibaba. Qua tìm hiểu, tôi được biết công ty này quảng cáo có nhiều dự án, khu đô thị rất hoành tráng ở Long Thành. Để biết rõ hơn về vấn đề này, tôi đã đến Sở KH-ĐT, Sở
TN-MT, H.Long Thành để tìm hiểu thông tin và được biết các cơ quan chức năng không cấp phép bất kỳ dự án nào cho Công ty Alibaba. Khi đã nắm rõ thông tin về việc làm sai trái của công ty này, tôi bắt đầu đưa tin về công ty.

Thời điểm đó, Báo Đồng Nai là một trong những tờ báo đưa tin sớm về các dự án ma của Công ty Alibaba. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tôi đã điều tra và viết tổng cộng khoảng 20 tin, bài về các dự án ma của Công ty Alibaba trên Báo Đồng Nai. Khi biết Báo Đồng Nai đưa tin, trên trang web của Công ty Alibaba trấn an khách hàng bằng cách nói rằng phóng viên Báo Đồng Nai đưa tin không đúng và “dọa” sẽ kiện báo. Tuy nhiên, đây chỉ là chiêu trò của công ty để trấn an khách hàng. Còn bản thân tôi, khi đã nắm trong tay đầy đủ bằng chứng về những việc làm sai trái của công ty, tôi cảm thấy không có chút e ngại nào. Kết quả sau đó, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra và bắt giữ những người đứng đầu Công ty Alibaba, khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tôi mong muốn các phóng viên trẻ khi đã chọn nghề báo thì nên đi thực tế nhiều, phải đi mới có sự trải nghiệm, có đi đến nơi mới nắm rõ vấn đề, mới truyền tải được thông tin mang hơi hướng cuộc sống, nhiều chiều.

An Yên (ghi)


 

Tin xem nhiều