Báo Đồng Nai điện tử
En

Ươm mầm 'hạt giống đỏ'

09:05, 25/05/2020

Tiếp nối thành quả của chương trình Ngày hội Hạt giống đỏ lần đầu tiên năm 2019, mới đây, Tỉnh đoàn đã tổ chức Ngày hội Hạt giống đỏ lần thứ 2 thu hút trên 150 đoàn viên trung kiên, đoàn viên ưu tú các trường THPT trong tỉnh tham gia.

Tiếp nối thành quả của chương trình Ngày hội Hạt giống đỏ lần đầu tiên năm 2019, mới đây, Tỉnh đoàn đã tổ chức Ngày hội Hạt giống đỏ lần thứ 2 thu hút trên 150 đoàn viên trung kiên, đoàn viên ưu tú các trường THPT trong tỉnh tham gia.

Học sinh tham quan, tìm hiểu lịch sử thông qua các tài liệu, hiện vật, phim ảnh đang trưng bày tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh. Ảnh: N.Sơn
Học sinh tham quan, tìm hiểu lịch sử thông qua các tài liệu, hiện vật, phim ảnh đang trưng bày tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh. Ảnh: N.Sơn

Tham gia ngày hội, các em đã có cơ hội tìm hiểu về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của thế hệ cha ông, về tội ác mà các thế lực xâm lược đã gây ra đối với Việt Nam, về hậu quả của chiến tranh… Từ đó, giúp các em thêm yêu hòa bình và phấn đấu để bảo vệ nền hòa bình ấy.

* Bài học lịch sử sinh động

Khác với chương trình Ngày hội Hạt giống đỏ lần đầu tiên, Ngày hội Hạt giống đỏ năm nay với chủ để Hành trình theo chân Bác đã đưa các học sinh tiêu biểu khối THPT đến với các địa chỉ đỏ tọa lạc tại TP.HCM.

Điểm đầu tiên mà đoàn đặt chân tới chính là Bảo tàng chứng tích chiến tranh - nơi lưu giữ những chứng tích tội ác và hậu quả của cuộc chiến tranh mà các thế lực xâm lược đã gây ra đối với Việt Nam. Lần đầu tiên em Nguyễn Thị Hồng Ngân, học sinh lớp 10A2 Trường THPT Long Thành (H.Long Thành) đến với bảo tàng nên từng lời giới thiệu của nhân viên thuyết minh, từng chuyên đề đang trưng bày tại bảo tàng đều được em ghi chép lại thật cẩn thận, tỉ mỉ.

Hồng Ngân chia sẻ, những tài liệu, hiện vật và phim ảnh trưng bày tại bảo tàng đã giúp em hệ thống lại và làm phong phú thêm kiến thức về lịch sử của em. Chẳng hạn khi xem 125 ảnh, 22 tài liệu và 143 hiện vật trong chuyên đề Tội ác chiến tranh xâm lược, em mới hình dung đầy đủ và rõ nét những tội ác và hậu quả của chiến tranh đối với đất nước và con người Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng trên 14,3 triệu tấn bom đạn (gấp 3 lần bom đạn sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ 2).

Em Hoàng Gia Huy, học sinh lớp 12B4 Trường THPT Xuân Thọ (H.Xuân Lộc) đã không thể cầm lòng khi tham quan chuyên đề Hậu quả chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam. Huy bộc bạch: “Thật sự quá tàn ác. Chỉ trong vòng 10 năm (từ 1961-1971), quân đội Mỹ đã phun rải trên 100 triệu lít chất độc hóa học xuống miền Trung, Tây nguyên và miền Nam Việt Nam làm cho 2,6 triệu ha đất bị nhiễm độc, làm cho hàng triệu người dân Việt Nam và các thế hệ con cháu của họ bị nhiễm dioxin gây nên các bệnh ung thư, dị tật bẩm sinh… trở thành nỗi đau dai dẳng cho đến hôm nay”.

Rời Bảo tàng chứng tích chiến tranh với biết bao cảm xúc, các học sinh đến với Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM (còn gọi là Bến cảng Nhà Rồng) - nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước; Dinh Độc Lập - biểu tượng của chiến thắng, hòa bình và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam.

* Trách nhiệm bảo vệ thành quả cách mạng

Em Trần Thị Ngọc Bình, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa) cho biết, em đã đọc nhiều tài liệu về quá trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác nhưng khi đến với Bến cảng Nhà Rồng - nơi lưu giữ những tư liệu, hiện vật về Bác và đặc biệt nghe các chị nhân viên ở đây thuyết minh em hiểu hơn về hành trình ra đi tìm đường cứu nước đầy gian nan của Bác.

Ngọc Bình cho biết, cuộc hành trình của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã bôn ba ròng rã trên một chặng đường dài từ những trung tâm văn minh nhất của thế giới tới những nơi đau khổ tận cùng của nhân loại. Cuộc hành trình đầy gian khổ nhưng ý chí kiên cường của người cộng sản trẻ tuổi đã không làm Người chùn bước, trái lại càng thôi thúc Người tìm ra con đường cứu nước, cứu dân. Người bất chấp hiểm nguy để tiếp cận với chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm thấy chân lý giải phóng dân tộc sau 9 năm ra đi tìm đường cứu nước.

Từ khi Bác Hồ tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả dân tộc Việt Nam trải qua 55 năm đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược. Trong hơn nửa thế kỷ ấy, biết bao thế hệ người Việt Nam đã hy sinh xương máu cho hòa bình đất nước. Theo tài liệu đang lưu trữ tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh, chỉ tính trong vòng 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Việt Nam đã có khoảng 3 triệu người bị chết, 2 triệu người bị thương và 300 ngàn người mất tích.

“Quả thật, cái giá phải trả cho nền độc lập, tự do hôm nay không hề nhỏ. Thế hệ trẻ chúng em thật may mắn sinh ra khi đất nước không còn bóng quân xâm lược. Chúng em tự thấy trách nhiệm của mình cần phải nỗ lực hơn nữa để bảo vệ thành quả của cách mạng - nền hòa bình, độc lập, tự do mà cha ông đã dày công giành lại” - Ngọc Bình bộc bạch.

Theo em Hoàng Gia Huy, học sinh lớp 12B4 Trường THPT Xuân Thọ (H.Xuân Lộc), là học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, hành động thiết thực nhất chính là nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức, hiểu biết; nâng cao bản lĩnh chính trị; nêu cao tinh thần cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch...

Chị Hồ Hồng Nguyên, Phó bí thư Tỉnh đoàn cho hay, đây là lần thứ 2 Tỉnh đoàn tổ chức Ngày hội Hạt giống đỏ. Ban tổ chức mong muốn, qua chương trình sẽ góp phần bồi đắp thêm lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng cho những học sinh tiêu biểu. Và sau ngày hội, các “hạt giống đỏ” này sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình trong học tập, rèn luyện, trở thành tấm gương để các thế hệ học sinh, đoàn viên, thanh niên phấn đấu noi theo.

Nguyễn Tuyết

Tin xem nhiều