Hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở, thư viện trong các trường học từ nhiều năm nay đã phát động xây dựng tủ sách Bác Hồ với nhiều đầu sách đa dạng, phong phú.
Hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở, thư viện trong các trường học từ nhiều năm nay đã phát động xây dựng tủ sách Bác Hồ với nhiều đầu sách đa dạng, phong phú.
Bạn đọc tìm hiểu các tác phẩm tại tủ sách Chủ tịch Hồ Chí Minh của Thư viện Đồng Nai |
Xây dựng và nhân rộng các tủ sách Bác Hồ là một trong những việc làm thiết thực, có chiều sâu và ý nghĩa giáo dục to lớn trong cộng đồng. Qua đó, lan tỏa phong trào đọc sách, học và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
* Nhiều tủ sách Bác Hồ
Nhắc đến tủ sách Bác Hồ đầu tiên không thể không nhắc đến Thư viện Đồng Nai - một trong những địa chỉ có số lượng sách về Bác khá lớn. Thư viện dành không gian thoáng mát nhất trước sảnh thư viện để trưng bày những đầu sách về Đảng, Bác Hồ và Đồng Nai. Từ khi thành lập đến nay, tủ sách Bác Hồ của Thư viện Đồng Nai không ngừng phát triển về số lượng cũng như chất lượng. Hằng năm, thư viện thực hiện nhiều đợt luân chuyển sách về cơ sở, trong đó có các đầu sách về Bác. Chỉ tính riêng tủ sách Bác Hồ, thư viện hiện có trên 3 ngàn đầu sách của nhiều NXB khác nhau.
Theo Phó giám đốc Thư viện Đồng Nai Hoàng Thị Hồng, hiện thư viện đang trong quá trình số hóa sách (xây dựng và phát triển thư viện điện tử), bước đầu đã số hóa tài liệu địa chí và một phần sách về Bác. Trên website và các bảng tin của thư viện cũng thường xuyên cập nhật những bài viết, giới thiệu sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; Bác Hồ với Đồng Nai, Đồng Nai với Bác Hồ; các sự kiện, tấm gương điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh.
Hướng tới kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày 7-5, Thư viện Đồng Nai đã trưng bày và xếp sách nghệ thuật với hơn 300 đầu sách về Đảng, Bác Hồ. Bên cạnh đó, Thư viện Đồng Nai trưng bày triển lãm báo, hình ảnh tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Qua đó, thư viện phát động phong trào đọc sách báo, tự học theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao ý thức tự học của người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh, thiếu niên, tôn vinh văn hóa đọc trong cộng đồng. |
Trong thư viện các trường học trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng đã xây dựng những tủ sách Bác Hồ. Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa) Nguyễn Văn Duyên cho biết, mô hình tủ sách Bác Hồ được ngành GD-ĐT phát động từ lâu. Nhà trường đã triển khai thực hiện và khuyến khích học sinh kể chuyện Bác Hồ trong các buổi sinh hoạt dưới cờ hoặc đọc sách 15 phút đầu giờ.
“Tủ sách Bác Hồ của nhà trường được học sinh tìm đọc nhiều vào các dịp ngành GD-ĐT, ngành Văn hóa hay Tỉnh đoàn tổ chức những cuộc thi viết, kể chuyện về Bác trong năm. Tủ sách khuyến khích các em đến với tri thức, “truyền lửa” ý chí cách mạng, nhân cách sống cao đẹp, tác phong làm việc của Bác. Từ đó, các em soi rọi để tự rèn luyện bản thân, trau dồi đạo đức, học tập tốt hơn” - thầy Duyên nói.
Tại Trường THCS Thống Nhất (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) nhiều năm nay mô hình tủ sách Bác Hồ cũng được giáo viên và học sinh nhân rộng. Những ngày đầu mới thành lập, tủ sách chỉ có trên 10 đầu sách về Bác. Để phát triển tủ sách, nhà trường đã vận động giáo viên, học sinh quyên góp sách về Bác cho thư viện. Đến nay, tủ sách Bác Hồ có hơn 100 đầu sách. Tủ sách không chỉ hỗ trợ cho học sinh tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của Bác mà còn hỗ trợ cho giáo viên trong việc học tập tác phong làm việc tận tâm, trách nhiệm, hết lòng vì học sinh thân yêu.
Cùng với tủ sách Bác Hồ được xây dựng, thực hiện trong hệ thống thư viện, trường học, mô hình này còn có sức lan tỏa sâu rộng đến nhiều cơ quan, đơn vị và trở thành phong trào thi đua sôi nổi ở nhiều địa phương. Tiêu biểu như các huyện Xuân Lộc, Định Quán, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, mô hình tủ sách Bác Hồ được các tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị duy trì, quản lý, phục vụ cho công tác tuyên truyền ngày càng phát huy hiệu quả.
Tính đến thời điểm hiện tại, H.Xuân Lộc có hơn 208 tủ sách (trong đó có 52 tủ sách Bác Hồ của các tổ chức cơ sở Đảng, 156 tủ sách tại các chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở) với gần 15 ngàn đầu sách.
* Lan tỏa làm theo lời Bác
Do chưa đi học trở lại sau thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19 nên em Lê Kim Ngân (lớp 4/4 Trường tiểu học Nguyễn An Ninh, TP.Biên Hòa) đã chọn Thư viện Đồng Nai làm điểm đến đọc và mượn sách về Bác Hồ. Kim Ngân cho biết, em đến mượn sách về Bác để đọc và tham gia cuộc thi Bác Hồ với thiếu nhi, thiếu nhi với Bác Hồ do Hội đồng Đội TP.Biên Hòa tổ chức. Tìm hiểu về Bác trong sách để em lựa chọn những câu chuyện hay nhất tham gia cuộc thi.
“Tủ sách Bác Hồ ở Thư viện Đồng Nai rất phong phú, em có thể lựa chọn thoải mái. Đọc sách giúp em có thêm nhiều kiến thức. Từ các câu chuyện, em rút ra cho mình được bài học về tiết kiệm, về chữ tín và tinh thần trách nhiệm trong học tập. Dù đọc chưa nhiều sách về Bác nhưng với những gì đã đọc giúp em hiểu sâu hơn về lịch sử, tinh thần tương thân tương ái. Em sẽ cố gắng học tập để trở thành con ngoan trò giỏi, noi gương Bác Hồ” - Kim Ngân chia sẻ.
Theo Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao TP.Long Khánh Nguyễn Thị Thanh Uyên, trong tháng 4, hệ thống thư viện ở Long Khánh đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19. Từ đầu tháng 5 này, thư viện mở cửa hoạt động trở lại nhưng không tập trung quá số lượng bạn đọc theo đúng quy định. Mặc dù vậy, bạn đọc thiếu nhi, người lớn đến mượn sách nhiều hơn trong đó có nhiều sách về Bác.
“Đây là thời điểm chuẩn bị kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác. Nhiều trường học dù chưa đi học lại nhưng vẫn phát động những cuộc thi trực tuyến tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của Bác, kể chuyện Bác Hồ… Học sinh mượn và đọc sách về Bác vừa nâng cao kiến thức, hiểu biết vừa lan tỏa tinh thần học và làm theo lời Bác. Bởi vậy, Thư viện TP.Long Khánh đã tăng cường làm thẻ đọc mới, chủ động theo dõi các văn bản chỉ đạo để hướng dẫn bạn đọc tìm sách một cách hiệu quả nhất” - bà Thanh Uyên nói.
Với việc nhân rộng tủ sách Bác Hồ, tin tưởng rằng phong trào đọc sách, học và làm theo tấm gương Bác Hồ sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sự gắn kết chặt chẽ trong các tầng lớp nhân dân. “Phát huy hiệu quả tủ sách Bác Hồ để lan tỏa trong cộng đồng, thời gian tới thư viện sẽ tiếp tục số hóa sách về Bác và luân chuyển sách về cơ sở để các tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên có thể tiếp cận dễ dàng hơn. Từ đó, nâng cao nhận thức, hoàn thiện nhân cách mỗi người” - Phó giám đốc Thư viện tỉnh Hoàng Thị Hồng nhấn mạnh.
Ly Na