Năm nay vừa tròn 200 năm ngày sinh Karl Marx, nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại, người thầy của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, một vĩ nhân của nhân loại.
Năm nay vừa tròn 200 năm ngày sinh Karl Marx, nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại, người thầy của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, một vĩ nhân của nhân loại.
Karl Marx |
200 năm đã trôi qua, nhưng những giá trị của chủ nghĩa Marx vẫn còn sức sống vững bền trong thời đại ngày nay.
* Những phát kiến vĩ đại
Từ nghiên cứu và tổng kết thực tiễn, Marx cùng Engels đã xây dựng nên học thuyết của mình gồm 3 bộ phận: triết học duy vật biện chứng, kinh tế chính trị học mác-xít và chủ nghĩa cộng sản khoa học. Lòng trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân và sự kiên định trong lập trường giai cấp đã giúp Marx cảm nhận được nhu cầu bức thiết cũng như vai trò sứ mệnh lịch sử đặc biệt của giai cấp công nhân trong công cuộc cách mạng cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới.
Marx đã mở ra một thời đại mới trong thế giới quan lý luận về khoa học xã hội; một hệ tư tưởng mới - hệ tư tưởng của giai cấp vô sản; tổ chức ra chính đảng của giai cấp vô sản và mở ra phong trào đấu tranh tự giác của giai cấp vô sản và các dân tộc trên thế giới.
Quan điểm về duy vật lịch sử là một phát kiến có ý nghĩa khoa học và cách mạng rất to lớn trong lĩnh vực ý thức xã hội. Theo đó, ý thức, tư tưởng của con người được giải thích bằng bản thân sự tồn tại của con người. Marx chỉ ra rằng trong mỗi thời đại lịch sử, cơ cấu xã hội phải do sản xuất kinh tế quy định. Sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy. Marx đã chỉ ra lịch sử phát triển của xã hội là lịch sử của các cuộc đấu tranh giai cấp. Như vậy, đấu tranh giai cấp là sản phẩm của các quan hệ kinh tế của các thời đại có các giai cấp thích ứng với các thời đại đó.
Marx khẳng định rằng, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ngày càng phát triển và biểu hiện qua mâu thuẫn không thể điều hòa giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. Mâu thuẫn ấy nhất định dẫn đến cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong cuộc cách mạng này, giai cấp vô sản sẽ là người lãnh đạo các giai cấp, tầng lớp nhân dân lao động để lật đổ giai cấp tư sản, giải phóng bản thân đồng thời giải phóng xã hội. Đây là một phát kiến vĩ đại, là tiêu chuẩn quan trọng để phân biệt sự khác nhau về bản chất giữa chủ nghĩa xã hội khoa học và chủ nghĩa xã hội không tưởng trước Marx.
Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn kiên trì lấy chủ nghĩa Marx-Lenin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình. Đường lối cách mạng do Đảng đề ra trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam chính là sản phẩm của sự vận dụng một cách sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. |
* Sức sống vững bền của học thuyết Marx
Những năm sau ngày ngày hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, các thế lực chống cộng trên thế giới đã hô hoảng về sự cáo chung của Chủ nghĩa Marx; người ta gán cho Marx rất nhiều sai lầm. Thế nhưng, sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự sụp đổ của một mô hình trong thực tế chứ không phải là sự sụp đổ của một hệ tư tưởng.
Chủ nghĩa Marx vẫn đang có sức hấp dẫn chinh phục hàng tỷ người trên hành tinh. Năm 1999, Đại học Cambride (Anh) đã bình chọn Marx là nhà tư tưởng số 1 của thiên niên kỷ vừa qua (nhà bác học Einstein đứng thứ 2). Marx cũng được xếp đứng thứ 3 trong số 100 nhân vật lịch sử vĩ đại nhất của nước Đức sau cựu thủ tướng Adenauer và nhà thần học Martin Luther sáng lập đạo Tin lành. Giới học giả trên thế giới vẫn đang không ngừng nghiên cứu về chủ nghĩa Marx và càng không khỏi khâm phục những người sáng lập ra nó.
Đối với cách mạng Việt Nam, công ơn của Marx thật to lớn. Trong bối cảnh đất nước chìm đắm trong đêm trường nô lệ, khi các phong trào yêu nước nổ ra khắp nơi nhưng đều bị dìm trong biển máu, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã bắt gặp chủ nghĩa Marx – Lenin và tìm thấy ở đây con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Chủ nghĩa Marx - Lenin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3 - 2 - 1930, tạo ra một bước ngoặt vĩ đại của lịch sử cách mạng Việt Nam.
Hồng Phúc