Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa VIII vào ngày 10-11, các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung vào những vấn đề nổi cộm, kéo dài đang được cử tri quan tâm, trong đó có tình trạng ngập cục bộ tại TP.Biên Hòa.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa VIII vào ngày 10-11, các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung vào những vấn đề nổi cộm, kéo dài đang được cử tri quan tâm, trong đó có tình trạng ngập cục bộ tại TP.Biên Hòa.
Mưa lớn gây ngập trên đường Hưng Đạo Vương (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.GIANG |
Đại biểu Lê Văn Dành (tổ đại biểu TP.Biên Hòa) cho rằng tình trạng ngập nước ở TP.Biên Hòa ngày càng nặng nề và nghiêm trọng, nhất là sau mỗi cơn mưa lớn làm nhiều tuyến đường ngập sâu, như: Phạm Văn Thuận, Đồng Khởi, Hưng Đạo Vương... Tình trạng này đã gây khó khăn, nguy hiểm trong việc sinh hoạt, đi lại của người dân.
* Ưu tiên khắc phục điểm ngập lớn
Lý giải nguyên nhân gây ngập nước ở TP.Biên Hòa, Phó giám đốc Sở Xây dựng Lý Thành Phương cho rằng do hệ thống thoát nước tự nhiên là sông, suối, mương, rạch đã bị bồi lắng tự nhiên; dòng chảy nhiều mương, rạch bị lấn chiếm bởi các công trình xây dựng trái phép; rác thải xả ứ đọng lâu ngày gây ách tắc dòng chảy. Trong khi đó, phần lớn các cống, mương thoát nước chính của thành phố đều xây dựng trước năm 1975, hệ thống thoát nước quá nhỏ không đảm bảo khả năng thoát nước trước tốc độ đô thị hóa quá nhanh.
Về giải pháp đồng bộ và dài hạn, Sở Xây dựng sẽ chỉ đạo Trung tâm thoát nước Đồng Nai sớm triển khai dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải cho TP.Biên Hòa (giai đoạn 1), trong đó ưu tiên phục vụ tiêu thoát nước cho 9 phường trong nội ô thành phố. Song song đó, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cần khẩn trương tập trung nhân lực hoàn thành dự án cải tạo suối Săn Máu - một trong những hệ thống thoát nước tự nhiên chính của thành phố theo đúng tiến độ đề ra. Đồng thời, Sở Xây dựng sẽ triển khai các dự án cải tạo, nạo vét các tuyến: suối Cầu Quan, suối Bà Lúa, suối Chùa, rạch Lung... để dòng chảy được tiêu thoát liên tục.
Trước mắt, TP.Biên Hòa sẽ gấp rút triển khai thi công công trình thoát nước chống ngập cục bộ cho 6 điểm ngập lớn: đường Nguyễn Ái Quốc đoạn gần Bệnh viện tâm thần trung ương 2, đoạn gần chợ Tân Phong; đường Phạm Văn Thuận đoạn gần cầu Ông Tửu; đường Đồng Khởi đoạn gần Công an phường Tân Hiệp; điểm ngập ở KP.3, phường Bửu Long; giao lộ Trần Quốc Toản - Vũ Hồng Phô. Riêng khu vực vòng xoay Biên Hùng, Sở Xây dựng giao cho Trung tâm thoát nước Đồng Nai xây dựng hệ thống thoát nước mới dọc đường 30-4, đến đường Nguyễn Văn Trị ra sông Đồng Nai. Đối với ngã tư Phạm Văn Thuận - Võ Thị Sáu, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh giao TP.Biên Hòa nạo vét tu bổ, khắc phục tình trạng san lấp mặt bằng, gây cản trở dòng chảy ra khu vực suối Săn Máu.
* “Một mình Biên Hòa sẽ không giải quyết nổi”
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho biết: “Nếu chỉ một mình Biên Hòa sẽ không giải quyết nổi tình trạng ngập mà cần sự phối hợp của Sở Xây dựng và triển khai các dự án của Trung tâm thoát nước Đồng Nai, cũng như triển khai giai đoạn 2 dự án suối Săn Máu. Bởi lẽ, suối Săn Máu xuyên suốt, trải dài trên địa bàn TP.Biên Hòa và là dòng suối tiêu thoát mưa lớn nhất trên địa bàn thành phố. Nếu triển khai kịp thời, nhanh sẽ giải quyết cơ bản tình trạng thoát nước của thành phố trong năm 2016, 2017”. Ngoài ra, thành phố cũng cho rà soát lại các doanh nghiệp đang triển khai dự án san lấp mặt bằng ảnh hưởng đến dòng chảy để cho xử lý nhằm tránh tình trạng ngập úng.
Riêng trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, các đại biểu quan tâm chất vấn nhiều các nội dung liên quan đến những bất cập về dạy thêm, học thêm; quy định về thu học phí giáo dục, bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh còn bất hợp lý. Theo đại biểu Huỳnh Văn Tới (tổ đại biểu huyện Trảng Bom), ngành GD-ĐT vận dụng chưa đầy đủ, chưa vững chắc Thông tư số 04/2014/TT-BGD-ĐT và Hướng dẫn số 463 của Bộ GD-ĐT, vì Thông tư số 04 ở Điều 3, Điều 7 quy định rất rõ đây là hoạt động tự nguyện của học sinh; cơ sở thực hiện giáo dục kỹ năng sống là các cơ sở giáo dục, có thể hiểu đây là các trường có thẩm quyền được triển khai. Do đó, việc thông qua Trường đại học Đồng Nai thu phí giảng dạy kỹ năng sống ở cơ sở là chưa hợp lý. Hiện nay, ngành GD-ĐT quy định hẳn mức thu phí học sinh của TP.Biên Hòa là 300 ngàn đồng/học sinh, các huyện là 240 ngàn đồng/học sinh, trong khi vào đầu năm học mới có quá nhiều khoản thu khiến không ít phụ huynh gặp khó khăn. Đại biểu Huỳnh Văn Tới đề nghị UBND tỉnh xem lại mức thu và cách thức thực hiện? Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Tư đề nghị Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang rà soát, kiểm tra lại vấn đề này để triển khai đúng quy định, không làm vội vàng vì đây là vấn đề lớn trong GD-ĐT; Sở Tư pháp xem lại quy định thu lệ phí như vậy có đúng hay không, nếu thấy chưa đủ cơ sở pháp lý thì tạm dừng việc thu phí để làm lại cho đúng quy trình. |
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trong mùa khô này TP.Biên Hòa phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương khắc phục các điểm ngập để mùa mưa năm sau cơ bản giải quyết tình trạng ngập nước trong khả năng có thể sửa chữa. UBND thành phố đã giao trách nhiệm Phòng Quản lý đô thị và các địa phương rà soát tình trạng xây dựng trái phép trên suối, mương, rạch; kiên quyết xử lý, tháo dỡ những công trình xây dựng lấn chiếm dòng suối. Về nạo vét, giao Công ty dịch vụ môi trường đô thị Đồng Nai được giao nạo vét, dọn rác thải tại các dòng suối, mương, rạch; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân không xả rác thải xuống suối. TP.Biên Hòa đã kiến nghị UBND tỉnh thành lập trung tâm thoát nước đô thị để kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan đến ngập nước của thành phố.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Tư nhấn mạnh: UBND tỉnh phải đưa chương trình khắc phục ngập nước ở TP.Biên Hòa vào chương trình ưu tiên trong 5 năm tới khi Biên Hòa lên đô thị loại I. UBND TP.Biên Hòa phải quản lý kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng trái phép lấn dòng chảy cũng như xả rác thải bừa bãi ra sông, suối, rạch gây cản trở thoát nước.
Đặng Ngọc