Những ngày qua, hàng triệu trái tim người Việt ở trong và ngoài nước hướng về biển Đông với tình yêu mãnh liệt nhất. Ở đó, có những người lính đang ngày đêm đem hết trí tuệ, công sức để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng đang bị Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn xâm phạm.
Những ngày qua, hàng triệu trái tim người Việt ở trong và ngoài nước hướng về biển Đông với tình yêu mãnh liệt nhất. Ở đó, có những người lính đang ngày đêm đem hết trí tuệ, công sức để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng đang bị Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn xâm phạm.
Theo TS. Huỳnh Văn Tới, đây là sự kiện nhận được sự quan tâm của tất cả các tầng lớp nhân dân và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Vì vậy, không có gì lạ khi làn sóng phản ứng của nhân dân lại dâng lên mạnh mẽ như hiện nay. Ông nhận định:
- Trước tình hình này, đương nhiên phải có sự phản ứng ở cấp quốc gia bằng nhiều hình thức khác nhau để thể hiện thái độ phản đối việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Việt Nam. Ở góc nhìn văn hóa, tôi cho rằng đây là vấn đề xuất phát từ sâu thẳm lòng dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước suốt bao đời nay. Cho nên, người dân mang dòng máu Việt, yêu chuộng hòa bình bất kỳ ở đâu đều sục sôi lòng yêu nước, phản ứng hành động sai trái này của Trung Quốc.
Ông đánh giá như thế nào về hành động của Trung Quốc trong những ngày qua và phản ứng của người dân?
- Rõ ràng, hành động của Trung Quốc đang đi ngược lại những cam kết liên quan đến luật pháp quốc tế mà chúng ta đã ký kết trên mặt trận ngoại giao. Điều này khiến người Việt Nam không ai có thể chịu nổi, dẫn đến phản ứng. Phản ứng tự phát cũng có mà phản ứng có tổ chức cũng có.
Vừa rồi, rất nhiều các tổ chức đã lên tiếng về hành động ngang ngược của Trung Quốc, như: liên hiệp hội, hội nhà báo, hội luật gia... Chúng ta cũng đã tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế bằng con đường ngoại giao, đặc biệt là từ những người bạn thân thiết ủng hộ Việt Nam; những học giả có uy tín, trong đó có cả những học giả của Trung Quốc. Riêng trong lòng dân, tinh thần yêu nước đã trở thành thường trực. Tôi rất thấm câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Khi đất nước có sự cố, lòng yêu nước của mỗi con người nổi lên như làn sóng, kết nối lại với nhau thành sức mạnh nội sinh và nhờ đó mà đánh đuổi, đẩy lùi được những kẻ thù xâm lược lớn”.
Làn sóng phản đối Trung Quốc đang dâng lên mạnh mẽ. Ông có nhận xét như thế nào về hành động thể hiện lòng yêu nước của người dân hiện nay?
- Yêu nước là quyền của mỗi người, không phải sự độc tôn, không ai có quyền ngăn cấm. Yêu nước thuộc về bản sắc của mỗi dân tộc. Vậy, bản sắc yêu nước của dân tộc Việt Nam là gì? Đó là đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết, “việc nước trước việc nhà”.
Từ xưa đến nay, đã có nhiều tấm gương xả thân hy sinh lợi ích của mình cho Tổ quốc. Truyền thống yêu nước mang bản sắc Việt Nam là phải bình tĩnh, tỉnh táo, yêu nước gắn với yêu chuộng hòa bình, gắn với ứng xử văn hóa, tôn trọng người khác. Truyền thống yêu nước của Việt Nam xa lạ với các hình thức yêu nước một cách hung hãn, xâm phạm đến tài sản, tính mạng của người khác hoặc chỉ muốn khẳng định vai trò cá nhân của mình mà bất chấp tất cả.
Trong hoạt động yêu nước mà người dân thể hiện vừa qua, tôi thấy có 3 nhóm chính, gồm: yêu nước đúng, yêu nước đẹp và yêu nước hơi “dị dạng”.
Yêu nước đúng, là yêu nước có tổ chức do những đoàn thể, trí thức, nhân dân thực hiện với những phát ngôn đúng mực.
“Đồng Nai không có đường biển nhưng luôn có biển ở trong lòng. Vì thế, yêu nước, yêu biển trước hết phải vì lợi ích chung, lợi ích của cộng đồng, của dân tộc chứ không có hành vi yêu nước kiểu anh hùng cá nhân. Dù có căm giận nhưng phải hành động sao để đặt lợi ích dân tộc lên trên. Doanh nghiệp Trung Quốc đến đây làm ăn là đóng góp ngân sách cho Đồng Nai theo đúng luật pháp, do đó không nên “giận cá chém thớt” mà phải chọn cách làm hay, chọn hành vi đem lại lợi ích chung cho Tổ quốc. |
Yêu nước đẹp được xuất phát từ trái tim, từ tình cảm đẹp, tư tưởng đẹp dẫn đến có nghĩa cử đẹp. Cụ thể, như nhóm sinh viên Trường đại học Lạc Hồng vừa đoạt giải vô địch cuộc thi sáng tạo robot toàn quốc, khi nhận được phần thưởng cao quý đã nghĩ ngay đến việc chia sẻ phần thưởng với các chiến sĩ đang công tác tại Trường Sa. Hay mới đây, trong giờ chào cờ sáng thứ hai, hơn 800 học sinh của Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Biên Hòa) đã xếp hình Tổ quốc, trong đó cờ đỏ sao vàng tung bay trên 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Hình ảnh học sinh tay đặt lên lồng ngực hát Quốc ca rất xúc động.
Tuy nhiên, cũng có một bộ phận người dân thể hiện lòng yêu nước bằng cách tập hợp số đông, la hét, đập phá để thỏa mãn nhưng thực ra là bị kích động. Những người này chỉ thấy được những cái hạn hẹp trước mắt, mà không biết rằng những hành động như thế không thuộc về truyền thống của người Việt Nam. Vì vậy, đây là hành động không nên khuyến khích, thậm chí phải lên án bởi đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Vậy, muốn yêu nước đúng và đẹp, người dân cần phải làm gì, thưa ông?
- Chúng ta phải tạo cho được các hoạt động mang tính hướng dẫn, định hướng những cử chỉ yêu nước đẹp được phát huy từ truyền thống. Và người dân muốn thể hiện lòng yêu nước phải được sự hướng dẫn của các tổ chức, đoàn thể để tránh nghe theo những kẻ kích động có hận thù dân tộc. Phải giáo dục, vận động cho lớp trẻ, công nhân, học sinh hiểu được thực chất vấn đề này. Theo tôi, hành động đẹp nhất hiện nay để thể hiện lòng yêu nước là đóng góp, ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần cho các chiến sĩ Trường Sa nhằm tăng thêm sức mạnh để bảo vệ vững chắc biển đảo thiêng liêng.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Phượng (thực hiện)