Những năm 1968 - 1970, chiến tranh chống Mỹ ác liệt trên mặt trận miền Nam, Mỹ - ngụy thành lập tổ chức Thiên Nga - Phượng Hoàng nhằm tung lực lượng mật vụ, thám báo... vào các tổ chức kháng chiến và đã có hàng loạt cơ sở kháng chiến của ta nằm trong lòng địch bị lộ, nhiều chỉ huy cấp cao trong vùng bị bắt…
Những năm 1968 - 1970, chiến tranh chống Mỹ ác liệt trên mặt trận miền Nam, Mỹ - ngụy thành lập tổ chức Thiên Nga - Phượng Hoàng nhằm tung lực lượng mật vụ, thám báo... vào các tổ chức kháng chiến và đã có hàng loạt cơ sở kháng chiến của ta nằm trong lòng địch bị lộ, nhiều chỉ huy cấp cao trong vùng bị bắt… Tổ chức tình báo này có sự cố vấn của CIA gây thiệt hại không ít cho cách mạng. Ngày đó, có một chiến sĩ cách mạng đã chấp nhận tiêm hormon, giả gái để có thể xâm nhập vào tổ chức Thiên Nga - Phượng Hoàng này với nhiệm vụ lấy tin cho cách mạng. Đó là cựu chiến sĩ tình báo Huỳnh Văn Thắng với bí hiệu F5.
Người cựu chiến sĩ tình báo ấy nay đã ngoài 60 tuổi, trở thành một nông dân sản xuất giỏi tại Bắc Sơn, Trảng Bom với 14 hécta vườn tược, ao cá..., nhiều lần được vinh danh trong lao động, sản xuất. Ông nói, nỗi ám ảnh chiến tranh đối với những người cựu chiến binh là dai dẳng, và chỉ có thể vượt qua với lòng say mê lao động và cống hiến.
* Từng chứng kiến người anh trai thứ 3 là Huỳnh Văn Tạc và 2 người bạn nối khố hy sinh ngay trước mặt mình, cha và 2 người anh khác cũng thoát ly đi kháng chiến, ông cũng chọn con đường dấn thân theo cách mạng?
- Năm 1969, tôi học và xin đi làm cứu thương. Năm 1970, tôi được các anh cử đi buôn bán nhỏ trong vùng giặc, vừa bán bánh dừa, bánh chuối, vừa lấy tin cho Đài Phát thanh giải phóng. Được 1 năm, các anh lại đề xuất tôi nên giả gái tìm cách vào đội Thiên Nga - Phượng Hoàng - tên của đội thám báo do CIA cố vấn đang hoạt động ở Bến Tre. Tôi đến bác sĩ Trần Quế Tử - bác sĩ Bệnh viện Bến Tre ngày đó - nhờ chích hormon để giảm bớt sự phát triển nam tính. Chích hormon làm người tôi gầy đi, bộ phận sinh dục cũng teo đi.
* Việc chích thuốc để từ bỏ nam tính, lúc ấy có phải là một quyết định dễ dàng?
- Khi quyết định chích hormon, thú thật trong đầu tôi không có gì ngoài lòng căm thù giặc. Trong một thời gian ngắn, tôi chứng kiến tận mắt giặc giết chết người anh trai thứ 3 và 2 người bạn thân thiết từ thuở nhỏ. Lúc đó, chỉ nghĩ nếu có cơ hội phải trả thù cho người thân và bạn bè của mình, những cảm xúc cá nhân xếp lại đằng sau hết.
* Quá trình sử dụng một thân phận khác, tên tuổi khác, lại làm tình báo trong lòng địch ra sao?
- Chích hormon xong, tôi về nuôi tóc dài, mặc quần áo nữ, hormon đã làm tôi không còn cảm giác gì của một thanh niên, tôi cũng không nghĩ ngợi nhiều. Sau khi ngoại hình đã giống nữ, tôi được các anh đưa đi làm thẻ căn cước giả với cái tên mới: Huỳnh Thị Thanh, rồi tìm cách vào đội nữ Thiên Nga - Phượng Hoàng, chính thức trở thành “tình báo hai mang”, cung cấp tin tức cho cách mạng. Trong đội, mỗi người làm việc 1 phòng riêng. Cách mạng cung cấp tin giả cho tôi để lấy lòng bên địch, rồi bằng nhiều cách, tôi lấy được hình ảnh và thông tin của 2 tên mật thám đã chỉ điểm giết chết một số cán bộ ta, sau đó, cách mạng đã diệt được 2 tên chỉ điểm này. Rồi cứ thế, tin đi tin lại, tôi làm việc cho đến 1975.
* Ông còn nhớ hòa bình đến như thế nào không? Lúc đó, cảm giác của ông - người chiến sĩ tình báo phục vụ cách mạng, nhưng lại sống dưới thân phận “phe địch” ra sao?
- Đúng ngày giải phóng 30-4-1975, tôi vẫn chèo ghe đi làm như bình thường. Nhưng vừa đến cổng thì gặp quân giải phóng vào tiếp quản. Tôi biết hòa bình đã về. Không thể vào nơi làm việc, cũng không dám nói chuyện với ai, tôi bối rối, mừng, hãnh diện và lo sợ! Chèo ghe về mà thấy cảm giác lâng lâng như đi trên mây, dẫu xung quanh bom đạn và cả xác chết vẫn còn. Từ chỗ làm về đến nhà 2km mà tôi ngỡ như chỉ chừng 10 thước! Trên bờ là cờ xướng, khẩu hiệu, dân mình reo hò, và cả sung sướng đến khóc. Ai đã từng trải qua những tháng năm bom đạn sẽ hiểu, hòa bình là một điều kỳ diệu, không thể nào tả nổi.
* Rồi ông làm gì với thân phận giả gái của mình?
- Sau giải phóng, tôi tìm đến bác sĩ, xin tiêm lại hormon nam, vì tôi muốn trở lại đúng với con người, tên tuổi, thân phận mình.
* Có phải những lớp thanh niên đã lựa chọn dấn thân vào cuộc chiến với lý tưởng cao đẹp? Trước những lựa chọn sống còn đó, ông và những đồng đội của ông đã nghĩ gì?
- Những lớp thanh niên lớn lên trong bom đạn, chiến tranh như chúng tôi ngày đó, thường được đặt trước sự lựa chọn dấn thân vào cuộc chiến, thoát ly theo cách mạng. Chúng tôi không hề do dự. Sự quyết đoán đó đến rất giản dị vì hầu như ai cũng chứng kiến bạn bè, người thân ngã xuống trước mặt mình vì súng giặc. Chúng tôi nuôi trong lòng nỗi uất ức và căm ghét chiến tranh một cách hồn nhiên. Khi có cơ hội, chúng tôi chọn cách giành lấy hòa bình, và lý tưởng cách mạng đến một cách rõ ràng hơn, sau khi chúng tôi thực sự trở thành người lính.
* Có hay không sự cân nhắc trong mục tiêu giành lấy hòa bình?
- Sự cân nhắc giữa những lợi ích cá nhân và mục tiêu chung lúc đó là không rõ lắm. Chúng tôi, những thanh niên - bị đặt giữa những lựa chọn: dấn thân, hoặc sống trong sự o ép của giặc, sợ hãi trong mưa bom bão đạn... Và nhiều người chúng tôi chọn cách tuân theo tiếng nói bên trong của mình: góp chút sức lực nhỏ nhoi, mong có hòa bình để người thân của mình không còn phập phồng với những cơn ác mộng hàng đêm. Chúng tôi biết mình nhỏ bé, nhưng luôn có nhiều hy vọng…
Tôi vượt qua những ám ảnh chiến tranh bằng lao động. Trải qua một thời đạn bom khủng khiếp, việc sáng vác cuốc ra đồng, chiều về ăn bữa cơm mà không lo bom đạn là một hạnh phúc lớn. Từ Bến Tre, tôi lưu lạc nhiều nơi rồi dừng chân ở Đồng Nai. Khai khẩn từng chút, trồng dưa, trồng bắp, trồng xoài, nuôi cá… tình yêu lao động dẫn dắt tôi vượt qua những năm tháng thời sau chiến tranh rất khó khăn, và giờ tôi thấy vui với những thành quả ấy. |
* Sau cuộc chiến, sự hòa nhập trở lại với cuộc sống bình thường của ông có khó khăn không?
- Sự hòa nhập trở lại sau khi hòa bình, với tôi cũng không dễ dàng, vì tôi có một thời gian dài giả gái, lại sống dưới thân phận chiến sĩ tình báo. Khổ nhất là nhiều người dân tưởng tôi theo địch. Thậm chí, bà con nói với má tôi: “Chị có 3 thằng con, 2 thằng kia theo chánh nghĩa, riêng thằng Thắng thì phản động, thà đẻ hột gà, hột vịt luộc ăn còn hơn”. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua, bà con chòm xóm lại yêu thương và quý trọng.
* Chiến tranh thường để lại những ký ức kinh hoàng. Ông đã làm gì để thoát khỏi những ám ảnh đó?
- Những ký ức và vết thương chiến tranh ám ảnh chúng tôi - những người đi qua cuộc chiến - rất lâu. Với riêng tôi, những ám ảnh ấy đã theo suốt thời niên thiếu. Vừa lớn một chút, tôi vào đội dân y, tham gia cứu chữa chiến sĩ cách mạng, cứu chữa người dân bị thương. Hàng ngày, tôi chứng kiến sự đau đớn từ những vết thương chiến tranh, thiếu thốn thuốc men, thức ăn cũng không đủ, nhìn họ đau đớn vật vã trong sự thiếu thốn đó, tôi cũng đau đớn theo.
Cuộc sống bình thường cũng chưa bao giờ có ý nghĩa “bình thường”. Nằm trong vùng giải phóng, ăn một bữa cơm cũng chẳng mấy lúc yên. Có khi vừa dọn cơm ra, lại có tin địch càn quét, lại vội vàng đi trốn. Bom đạn theo cả vào giấc ngủ của người dân thời ấy. Còn để thoát khỏi những ký ức ấy, chỉ có cách say mê làm việc, lao động.
* Lựa chọn dấn thân, sẵn sàng hy sinh để có được hòa bình, sau đó lại là cả một quãng đời lao động và phấn đấu không mệt mỏi, điều gì mà những cựu chiến sĩ tình báo như ông muốn truyền đến cho thế hệ sau?
- Chúng ta không thể đòi hỏi những người trẻ thời bình suy nghĩ như thời chiến. Với tôi, giáo dục lịch sử cách mạng là điều bình thường, nhưng cũng không nên quá nặng nề về lòng hận thù và căm hờn. Thay vào đó, nên giáo dục nhiều hơn về những giá trị khác, như sự trung thực, can đảm và lòng yêu nước.
Xin cảm ơn ông!
Kim Ngân (thực hiện)