Hơn 30 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và quân đội ta.
Hơn 30 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và quân đội ta.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (trái) trao đổi với Thiếu tướng Chu Huy Mân trước khi vào chiến trường miền Nam năm 1964. |
Đại tướng là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, với các phẩm chất tiêu biểu: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; một con người khiêm tốn, giản dị, ham học hỏi, đoàn kết, sống có tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào.
* Người cộng sản kiên trung
Trong 8 năm, từ khi là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi Bí thư chi bộ và sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, Đại tướng đã bị thực dân Pháp bắt giam 3 lần ở các nhà lao: Huế, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột và từng vượt ngục để tiếp tục hoạt động. Suốt thời kỳ hoạt động bí mật trước Cách mạng tháng Tám, cũng như những ngày bị giam cầm ở các nhà tù đế quốc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn tỏ rõ là một đảng viên cộng sản kiên trung, “nguy hiểm không sờn lòng, khó khăn không lùi bước”, góp phần xây dựng các cơ sở của Đảng, đẩy mạnh phong trào cách mạng ở tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Từ khi đi theo con đường mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng nhân dân lao động, giải phóng con người. Đại tướng luôn đứng ở tuyến đầu trong cuộc đấu tranh chống đế quốc xâm lược, bảo vệ hòa bình và chủ nghĩa xã hội. Ngay sau khi miền Bắc được giải phóng, Đại tướng đã ngày đêm suy nghĩ, trăn trở với công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đồng chí thường xuyên giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ mục tiêu chiến đấu: Độc lập dân tộc, ruộng đất cho dân cày, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Với hiểu biết sâu sắc về Chủ nghĩa Mác - Lênin, có tư duy biện chứng và khoa học, sự mẫn cảm đặc biệt về chính trị, gắn liền lý luận với thực tiễn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nắm vững và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn chiến tranh cách mạng và xây dựng lực lượng vũ trang.
* Sự lãnh đạo của Đảng là sinh mệnh của quân đội
Trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thường xuyên quan tâm đến vấn đề quan trọng hàng đầu là củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Đồng chí khẳng định: “Đảng là linh hồn, là đội tiên phong của quân đội, Đảng mạnh thì mọi việc đều thành, Đảng yếu thì mọi việc đều không bảo đảm” và “Sự lãnh đạo của Đảng là sinh mệnh của quân đội nhân dân”.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn giáo dục và quán triệt cho bộ đội: Quân đội ta là quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Quan hệ giữa quân đội và nhân dân là quan hệ “cá - nước”. Liên hệ mật thiết với nhân dân, đó là nguồn sống và sức mạnh hùng hậu của quân đội ta.
Với những công lao và thành tích xuất sắc đối với cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến thắng hạng nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. |
Quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh là Ðảng phải lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội. Ðồng chí khẳng định: “Ðảng là người tổ chức, lãnh đạo và giáo dục quân đội ta... Do nắm vững quan điểm cơ bản đó mà chúng ta chủ trương Ðảng lãnh đạo tuyệt đối quân đội. Chúng ta đã kiên quyết đấu tranh chống tất cả những khuynh hướng cho quân đội là phi Ðảng, phi chính trị, phi giai cấp và đòi làm giảm nhẹ sự lãnh đạo của Ðảng trong quân đội”.
Là người trung thành tuyệt đối với đường lối của Ðảng, nhưng cũng độc lập, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có những đóng góp lớn trong xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ðại tướng quán triệt rõ quan điểm xây dựng cán bộ xuất thân từ công - nông, bởi đây là lực lượng chủ lực của cách mạng; song, cũng rất khách quan trong nhận xét, đánh giá, sử dụng cán bộ thuộc các thành phần xuất thân khác. Ðại tướng là người dám chịu trách nhiệm để bảo vệ cán bộ, bảo vệ cái đúng, không sợ khuyết điểm, bởi ở Đại tướng có một lòng tin vững chắc vào sự giác ngộ và xu hướng phát triển của con người.
Minh Ngọc (tổng hợp)