Lần đầu tiên tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồng Nai có 1 trường hợp liệt sĩ vô danh được xác định danh tính qua giám định ADN...
Lần đầu tiên tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồng Nai có 1 trường hợp liệt sĩ vô danh được xác định danh tính qua giám định ADN...
Đó là trường hợp của liệt sĩ Nguyễn Văn Lập (quê ở Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội). Sau hơn 30 năm tìm kiếm, bà Nguyễn Thị Nghiệp, em ruột liệt sĩ Lập, đã may mắn tìm ra mộ của anh mình giữa cả ngàn ngôi mộ “chưa biết tên” đang nằm tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồng Nai.
* Trả lại tên cho liệt sĨ
Bà Nghiệp chia sẻ, gia đình bà chỉ nhận được giấy báo tử anh trai của bà hy sinh ngày 18-8-1971 nhưng không biết hy sinh ở đâu. Trước khi qua đời, cha mẹ còn căn dặn bà cố gắng tìm được mộ để cha mẹ yên lòng nơi chín suối. Do đó, hơn 30 năm qua, bà lặn lội khắp các nghĩa trang liệt sĩ từ Quảng Trị đến Bà Rịa - Vũng Tàu để tìm mộ anh mình nhưng vẫn không có bất cứ thông tin gì.
Bà Nguyễn Thị Nghiệp may mắn tìm ra mộ của anh mình giữa cả ngàn ngôi mộ “chưa biết tên”. |
Dù vậy, bà Nghiệp vẫn không nản lòng. Bà vẫn tiếp tục dò hỏi thông tin về anh trai mình qua nhiều bạn bè, đồng đội của ông. Thật may mắn khi bà tìm được ông Nguyễn Huy Quang, từng là lính của Trung đoàn đặc công 113, nguyên là Bí thư Huyện ủy Từ Liêm, TP.Hà Nội. Ông Quang đã tìm ra một số người bạn cùng chiến đấu để dò tìm thông tin về liệt sĩ Lập. Từ đó, bà Nghiệp đã có được thông tin anh trai bà đóng quân ở Trung đoàn 724 - pháo hỏa tiễn mặt đất, hy sinh do bị tập kích tại một khu vực thuộc địa bàn huyện Trảng Bom (Đồng Nai). Sau ngày đất nước thống nhất, hài cốt của ông được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ Đồng Nai.
Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Trưởng phòng Sự kiện Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh, cho biết đến nay công tác giải mã phiên hiệu đơn vị và danh tính liệt sĩ gặp không ít khó khăn. Việc khảo sát, tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều dữ liệu, thông tin cần nghiên cứu xử lý theo trình tự thời gian của cuộc chiến. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh sẽ thực hiện trong thời gian tới. |
Thông qua Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Ban Liên lạc truyền thống Đoàn đặc công 113, đồng đội của liệt sĩ Lập, vào ngày 30-4-2013, gia đình đã xác định được vị trí ngôi mộ của liệt sĩ ở khu vực mộ “chưa biết tên” ở Nghĩa trang liệt sĩ Đồng Nai. Sau đó, gia đình đã xin lấy mẫu giám định ADN tại Viện Công nghệ sinh học. Sau 3 tháng hồi hộp chờ kết quả, bà Nghiệp vui mừng khôn siết khi nhận được kết quả xác định hài cốt liệt sĩ cùng huyết thống với bà.
Ngày 21-7-2013, lễ truy điệu, đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Lập về quê mẹ sau 42 năm, kể từ ngày hy sinh đã được tổ chức long trọng tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồng Nai. Ngày 23-7-2013, liệt sĩ Nguyễn Văn Lập được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Nhổn, huyện Từ Liêm, TP.Hà Nội. Bà Nghiệp chia sẻ: “Đây là ước nguyện cả đời tôi. Tôi không có mong muốn gì hơn nữa. Nếu không có sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè, đồng đội của anh tôi, thì tôi khó thực hiện được ước nguyện này”.
* Còn nhiều liệt sĩ vô danh
Từ tháng 10-2011, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã triển khai thí điểm giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Theo đó, Sở Lao động - thương binh và xã hội các tỉnh, thành chỉ nhận mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ để xác định danh tính liệt sĩ đối với những trường hợp có thông tin ban đầu về nơi hy sinh hoặc nơi an táng liệt sĩ.
Chỉ thực hiện giám định ADN và hỗ trợ kinh phí một lần đối với mỗi liệt sĩ cần xác định danh tính. Kinh phí giám định ADN từ nguồn kinh phí thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công năm 2011 và do Cục Người có công thanh toán trực tiếp với các cơ quan giám định. Theo đó, đối với những kết quả giám định ADN đúng sẽ gắn bia ghi tên liệt sĩ và thực hiện chính sách theo quy định, còn đối với kết quả không đúng, mẫu ADN sẽ được đưa vào ngân hàng ADN liệt sĩ để phục vụ cho công tác đối chiếu gen xác định danh tính liệt sĩ sau này (theo Quyết định số 919/NCC ngày 4-10-2011 về việc thực hiện giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin). |
Bà Nguyễn Thị Kim Duyên, Phó trưởng ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Đồng Nai, cho biết không phải thân nhân liệt sĩ nào cũng gặp may mắn như bà Nghiệp. Gần 2 năm qua, tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh có hơn 10 gia đình xin lấy mẫu phẩm hài cốt liệt sĩ để giám định ADN, nhưng đến nay chỉ có trường hợp duy nhất cho kết quả chính xác là của liệt sĩ Nguyễn Văn Lập.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Người có công (Sở Lao động - thương binh và xã hội) cũng cho hay, hiện nay tại các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh còn hơn 2 ngàn ngôi mộ “chưa biết tên”, riêng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh đã có khoảng 1.200 mộ “chưa biết tên”...
Đặng Ngọc