Qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, đằng sau những chiến tích là nỗi đau thầm lặng của biết bao bà mẹ đã hiến dâng chồng, con cho Tổ quốc.
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hạng (xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) bên con cháu. |
Qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, đằng sau những chiến tích là nỗi đau thầm lặng của biết bao bà mẹ đã hiến dâng chồng, con cho Tổ quốc.
Trong cơn mưa chiều nặng hạt, chúng tôi đến thăm bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hạng (92 tuổi, ở xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch). Sức khỏe mẹ Hạng năm nay đã giảm sút nhiều nhưng vẫn còn minh mẫn để kể về chồng và 3 người con đã hy sinh.
* Hiến trọn đời cho cách mạng
Theo lời mẹ Hạng, vợ chồng mẹ đều tham gia cách mạng, mẹ cũng từng bị địch bắt. Chồng mẹ tham gia cách mạng trong rừng, rồi các con đều xin mẹ cho đi đánh Mỹ. Ngày 10-5-1968, chồng của mẹ bị bệnh rồi qua đời trong rừng, đúng 5 ngày sau thì người con trai cả là Nguyễn Văn Non hy sinh tại chiến trường tỉnh Bà Rịa. Nỗi đau này chưa kịp nguôi thì 2 người con khác của mẹ là Nguyễn Văn Nước và Nguyễn Văn Phái cũng lần lượt hy sinh…
Đồng Nai là tỉnh đầu tiên có HộI Hỗ trợ gia đình liệt sĨ Đầu tháng 7 vừa qua, Đồng Nai đã trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước tiến hành đại hội thành lập Hội Hỗ trợ gia đình thương binh - liệt sĩ Đồng Nai. Hội sẽ huy động các nguồn lực để tổ chức nhiều hơn các hoạt động chăm sóc các gia đình thương binh - liệt sĩ, đặc biệt là các bà mẹ Việt Nam anh hùng hiện còn sống trên địa bàn tỉnh. |
Ở cái tuổi 90, bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thiệt (ngụ tại xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) không thể đi lại được. Việc ăn uống, tắm rửa hàng ngày đều phải nhờ vào cháu trai và cháu dâu. Mẹ Thiệt có 2 người con trai là Trần Văn Phương và Trần Văn Minh đều hy sinh tại huyện Thống Nhất trong kháng chiến chống Mỹ. Mẹ Thiệt nhớ lại, anh Phương hy sinh lúc vợ anh đang mang bầu tháng thứ 6. “Sự an ủi duy nhất của mẹ là các con mình hy sinh nhưng không vô ích” - mẹ Thiệt nói trong nước mắt.
Trên bàn thờ của gia đình bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Điểm (94 tuổi, ở xã Lộc An, huyện Long Thành), hiện đang thờ 5 liệt sĩ, trong đó có 3 liệt sĩ là con ruột, 2 liệt sĩ còn lại là em trai và cháu ruột của mẹ. Mẹ Điểm cho biết, trong kháng chiến chống Pháp mẹ đã từng chứng kiến nỗi đau khi mất đi người em ruột. Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, mẹ đồng ý cho các con, rồi cháu của mình tự nguyện ra chiến trường. Và điều mẹ lo lắng đã trở thành sự thật khi không có ai trong số các con, các cháu của mẹ trở về sau ngày đất nước hòa bình...
* Cần được chăm sóc nhiều hơn
Ông Phạm Thiện Nhân là cháu ruột của bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Trước (94 tuổi, ngụ ấp Chợ, xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch), có chồng và người con độc nhất là liệt sĩ, chia sẻ đầu năm 2007 vợ chồng ông nhân đón mẹ Trước về nhà phụng dưỡng, chăm sóc để mẹ bớt cô đơn lúc tuổi già. 2 năm trở lại đây, mẹ Trước thường xuyên đau ốm. “Vợ chồng tôi thay nhau báo hiếu bằng việc chăm sóc mẹ chu đáo. Mẹ sống được năm nào thì vợ chồng tôi được chăm sóc năm đó” - ông Nhân bày tỏ.
Theo Phòng Chính sách người có công (Sở Lao động - thương binh và xã hội), đến nay toàn tỉnh có 332 người được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Qua gần 20 năm, toàn tỉnh chỉ còn lại 25 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Phần lớn các mẹ tuổi đã cao nên sức khỏe và sự minh mẫn giảm sút, một số mẹ không còn khả năng đi lại.
Phong tặng bổ sung danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng Bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết cùng với việc tiếp tục chăm sóc tốt hơn cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng hiện còn sống, thực hiện Nghị định 56 của Thủ thướng Chính phủ ban hành ngày 22-5-2013, có hiệu lực từ 15-7 vừa qua, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Theo đó, Đồng Nai dự kiến sẽ có thêm 70 mẹ liệt sĩ hiện còn sống được phong tặng, đồng thời có thêm 400 mẹ liệt sĩ đã mất được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. |
Từ nhiều năm nay, các mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn tỉnh đều được các đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời bằng việc thường xuyên tổ chức đến thăm, hỗ trợ tiền để người đứng ra phụng dưỡng chăm lo đời sống cho các mẹ. Tuy nhiên, vẫn cần hơn nữa sự quan tâm, chăm sóc để các mẹ vui sống những ngày còn lại. Chị Huỳnh Kim Huê, cháu dâu của bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thiệt (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu), bày tỏ mong muốn Nhà nước có thêm nhiều chính sách tốt hơn để việc phụng dưỡng mẹ được chu đáo hơn nữa.
Phát biểu tại đại hội Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Đồng Nai lần thứ nhất vào đầu tháng 7 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị trong việc chăm lo cho gia đình chính sách, đặc biệt là các mẹ Việt Nam anh hùng hiện còn sống. Đó không chỉ là trách nhiệm, bổn phận, mà còn là đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.
Công Nghĩa