Tiếp tục kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, sáng 14-6, Quốc hội dành phần lớn thời gian chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình...
Tiếp tục phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, sáng 14-6, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (KSNDTC) Nguyễn Hòa Bình về các vấn đề liên quan đến công tác thực thi quyền công tố, kiểm sát của ngành kiểm sát.
Tại buổi chất vấn, Viện trưởng Viện KSNDTC đã nhận được 16 lượt đại biểu đặt câu hỏi xoay quanh các vấn đề về: công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành kiểm sát; các giải pháp thực hiện Nghị quyết 37 của Quốc hội về công tác kiểm sát…
Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn |
Đặc biệt, một số ý kiến còn nêu lên thực trạng án tham nhũng, kinh tế xử treo nhiều; các vụ án hình sự, dân sự kéo dài gây ảnh hưởng đến đời sống nhiều người dân.
* Án tham nhũng và kinh tế xử treo còn nhiều
Đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quang Ninh) đặt vấn đề: Trong thời gian qua, nhiều ý kiến nhân dân cho rằng, việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về kinh tế, chức vụ và tham nhũng chưa tốt kể từ khâu điều tra, kiểm sát và xét xử; tỷ lệ các bị cáo được tòa tuyên cho hưởng án treo còn nhiều, dẫn đến sự hoài nghi của nhân dân và dư luận xã hội về tính nghiêm minh của pháp luật. Trước thực trạng đó, Viện KSNDTC đã có giải pháp gì để giải quyết các vấn đề trên?
Trả lời vấn đề này, Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hòa Bình đồng tình với ý kiến đánh giá của đại biểu Đỗ Thị Hoàng. Theo báo cáo của Viện trưởng, đến thời điểm này các vụ án kinh tế có tỷ lệ án treo là 30,8%, cao hơn các loại án khác là 21%. Tuy nhiên, Viện trưởng cũng giải thích, đối với án kinh tế điều chú trọng là phải thu hồi tài sản chiếm đoạt trái phép. Đối với loại tội phạm lấy đồng tiền làm phương tiện, mục đích phạm tội thì hình phạt phải là kinh tế chứ không phải hình phạt tù. Chính vì vậy, đối với những vụ án kinh tế, khi đã bị phạt, tịch thu tài sản, hàng hóa, thì nhu cầu đặt ra đối với hình phạt tù là không cao. Đây cũng chính là định hướng khi chúng ta sửa đổi Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự sắp tới. Đối với án tham nhũng, mặc dù tỷ lệ án treo cao, nhưng tất cả đều được vận dụng và áp dụng đúng pháp luật. Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng có những vụ Viện KS phải kháng nghị sau khi có quyết định của tòa án.
Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an tham gia báo cáo, giải trình chất vấn của đại biểu Quốc hội |
Để giải quyết tình trạng án xử treo nhiều, Viện trưởng cho rằng, phải kiểm sát chặt chẽ quá trình xây dựng cáo trạng có đề xuất án treo. Những vụ án tham nhũng cấp dưới đề xuất án treo thì phải xuất trình cấp trên để kiểm tra. Viện trưởng cũng nêu rõ, trong quy định của luật có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ để áp dụng xử dưới khung hình phạt nhưng Viện KS cũng đã chỉ đạo đối với án tham nhũng thì không được vận dụng 2 tình tiết, bị cáo có nhân thân tốt và phạm tội lần đầu. Bởi, cán bộ nào chẳng có nhân thân tốt và không có trường hợp tham nhũng rồi lại tiếp tục được bố trí làm lãnh đạo để tiếp tục tham nhũng. Ngoài ra, để giải quyết tình trạng án tham nhũng bị treo nhiều, thời gian tới, Viện KS sẽ bàn với công an và tòa án để tìm giải pháp. Vì, nếu có áp dụng đúng luật nhưng án treo nhiều, sẽ gây phản cảm.
*Tiến độ giải quyết các vụ án còn kéo dài
Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) về tiến độ giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án trọng điểm còn kéo dài (một số đại biểu khác nêu cụ thể như: “vụ án Vườn Mít”, vụ 3 thanh niên hiếp dâm…) đã kéo dài nhiều năm, tạo dư luận không tốt..., Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho rằng, đây cũng là thực trạng đã xảy ra nhiều năm. Trong đó, án kinh tế và án tham nhũng kéo dài là phổ biển, nhất là các vụ án lớn. Lý giải về vấn đề này, Viện Trưởng cho rằng, nguyên nhân thì có nhiều nhưng án kinh tế thường là án khó, đối tượng đông và phụ thuộc rất nhiều vào công tác giám định. Trong khi đó, thời hạn cho công tác giám định là chưa có, nên nhiều vụ án phụ thuộc vào công tác giám định, dẫn đến kéo dài.
Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết, có những vụ án đã kết thúc điều tra nhưng chưa có kết quả giám định nên cũng chưa thể kết thúc vụ án được. Trong khi đó, các loại giám định như tài chính, xây dựng…, phải tốn nhiều kinh phí, một số cơ quan giám định có biểu hiện né tránh nên việc giải quyết án khó khăn. Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng xác định, đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng thì đối tượng chủ yếu là người có chức, có quyền, nên khi bị phát hiện đã tìm cách che dấu tội phạm, xóa dấu vết, chứng cứ; vụ án phát hiện chậm nên gây khó khăn cho việc điều tra phá án. Để giải quyết những khó khăn trên cả Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đều cho rằng, phải thay đổi quy định về công tác giám định. “Riêng vụ án Vườn Mít thì sau kỳ họp, Viện KS sẽ họp bàn phương án giải quyết” - Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết.
Trần Danh