Một dự án phát triển nghề truyền thống, đáp ứng nhu cầu du lịch lẫn bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, lại hỗ trợ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Chơro đang được triển khai ở ấp Lý Lịch (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu).
Một dự án phát triển nghề truyền thống, đáp ứng nhu cầu du lịch lẫn bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, lại hỗ trợ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Chơro đang được triển khai ở ấp Lý Lịch (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu).
Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (KBT) cho biết, sau nhiều năm làm việc, tiếp xúc, ông nhận thấy đồng bào dân tộc Chơro ở Phú Lý với tay nghề tiểu thủ công nghiệp, kiến thức về các loài thuốc nam và với đời sống văn hóa mang bản sắc dân tộc độc đáo đều là những “vốn liếng” rất quý. Thế nhưng những vốn quý ấy vẫn chưa được phát huy. Và đó là lý do vì sao dự án “Xây dựng mô hình thí điểm các sản phẩm có nguồn gốc từ lâm sản ngoài gỗ bằng kiến thức địa phương, phục vụ bảo tồn, phát triển du lịch và khôi phục những giá trị văn hóa đặc sắc của người Chơro xã Phú Lý” của KBT đã thuyết phục để tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) tài trợ triển khai.
* Khai thác ưu thế tiềm năng
Tên gọi thì dài, nhưng mục tiêu của dự án rất cụ thể. Mục tiêu ban đầu của dự án là hướng cho người dân biết chia sẻ tài nguyên rừng, khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ, như: mây, lồ ô, măng… để có thể đảm bảo cuộc sống mà không xâm hại rừng. Hiện nguồn tài nguyên lâm sản ngoài gỗ trong KBT là rất lớn, nhưng nếu khai thác tràn lan, quá mức mà thiếu định hướng cụ thể thì sẽ có nguy cơ suy giảm tài nguyên rừng, đồng thời gây ra mâu thuẫn giữa người dân địa phương với đơn vị quản lý.
Đồng bào ở Phú Lý biểu diễn cồng chiêng tại Nhà dân tộc Chơro. Ảnh: T.Thúy |
Theo dự án, một mô hình sản xuất sản phẩm quà lưu niệm phục vụ khách du lịch sẽ được xây dựng. Những hộ đồng bào Chơro có tay nghề đan lát, làm hàng thủ công mỹ nghệ sẽ tham gia, sản xuất các mặt hàng truyền thống, như: chiếu lùng (một loại chiếu bện từ cây lùng, nằm rất êm, mát), võng mây, gùi, nỏ, xà gạc (là các dụng cụ sinh hoạt của người Chơro). Đặc biệt, các sản phẩm này sẽ được nghiên cứu sao cho thật tiện ích, như võng mây, chiếu lùng có thể xếp gọn cho vào chiếc ống tre tiện mang đi xa. Các sản phẩm này sẽ được KBT hỗ trợ tiêu thụ tại các điểm du lịch trong KBT, Nhà dài dân tộc Chơro và Vườn quốc gia Cát Tiên.
Tương tự, mô hình sản xuất sản phẩm làm thực phẩm và thuốc chữa bệnh phục vụ du khách cũng được xây dựng. Những hộ có kiến thức về cây thuốc nam và chế biến thực phẩm truyền thống, như: rượu cần, rượu thuốc, cơm lam, canh bồi, lá nhíp, đọt mây… sẽ được huy động làm sản phẩm thông qua đơn đặt hàng của KBT. Theo già làng Năm Nổi, người Chơro ở Phú Lý hiện có 5 bài thuốc gia truyền chuyên trị các bệnh về xương, gân cốt, gan thận rất hay, nếu biết tiếp thị đến du khách sẽ trở thành sản phẩm độc đáo, mang lại nguồn thu không nhỏ.
Không chỉ dừng lại ở sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dự án còn hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu, chất lượng và có chiến lược phát triển sản phẩm cụ thể. Tất cả các quy trình sản xuất sản phẩm hoặc những giá trị văn hóa sưu tầm đều được ghi lại hình ảnh, định danh, mô tả và tư liệu hóa nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và khai thác. Khi các sản phẩm này đã được quảng bá và khẳng định trên thị trường, sẽ tạo thêm việc làm và tăng nguồn thu cho người dân, đồng thời tạo ra được sản phẩm du lịch đặc trưng cho địa phương.
* Người dân tham gia dự án
Ông Nguyễn Đình Biên, Trưởng ấp Lý Lịch cho biết, từ tháng 5-2011 khi được cán bộ KBT phổ biến về dự án, người dân Chơro trong ấp rất đồng tình và mong sớm thực hiện. Theo ông Biên, lâu nay dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng người Chơro cũng còn nghèo. Nay, với dự án của KBT, người dân Chơro có thể tham gia vì nằm trong khả năng của bà con.
Rước thần lúa trong lễ hội Sa Yang Va của đồng bào Chơro. |
Trước mắt, ông Biên đã “tuyển chọn” được hơn mười hộ gia đình để bắt tay vào thực hiện thí điểm. Đây là những hộ có tay nghề, như các chị Nguyễn Thị Động, Nguyễn Thị Ngọc Sự, Hồng Thị Út phụ trách các món ẩm thực; các anh Huỳnh Công Mạnh, Huỳnh Minh Dũng, Huỳnh Văn Lượm, Nguyễn Văn Vũ chịu trách nhiệm sản xuất các mặt hàng thủ công, còn các hộ Nguyễn Văn Son, Huỳnh Văn Tiến và ông Mười Biên sẽ lo phần chế biến các thang thuốc nam bí truyền.
“Với dự án này, tính cộng đồng trong người dân Chơro của chúng tôi sẽ được củng cố, hy vọng đời sống, thu nhập từ đó cũng sẽ khá lên. Ngoài ra, cái được lớn nhất là con cháu chúng tôi sau này lớn lên cũng biết và giữ gìn văn hóa của cha ông để lại, không còn xa rời với sản phẩm truyền thống và văn hóa Chơro” - ông Mười Biên nói trong niềm phấn khởi.
Thanh Thúy