“Ngoài Bộ vừa điện vào, trên tinh thần là đã đồng ý công nhận danh hiệu cho liệt sĩ Thổ Đức rồi…”, giọng của chị Nguyễn Thị Nga, Phó phòng Chính sách người có công Sở Lao động - thương binh và xã hội không nén được nỗi vui mừng khi thông báo.
“Ngoài Bộ vừa điện vào, trên tinh thần là đã đồng ý công nhận danh hiệu cho liệt sĩ Thổ Đức rồi…”, giọng của chị Nguyễn Thị Nga, Phó phòng Chính sách người có công Sở Lao động - thương binh và xã hội không nén được nỗi vui mừng khi thông báo.
Tin vui ấy không chỉ là niềm vui riêng của gia đình liệt sĩ được công nhận, mà còn là niềm vui lớn của tất cả mọi người. Bởi với trường hợp này, Sở Lao động - thương binh và xã hội đã vất vả đeo đuổi hàng mấy năm trời. Với người trong ngành, công tác xét công nhận liệt sĩ cho những người đã khuất là nhiệm vụ không chỉ gian nan, vất vả mà còn luôn gây trăn trở, ray rứt.
Như trường hợp của liệt sĩ Hoàng Văn Sướng (xã Bình Sơn, huyện Long Thành). Ông Sướng tham gia cách mạng từ tháng 1-1962, là bảo vệ Văn phòng Huyện ủy Long Thành. Hơn 1 năm sau trên đường đi công tác ông rơi vào ổ phục kích, bị thương nặng ở bụng và bị bắt. Khi được thả ra, dù vết thương vẫn chưa lành ông vẫn tham gia đội tự vệ mật của xã. Năm 1971, ông Sướng mất vì vết thương tái phát, và sau ngày hòa bình lập lại, ông được công nhận liệt sĩ. Nhưng đến năm 1979, có đề xuất cho rằng hoàn cảnh ông Sướng mất không phải là hy sinh (do vết thương tái phát) nên sau đó cấp có thẩm quyền đã thu hồi danh hiệu liệt sĩ và Bằng Tổ quốc ghi công. Đây là cú sốc lớn đối với gia đình ông Sướng, vợ ông là bà Đặng Thị Quý đã gửi đơn đề nghị xem xét đi khắp nơi. Đồng hành với bà suốt thời gian ấy là các cán bộ của ngành từ xã đến huyện, tỉnh. Không chỉ đi xác minh lại hoàn cảnh hy sinh của ông Sướng, ngành đã kiên trì gửi văn bản kiến nghị, đề nghị xem xét thấu tình đạt lý trên cơ sở thực tế. Và cuối cùng vào tháng 4-2011, Bộ đã đồng ý giao cho địa phương phục hồi danh hiệu cho ông Sướng.
Gian nan không kém, là trường hợp của liệt sĩ Thổ Đức (TX. Long Khánh). Tham gia cách mạng từ năm 1967 lúc mới tròn 20 tuổi, ông Đức là chiến sĩ giao liên cho đội du kích xã Bảo Vinh. Năm 1972, ông Đức bị địch bắn, hy sinh trên đường đi làm nhiệm vụ. Cái khó trong trường hợp này là ông Đức không còn cha mẹ, hy sinh khi chưa lập gia đình, họ hàng không nắm rõ để làm thủ tục công nhận liệt sĩ dù tên của ông được ghi trong lịch sử đấu tranh xã Bảo Vinh, thậm chí có tên trong bia tưởng niệm liệt sĩ của xã. Đến năm 2009, khi địa phương đề nghị công nhận liệt sĩ cho ông Đức thì lại vướng về nhiều thủ tục khác. Lại đằng đẵng hành trình đi tìm những quy định phù hợp theo yêu cầu, cho đến ngày 22-7 vừa qua Bộ mới đồng ý công nhận danh hiệu cho liệt sĩ Thổ Đức.
Trong những hành trình cam go đó, không phải lúc nào thực tế cũng được nhìn nhận. Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Khai (huyện Nhơn Trạch). Tham gia cách mạng từ năm 1965, đến năm 1968 trong một lần phát hiện bọn địch đang phục kích, ông Khai bí mật lẻn đến để báo cho cơ sở biết thì bị bắn lầm, hy sinh nhưng không được công nhận liệt sĩ. Hay như trường hợp của ông Lê Văn Thành (huyện Long Thành), trong chiến tranh khi ông được mời về Công an huyện để làm việc thì mất tích, không rõ trường hợp hy sinh nên cũng không được công nhận dù ngành đã nhiều lần đề xuất…
Với những người phụ trách công tác chính sách, người có công, mỗi hồ sơ liệt sĩ bị tồn đọng là một nỗi ưu tư, trăn trở. Bởi hơn ai hết, họ biết sự hy sinh, mất mát đó là có thật: có đồng đội xác nhận, có nỗi đau của gia đình, có thời gian, công sức đi làm thủ tục, người thân chỉ đau đáu trông mong sự công nhận để an ủi hương linh người đã khuất, nào có ai, trông chờ vào chế độ trợ cấp. Những thủ tục, quy định nhiêu khê, ai là người biết được mình sẽ “ra đi” để chuẩn bị đầy đủ cho người ở lại? Những nỗi băn khoăn, ngơ ngác không hiểu vì sao thực tế là người thân có hy sinh cho cách mạng nhưng không được công nhận luôn cứa vào lòng người. Nhưng quy định là quy định, ray rứt lắm cũng đành bất lực. Và có những ngọn đèn tỏa sáng ra mọi nơi nhưng đã không thể sáng được dưới chân đèn…
Thanh Thúy