Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao đời sống cho các đối tượng chính sách

08:07, 25/07/2011

Cùng với nhiệm vụ chung là thực hiện các khoản trợ cấp theo quy định cho các hộ gia đình chính sách, người có công (CSNCC), nhiều năm nay ngành lao động - thương binh và xã hội luôn tìm tòi những cách làm hay để nâng cao đời sống cho đối tượng vốn đã chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.

Cùng với nhiệm vụ chung là thực hiện các khoản trợ cấp theo quy định cho các hộ gia đình chính sách, người có công (CSNCC), nhiều năm nay ngành lao động - thương binh và xã hội luôn tìm tòi những cách làm hay để nâng cao đời sống cho đối tượng vốn đã chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.

 * Hỗ trợ “cần câu” để thoát nghèo bền vững

Tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông Mai Văn Đông (xã Suối Nho, huyện Định Quán) trở về với cơ thể bị nhiễm chất độc da cam. Hiện nay không chỉ sức khỏe của ông bị suy giảm, mà 3 người con sinh ra đều bị di chứng, quanh năm èo uột, bệnh tật, vì thế gia đình ông rất khó khăn. Dù địa phương đã có nhiều hỗ trợ như xây dựng nhà tình thương, trợ cấp thường xuyên, nhưng gia đình ông Đông vẫn nằm trong diện hộ nghèo của xã.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới thăm hỏi cha liệt sĩ tại Nhà nuôi dưỡng cha mẹ liệt sĩ (xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa). Ảnh: H. LAM
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới thăm hỏi cha liệt sĩ tại Nhà nuôi dưỡng cha mẹ liệt sĩ (xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa). Ảnh: H. LAM

Giữa năm 2010, ông Đông được đưa vào dự án hỗ trợ hộ CSNCC nghèo của huyện. Với khoản kinh phí hơn 9 triệu đồng để mua bò giống, dựng chuồng trại do dự án hỗ trợ, ông Đông đã gầy dựng ra thêm được 2 bò con, đời sống từ đó dần được ổn định. Mới đây, ông Đông đã tự nguyện ra khỏi diện hộ nghèo. Không riêng gì trường hợp của ông Đông, 3 hộ CSNCC nghèo khác trên địa bàn như hộ bà Lê Thị Vân, Nguyễn Thị Hoa cũng đã thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ trên, hộ ông Hoàng Văn Ngạch còn chắt chiu mua được cả mảnh đất nhỏ.

Hiện mô hình hỗ trợ hộ CSNCC nghèo chăn nuôi bò sinh sản đã được nhân rộng tại các huyện Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất, Cẩm Mỹ. Ông Cổ Thế Hành, Phó phòng Lao động – thương binh và xã hội huyện Định Quán cho biết, qua phân tích cho thấy số hộ CSNCC nghèo trình độ học vấn thấp chiếm đến 71,8%, 59,3% không có việc làm, 38,6% thiếu vốn sản xuất, vì thế mô hình hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản là phù hợp đối tượng, lại không cần sử dụng nhiều lao động, công chăm sóc. Mỗi hộ được hỗ trợ bình quân 9,4 triệu đồng, ngoài ra còn được trợ giúp thêm thuốc tiêm phòng bệnh, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc con giống. Khảo sát tại một hộ chăn nuôi theo mô hình trên, thu nhập có thể lên đến 36 triệu đồng/năm.

* Xã hội chung tay chăm lo

Bên cạnh việc xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững, phù hợp, công tác hỗ trợ nâng cao đời sống các hộ CSNCC hoàn  cảnh khó khăn cũng được ngành và các địa phương chú trọng. Ông Lưu Thanh Bình, Phó phòng CSNCC Sở Lao động – thương binh và xã hội cho biết, từ đầu năm đến nay đã xây dựng được 11 căn nhà tình nghĩa (bình quân khoảng 30 triệu đồng/căn), sửa chữa 69 căn nhà dột nát, xuống cấp (bình quân từ 10-15 triệu đồng/căn), cho các đối tượng CSNCC khó khăn. Các dịp lễ, tết các ngành, các cấp đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các hộ gia đình CSNCC ân cần, chu đáo, như đợt kỷ niệm 64 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ 27-7 năm nay, UBND tỉnh đã thăm hỏi, tặng quà cho hơn 16.500 hộ CSNCC với kinh phí trên 11,5 tỷ đồng.

Không chỉ thế, hàng năm các đối tượng CSNCC đều được quan tâm chăm sóc về sức khỏe, tinh thần. Theo ông Bình, từ đầu năm đến nay đã có 260 đối tượng CSNCC được đưa đi điều dưỡng tại Long Hải với kinh phí gần 300 triệu đồng, hiện Phòng CSNCC đang chuẩn bị cho đợt điều dưỡng mới tại Đà Lạt và đợt tham quan tại Hà Nội. Có 6.198 đối tượng là con của các gia đình CSNCC cũng đã được cấp sổ ưu đãi giáo dục.

Ngoài các khoản trích từ ngân sách nói trên, các địa phương đều có những hoạt động chăm sóc thường xuyên khác, như vận động tặng sổ tiết kiệm, tặng quà, hỗ trợ khám chữa bệnh…. “Chăm sóc đối tượng CSNCC là việc làm thường xuyên của Đảng và Nhà nước, của ngành và chính quyền các cấp, thể hiện được đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Chăm sóc, nhưng còn phải hướng đến nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng này. Vì thế, nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới là sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương nắm tình hình nhà ở, đời sống của các đối tượng khó khăn nhằm hỗ trợ kịp thời, phấn đấu giữ vững 100% xã, phường làm tốt công tác này” - bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội cho biết.

Theo bà Lê Thị Mỹ Phượng, toàn tỉnh hiện có 52.467 đối tượng CSNCC, trong đó có khoảng trên 18 ngàn đối tượng là thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, bà mẹ VNAH… Phần lớn các đối tượng này có hoàn cảnh khó khăn. Đến đầu năm 2011, vẫn còn 88 hộ gia đình CSNCC nằm trong diện hộ nghèo (theo chuẩn mới), chủ yếu tập trung tại các huyện miền núi như Tân Phú, Định Quán. Vì thế, từ năm 2010 đến nay các địa phương đều chú trọng xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững, phù hợp với đặc thù của đối tượng, phấn đấu không để hộ gia đình CSNCC nào nằm trong diện hộ nghèo.

 

 

Hà Lam


 

 

 

 

Tin xem nhiều