Chiều ngày 21-7, chiếc chuông đồng (đại hồng chung) đã được an vị tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh - nơi hội tụ anh linh của 4.115 liệt sĩ...
Chiều ngày 21-7, chiếc chuông đồng (đại hồng chung) đã được an vị tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh - nơi hội tụ anh linh của 4.115 liệt sĩ...
Chuông được đúc bằng đồng nguyên chất, có bề cao lên đến 2,37m, đường kính lòng chuông 1,34m, nặng 1,8 tấn. Phần quai treo chuông được tạo dáng “Lưỡng long triều nguyệt” (2 con rồng chầu mặt trăng), 4 mặt chuông có các dòng chữ: Anh hùng liệt sĩ, Linh khí tại nhân tâm, Tổ quốc ghi công và Đồng Nai 2011. Đặc biệt, chuông có các họa tiết cách điệu hình chim hạc, chim lạc, khỉ, lân, ngựa rất độc đáo, ngay cả 4 núm để đánh chuông cũng được cách điệu thành 4 mặt nguyệt. Đại hồng chung được đặt trên giá làm bằng gỗ căm xe, cao 4,4m, ngang 2m. Trên thân giá gỗ đều được chạm khắc các hình tứ linh (long, lân, quy, phụng) và tứ bình (mai, lan, cúc, trúc) tinh xảo.
Đại hồng chung được hình thành là quá trình lao động, sáng tạo hơn một năm của rất nhiều người. Bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TBXH) kể, trong dịp Tết Nguyên đán năm 2010 khi viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành gợi ý nơi hội tụ anh linh các liệt sĩ nên có chuông, trống để thực hiện các nghi thức theo văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây cũng là nguyện vọng tha thiết của nhiều gia đình, thân nhân liệt sĩ mỗi khi về đây thắp hương tưởng niệm, đồng thời cũng được sự tán đồng của các vị nguyên là lãnh đạo tỉnh.
Đặt chiếc chuông đồng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Ảnh: Thanh Thúy |
Từ ý tưởng trên cho đến ngày đại hồng chung được ra đời, tính ra mất hơn một năm trời bởi các khâu thiết kế, chọn mẫu, làm khuôn và đúc đồng đều đòi hỏi nhiều công phu, tâm huyết. Họa sĩ Hồ Giáo, người được giao thiết kế đại hồng chung cho biết, anh đã nghiên cứu rất nhiều hoa văn, họa tiết trên các trống đồng, chuông cổ sao cho đại hồng chung phải mang dáng dấp của văn hóa Việt. Hình tượng rồng được thể hiện khá nhiều trên chuông cũng phải là rồng Việt với dáng vẻ hiền hòa, thân thiện.
Trước đó, chiếc trống đại cũng đã được hoàn thành và đưa từ huyện Xuân Lộc về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, chờ ngày được an vị. Trống cao 2,1m, đường kính mặt trống 1,1m, được chế tạo từ nguyên một khối gỗ sao, do cơ sở mộc Xuân Thảo thực hiện. Cơ sở này cũng là nơi thực hiện 2 chiếc giá đỡ chuông và trống. Theo thiết kế, từ phía cổng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh nhìn vào, chuông đồng được đặt ở vị trí phía bên phải còn trống đại phía bên trái. 2 nhà để chuông, trống với lối kiến trúc thuần Việt cũng đang được xây dựng. |
Theo Giám đốc Sở LĐ-TBXH, quá trình thực hiện chuông đã được các vị lãnh đạo quan tâm, đóng góp ý kiến rất nhiều. Ngay cả dòng chữ khắc trên chuông cũng được xem xét, cân nhắc và lựa chọn rất cẩn trọng. Nhiều phương án được đưa ra, trong đó có cả câu đối, cuối cùng câu “Linh khí tại nhân tâm” (Linh khí tại lòng người) đơn giản nhưng thể hiện được tấm lòng luôn tưởng nhớ, hướng về anh linh liệt sĩ của người dân Đồng Nai đã được chọn.
Thiết kế có rồi, đến khâu thực hiện cũng gian nan không kém. Nhiều cơ sở đúc đồng trên địa bàn đã được xem xét nhưng không đáp ứng yêu cầu đúc chiếc chuông quá lớn, nên cuối cùng phải nhờ đến các nghệ nhân ở làng đúc đồng xứ Huế nhiều kinh nghiệm. Ấy vậy mà quá trình tạo khuôn để đúc của nghệ nhân Năm Sính cũng mất đến hơn 3 tháng. Bà Mỹ Phượng cho biết, toàn bộ kinh phí đúc chuông đều được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, nhiều cá nhân, tập thể đã nhiệt tình đóng góp cho nghĩa cử này, trong đó phần lớn là cán bộ, nhân viên của Công ty Tín Nghĩa...
Thanh Thúy