Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảng bộ huyện Tân Phú: Chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo

Thảo Lâm
09:42, 15/08/2023

Nhằm thực hiện tốt công tác giảm nghèo, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tại H.Tân Phú đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều cách làm thiết thực, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Chủ tịch UBND H.Tân Phú Nguyễn Hữu Ký nhận bằng khen của UBND tỉnh cho tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau. Ảnh: T. Lâm
Chủ tịch UBND H.Tân Phú Nguyễn Hữu Ký nhận bằng khen của UBND tỉnh cho tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau. Ảnh: T. Lâm

Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả các nguồn lực giảm nghèo, khơi dậy tinh thần vươn lên thoát nghèo bền vững trong nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

* Triển khai đồng bộ, thiết thực

Huyện ủy Tân Phú cho biết, trong những năm qua, công tác giảm nghèo được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và nhân dân trên địa bàn huyện tích cực tham gia thực hiện bằng nhiều chương trình, mô hình thiết thực như: chương trình hỗ trợ đồng bào nghèo dân tộc thiểu số; đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu cơ sở hạ tầng; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Cùng với đó là các dự án khuyến nông - lâm - ngư, hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề; dạy nghề cho người nghèo; chính sách hỗ trợ vốn, giải quyết việc làm cho người nghèo…

Theo UBND H.Tân Phú, trong giai đoạn 2021-2023, huyện đã kết hợp với các ban, ngành thực hiện mục tiêu giảm nghèo đồng bộ trên mọi lĩnh vực. Từ đó, đã hỗ trợ cho hơn 1,9 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay với số tiền trên 87,2 tỷ đồng; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 21,5 ngàn lượt người nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo với số tiền khoảng 3,4 tỷ đồng. Huyện cũng đã hỗ trợ xây dựng 146 căn nhà tình thương với số tiền 11,6 tỷ đồng; sửa chữa 14 căn với số tiền 238 triệu đồng…

Bà Nguyễn Thị Xuân, Phó trưởng phòng LĐ-TBXH H.Tân Phú cho biết, nhờ nỗ lực và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hộ nghèo trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Đa số hộ nghèo cố gắng tự học nghề, tự tìm tòi học tập kinh nghiệm trong sản xuất, tự tạo việc làm cố gắng phấn đấu để thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm. Đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện nâng lên. Đến cuối năm 2022, huyện đã tạo điều kiện để 348/348 hộ nghèo A vượt chuẩn nghèo theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP ngày 27-1-2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, hạ tỷ lệ hộ nghèo từ 0,82% xuống còn 0%, vượt 527,2% so với kế hoạch phân bổ của tỉnh.

Cũng theo Phó trưởng phòng LĐ-TBXH H.Tân Phú, công tác giảm nghèo của huyện có sự kết hợp, lồng ghép giữa chương trình giảm nghèo với các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả các nguồn lực. Huyện cũng quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân; tăng cường biểu dương, tôn vinh gương người tốt, việc tốt nhân rộng mô hình hay, cách làm thiết thực bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện từng địa phương, đơn vị, đoàn thể nhằm khích lệ, động viên tinh thần tự vươn lên thoát nghèo bền vững trong nhân dân.

* Thi đua chung tay vì người nghèo

Theo Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H.Tân Phú Nguyễn Hữu Ký, cùng với việc triển khai các chương trình dự án, phong trào thi đua Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau được huyện chỉ đạo phát động, triển khai sôi nổi, sâu rộng với nhiều mô hình, cách làm thiết thực.

Chương trình Hỗ trợ vốn vay không lãi suất phát triển chăn nuôi dê sinh sản của Hội Chữ thập đỏ huyện là một trong số đó. Những năm qua, mô hình đã giúp đỡ nhiều hộ gia đình ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện có thêm nguồn lực, tạo đà vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhiều năm về trước, gia đình bà Trần Thị Thu Vân, ngụ xã Phú Thịnh là một trong những hộ nghèo của xã. Sâu sát với hoàn cảnh của bà, Hội Chữ thập đỏ huyện đã hỗ trợ nguồn vốn vay không tính lãi để bà phát triển mô hình nuôi dê.  Nhờ sự chăm chỉ, chịu khó, sau thời gian chăm sóc, đàn dê của gia đình bà ngày một tăng lên, từ đó giúp có thêm thu nhập, giảm bớt khó khăn, cải thiện cuộc sống gia đình.

Ngoài mô hình nói trên, Tân Phú còn triển khai rất nhiều mô hình khác như: Hội Nông dân phát động phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; Hội Liên hiệp phụ nữ với phong trào Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, Phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo có địa chỉ; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với 5 phong trào Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế; Hội Cựu chiến binh với phong trào Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi; Ủy ban MTTQ Việt Nam xã tích cực triển khai cuộc vận động Ngày vì người nghèo...

Các mô hình triển khai một cách sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Mới đây, Đoàn Thanh niên xã Phú Lâm còn triển khai thêm mô hình Xe thu gom phế liệu với chủ đề: Phế liệu đổi tương lai mầm xanh. Thông qua mô hình nhằm nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên và người dân về phong trào bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp; đồng thời vừa nhằm gây quỹ tiếp sức đến trường hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh nghèo, khó khăn vươn lên trong học tập.

Thảo Lâm

Tin xem nhiều