Báo Đồng Nai điện tử
En

Liên kết đào tạo nghề phục vụ cảng hàng không quốc tế Long Thành

Hải Yến
09:28, 17/06/2023

Khi đi vào hoạt động, cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành sẽ cần khoảng 13,8 ngàn nhân lực. Việc đào tạo nhân lực tại chỗ để phục vụ sân bay là cần thiết. Đây là cơ hội để giải quyết việc làm cho người dân vùng dự án.

Sinh viên ngành Điện, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 trong giờ thực hành. Ảnh: H.YẾN
Sinh viên ngành Điện, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 trong giờ thực hành. Ảnh: H.YẾN

Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 và Học viện Hàng không Vietjet (VJAA) vừa ký kết hợp tác đào tạo nhân lực ngành Hàng không. Việc tuyển sinh, đào tạo sẽ sớm được xúc tiến ngay trong năm nay.

* Chuẩn bị nhân lực cho sân bay Long Thành

Theo thiết kế, sau khi hoàn thành, sân bay Long Thành sẽ có 4 nhà ga rộng lớn và hiện đại, công suất tối đa 100 triệu hành khách/năm. Dựa trên thực tế lao động ngành hàng không hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam, Viện Khoa học hàng không Việt Nam đã đưa ra một vài con số dự báo về nhu cầu lao động.

Theo đó, để đáp ứng nhu cầu vận hành của sân bay Long Thành sẽ cần hơn 13,7 ngàn lao động. Trong đó, lao động trình độ trung cấp và cao đẳng hơn 2,2 ngàn người, trình độ sơ cấp hơn 3,8 ngàn người, còn lại là trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và lao động phổ thông.

Hiện nay, tham gia vào hệ thống đào tạo nhân lực cho ngành hàng không có các đơn vị: Học viện Hàng không Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường đại học Giao thông vận tải (Hà Nội). Ngoài ra, còn có 21 trung tâm của các công ty xin phép Cục Hàng không đào tạo nhân lực đáp ứng theo yêu cầu của đơn vị. Tại Đồng Nai, chưa có đơn vị nào đào tạo nghề trong lĩnh vực này.

Do ít đơn vị đào tạo nghề trong lĩnh vực hàng không; số lượng tuyển sinh, đào tạo hàng năm không nhiều nên vấn đề đào tạo nhân lực làm việc tại sân bay Long Thành rất được tỉnh quan tâm. Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã sớm chủ động kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác đào tạo nghề trong lĩnh vực hàng không.

Trường đã chủ động làm việc với nhiều doanh nghiệp, đối tác nhằm tìm kiếm giải pháp đào tạo nghề cho con em Đồng Nai, đặc biệt là con em người dân nhường đất làm sân bay. Sau nhiều nỗ lực, ngày 9-6 vừa qua, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã tiến hành ký kết hợp tác với Học viện Hàng không Vietjet (VJAA) nhằm đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàng không.

Hai bên sẽ phối hợp đào tạo nhân lực 4 ngành nghề gồm: nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay; nhân viên điều độ, khai thác bay; nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay và nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay.

Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 hiện có 7 chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế của Đức và 3 chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế của Pháp. Đây là một trong 3 trường đầu tiên của Việt Nam thực hiện cơ chế tự chủ từ năm 2016.

Ngoài hợp tác với VJAA, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đang hợp tác với VAECO (Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay) để đào tạo một số ngành trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không.

Trong năm 2023, trường tuyển sinh các nghề: kỹ thuật bảo dưỡng máy bay (cơ điện tử), kỹ thuật sửa chữa cấu trúc máy bay (hàn), logistics trong lĩnh vực hàng không. Chỉ tiêu tuyển sinh 28 học viên/nghề. Theo thông báo của nhà trường, thời gian đào tạo những ngành này là 3 năm. Trong đó, học viên sẽ học 2 năm tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 trên các thiết bị hiện đại của trường và có 1 năm thực hành trên các loại máy bay tại VAECO.

* Thiết kế chương trình phù hợp, tạo thuận lợi cho người học

Sau khi ký kết, Lilama 2 và VJAA sẽ triển khai nội dung chi tiết chương trình đào tạo để sớm bắt tay vào công tác tuyển sinh, đào tạo. Lilama 2 dự kiến sẽ bắt đầu tuyển sinh và khai giảng khóa học đầu tiên vào tháng 9 năm nay. Tùy theo ngành nghề, thời gian mỗi khóa đào tạo sẽ kéo dài từ 3 tháng đến 3 năm.

Theo ThS Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, VJAA đã có sẵn chương trình đào tạo. Từ những chương trình đào tạo đó, chuyên gia của hai bên sẽ cùng bàn bạc, căn cứ vào thực tế để điều chỉnh chương trình đào tạo sao cho phù hợp, tận dụng được tối đa lợi thế của trường và tối ưu hóa lợi ích cho học viên trong quá trình học.

Ông Cường cho hay: “Đối với những môn, những chương trình có thể tận dụng được trang thiết bị hiện có của nhà trường, việc đào tạo sẽ được tiến hành tại trường. Ví dụ như các ngành: bảo trì máy bay, bảo trì khung thân máy bay, bảo dưỡng các thiết bị cơ khí trong sân bay, điện... Đối với những module chuyên sâu, cần sử dụng những trang thiết bị hiện đại mà nhà trường không có, học viên sẽ được tiến hành đào tạo tại VJAA. Đây là mô hình kết hợp giữa hai bên để tối ưu hóa nhất cho người học”.

Về chính sách hỗ trợ cho học viên là con em Đồng Nai, ông Cường cho biết, trước mắt nhà trường sẽ kết hợp với UBND tỉnh Đồng Nai, Sở LĐ-TBXH tìm cơ chế tốt nhất, tìm kinh phí từ các nguồn, sao cho con em trên địa bàn được học với chi phí thấp nhất; có sự hỗ trợ, động viên, quan tâm của tỉnh và địa phương.

ThS Nguyễn Khánh Cường cho biết: “Chúng tôi sẽ cố gắng đào tạo được khoảng 20% nhu cầu nhân lực phục vụ sân bay Long Thành. Dự kiến chúng tôi sẽ đào tạo trên 2,6 ngàn lao động thuộc các nghề nghề nêu trên”.

Hải Yến


Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG: Gắn đào tạo với giải quyết việc làm

 

Đồng Nai đã có đề án Về việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với người lao động khi thực hiện sân bay Long Thành. Nhưng đến nay, việc thực hiện đề án chưa được như mục tiêu đề ra. Tỉnh đã giao Sở
LĐ-TBXH nắm lại tình hình thực hiện để có bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.

Tôi ghi nhận cao chương trình hợp tác giữa VJAA và Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 trong việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực hàng không; tin tưởng chương trình hợp tác sẽ thành công.

Mong rằng hai bên sớm cụ thể hóa bằng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hợp tác, gắn đào tạo với giải quyết việc làm, đặc biệt là việc làm cho người dân đã nhường đất cho dự án Sân bay Long Thành, giúp người dân trong vùng dự án có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, theo đúng mục tiêu đã đề ra.

Giám đốc Học viện Hàng không Vietjet TRẦN HỮU QUỐC: Chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc hợp tác đào tạo

 

Học viện Hàng không Vietjet (VJAA) tiền thân là Trung tâm Đào tạo của Hãng hàng không Vietjet. Chúng tôi hoạt động ngay từ khi Hãng hàng không Vietjet được thành lập và đã đào tạo cho toàn bộ nhân viên của Hãng hàng không Vietjet.

Hiện nay, VJAA là doanh nghiệp được phép đào tạo nhân lực ngành hàng không, phủ kín tất cả các mảng về nhân viên hàng không. Chúng tôi đào tạo cả phi công, nhân viên khai thác mặt đất, kỹ sư, tiếp viên hàng không và nhân viên điều phối bay… Đây cũng là thế mạnh của chúng tôi.

VJAA và Lilama 2 đã có nhiều buổi tham quan, làm việc để có thể đi đến ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho sân bay Long Thành. Chúng tôi đang tập trung đào tạo cho các đối tượng như: nhân viên khai thác mặt đất, nhân viên vận hành cho điều kiện sân đỗ, nhân viên kỹ thuật. Trong đó có nhiều vị trí cần nhiều nhân lực như: sửa chữa tàu bay, sửa chữa nhỏ. Đối tượng thứ 3 mà chúng tôi quan tâm là nhân viên điều phối, điều độ khả năng bay.

Tường Vi (ghi)


 

Tin xem nhiều