Với những cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở các nhà giàn, cuộc chia tay bao giờ cũng bịn rịn, giọt nước mắt lăn dài trên má vợ, con níu áo không muốn bố đi xa. Đó là những chuyến đi trong niềm thương nhớ mà cán bộ, chiến sĩ nhà giàn nào cũng trải qua.
Với những cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở các nhà giàn, cuộc chia tay bao giờ cũng bịn rịn, giọt nước mắt lăn dài trên má vợ, con níu áo không muốn bố đi xa. Đó là những chuyến đi trong niềm thương nhớ mà cán bộ, chiến sĩ nhà giàn nào cũng trải qua.
Thượng úy Phạm Văn Bảy bên vợ và con gái trước lúc chia xa. |
Gặp Thiếu tá Nguyễn Văn Đoàn, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/10, anh cười vui vẻ cho biết năm nay lại đón tết ở nhà giàn.
- Nếu tính cả năm nay, anh đón tết trên biển bao lần rồi?
- 29 tuổi quân nhưng tôi chỉ vẻn vẹn đón tết cùng vợ con 7 lần.
Thiếu tá Đoàn đưa tay lên mái đầu bạc hơn phân nửa, cười oang oang như hãnh diện về thâm niên công tác của mình: “Đời lính biển quanh năm với sóng nước, vợ con để ở quê nhà. Mỗi năm gặp nhau chỉ vẻn vẹn 30 ngày phép, chưa ấm chỗ lại phải đi. Cứ đến dịp Tết, tôi lại đi, nhường cho các sĩ quan trẻ về bờ thăm gia đình”.
Giải thích về điều này, Thiếu tá Đoàn chia sẻ, đối với sĩ quan “già”, tức là những người có thâm niên đi DK1 trên 20 năm và vợ con ở ngoài Bắc, thì tết đến các anh nhường suất đi phép của mình cho các chiến sĩ trẻ về quê ăn tết cùng gia đình. Đây cũng là dịp để các sĩ quan trẻ có thời gian tìm hiểu chuyện riêng tư. Thời gian nghỉ phép của các sĩ quan có vợ con ngoài Bắc thường bố trí dịp hè. Ngoài chế độ 30 ngày phép, các anh được ưu tiên thêm 10 ngày để giúp gia đình.
Thiếu tá Đoàn quê ở Hải Dương. 20 năm gắn bó với nhà giàn DK1, ngần ấy thời gian anh xa nhà đằng đẵng. Hai lần vợ sinh con, cả hai lần anh không có mặt. Được tin bố ốm nặng, về đến nhà không kịp gặp mặt cha. Mái nhà đổ sụp sau trận bão đều nhờ hàng xóm. “Ở quê nhà, tất cả đều nhờ vợ lo toan. Nhà giàn từ năm 2009 trở về trước chưa có điện thoại như bây giờ, tất cả thông tin về gia đình đều qua thư viết tay. Nhiều khi cha già, mẹ héo, vợ ốm, con đau cũng không biết. Nhiều chiến sĩ, bố, mẹ mất sau 4 tháng mới biết qua thư từ gia đình. Bây giờ có điện thoại, đất liền thêm gần gũi, nhưng cũng chỉ biết điện thoại về động viên vợ con chứ không làm gì hơn được” - Thiếu tá Đoàn chia sẻ thêm.
Mai Thắng