Cùng với các lực lượng quân và dân trên quần đảo Trường Sa, những người lính phòng không - không quân đang từng giờ, từng phút thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Cùng với các lực lượng quân và dân trên quần đảo Trường Sa, những người lính phòng không - không quân đang từng giờ, từng phút thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
* Mắt thần trên đảo
Từ khi có thêm Trạm ra đa 11, trường ra đa của lực lượng phòng không - không quân được mở rộng, tăng thêm khả năng quản lý vùng trời biển Đông của Tổ quốc. Trung tá Nguyễn Mậu Thông, Trạm trưởng Trạm ra đa 11, cho biết: Ở giữa biển khơi, thời tiết khắc nghiệt bởi nắng to, gió dữ, hơi mặn của biển ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ, hoạt động của khí tài. Để khắc phục, cán bộ, chiến sĩ trong trạm đã tích cực bảo quản, bảo dưỡng khí tài, chủ động phát hiện và tự sửa chữa hỏng hóc để đảm bảo khí tài luôn luôn trong tình trạng kỹ thuật tốt nhất. Các kỹ thuật viên và cán bộ, chiến sĩ của trạm ai cũng phải “đa năng”…
Cán bộ, chiến sĩ phòng không - không quân luôn tinh tường cảnh giới vùng biển bao la thuộc chủ quyền Việt Nam. |
Thời gian thực hiện nhiệm vụ trên đảo của cán bộ, chiến sĩ chỉ tính bằng tháng hoặc vài năm, nhưng với các loại khí tài thì thời gian phục vụ trên đảo phải cao hơn nhiều. Vì thế, cùng với nhiệm vụ canh trực quản lý vùng trời thì việc bảo quản, bảo dưỡng trang bị, khí tài để chúng tốt, bền, phát huy hiệu quả cao nhất là nhiệm vụ hết sức quan trọng mà nhiều năm qua, Trạm ra đa 11 đã hoàn thành tốt.
Với nỗ lực khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ trong hơn 10 năm liên tiếp, Trạm ra đa 11 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới vào năm 2000.
Nằm cạnh Trạm ra đa 11 là Đội bảo đảm kỹ thuật sân bay Trường Sa (thuộc Sư đoàn 370), cũng thực hiện nhiệm vụ trên đảo từ năm 1988. Được giao công tác bảo đảm chỉ huy dẫn dắt cho lực lượng không quân thực hiện các nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, cùng với các lực lượng trên đảo canh gác, huấn luyện chiến đấu phòng thủ đảo, những năm qua, Đội bảo đảm kỹ thuật sân bay Trường Sa luôn đoàn kết gắn bó, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, xây dựng đơn vị vững mạnh. Mặc dù quân số không nhiều, nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn phát huy trách nhiệm cao trong công tác. Mỗi chuyến bay đều được tập trung tổ chức bảo đảm chặt chẽ. Các thông tin: Hiệp đồng bay, dự báo thông báo bay, chuẩn bị số liệu đường bay... luôn được chuẩn bị tốt, cụ thể, chính xác, bảo đảm thông suốt.
* “Đại học” Trường Sa
Được điều động ra đảo, buổi tối đầu tiên trên đảo, Binh nhất Lê Văn Tài (quê tỉnh Phú Yên) thổ lộ: “Gia đình chỉ có mình em là con trai. Đi xa thế này, bố mẹ ở nhà lo cho em lắm. Vừa nãy em cũng đã tranh thủ gọi điện về cho gia đình yên tâm. Ra đảo, chúng em được mọi người rất quan tâm, đặc biệt là đồng chí Chính trị viên đã gặp riêng từng người để hỏi han và chia sẻ rất nhiều nên mọi người đều ấm lòng…”.
Còn chiến sĩ phụ trách tiêu đồ Phạm Văn Luận - người ra thay quân đợt này thì nhận xét: “Quả thật, khác hẳn so với suy nghĩ ban đầu của em, Trường Sa Lớn rất đẹp, nhà cửa khang trang, có chùa, nhà khách, sân bay, trường học, lại có cả người dân sinh sống… Buổi tối, đèn điện sáng trưng, đảo không khác gì so với thành phố trong đất liền”.
Đến nay, mạng sóng điện thoại, mạng internet hay truyền hình vệ tinh đã được phủ sóng rộng khắp, mọi thông tin đều đến được với lính đảo. Chính vì thế, việc cập nhật thông tin thời sự đối với cán bộ, chiến sĩ trên các đảo nói chung và trên Trường Sa Lớn nói riêng đã trở nên dễ dàng. Mỗi lúc kết nối liên lạc, “gặp” nhau trên mạng, mọi người đều xúc động khi nhìn thấy nhau qua màn hình máy tính, vợ những người lính đảo xa, các cháu nhỏ cũng nhìn được thấy chồng, thấy cha ngoài đảo cho vơi nỗi nhớ. |
Người mới lên đảo nhận nhiệm vụ đã vậy, đối với những người lính đã hoàn thành nhiệm vụ trên đảo, trở về đất liền như Trung úy Nguyễn Quang Lương - Đội trưởng Đội bảo đảm kỹ thuật sân bay Trường Sa, hay Trung sĩ Lê Thanh Hải, Trung sĩ Bùi Duy Hợp - trắc thủ ra đa Trạm 11… thì quãng thời gian công tác trên đảo đã tôi luyện cho họ thành những con người bản lĩnh, sức khỏe và đầy nghị lực vượt qua khó khăn, gian khổ. Đúng như lời Đại úy Trần Văn Toản, Đội phó Đội bảo đảm kỹ thuật sân bay Trường Sa, nhận định: “Nếu quân đội là một trường học lớn, thì Trường Sa chính là một trường đại học hàng đầu”.
Dù xa đất liền, nhưng với những người lính đảo, thời gian phục vụ trên đảo không bao giờ trôi qua vô ích. Đại úy, Chính trị viên Trạm ra đa 11 Trương Công Pháp cho biết, mỗi lúc rảnh rỗi, anh thường ngồi vào góc bàn làm việc nhỏ nhắn của mình, nhìn ra những tán cây tra, cây bàng vuông xanh bạt ngàn trước mặt, lặng thinh nghe tiếng sóng biển để viết những bài báo, những mẩu tin… gửi về đất liền. Anh vốn là cộng tác viên thường xuyên của Báo Phòng không - không quân và một số tờ báo khác. Còn đối với anh em cán bộ, chiến sĩ thì sau ca trực, sau những giờ huấn luyện, họ say sưa chơi thể thao hoặc tăng gia sản xuất. Ngoài việc nâng cao sức khỏe, cải thiện đời sống thì đó là những hoạt động ưa thích nhất của những chàng trai trẻ, tạo cho họ cảm giác gần gũi như ở trong đất liền.
P.V