Quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm nay sầm uất như một thành phố giữa biển Đông. Nhưng cũng chính ở quần đảo thiêng liêng ấy, nhiều chiến sĩ hải quân đã anh dũng ngã xuống. Máu của các anh hòa lẫn đại dương, xương các anh vùi sâu vào lòng đảo, tên các anh được sử sách ghi danh, để các thế hệ đời đời tri ân các liệt sĩ Trường Sa vì Tổ quốc quên thân, vì nhân dân canh đảo.
Quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm nay sầm uất như một thành phố giữa biển Đông. Nhưng cũng chính ở quần đảo thiêng liêng ấy, nhiều chiến sĩ hải quân đã anh dũng ngã xuống. Máu của các anh hòa lẫn đại dương, xương các anh vùi sâu vào lòng đảo, tên các anh được sử sách ghi danh, để các thế hệ đời đời tri ân các liệt sĩ Trường Sa vì Tổ quốc quên thân, vì nhân dân canh đảo. Cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền Tổ quốc chính nghĩa của các chiến sĩ hải quân Việt Nam ngày 14-3-1988 như lời nhắc nhở cho tương lai: Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, các thế hệ con cháu Việt Nam đời đời có trách nhiệm đấu tranh bảo vệ và gìn giữ.
“Tuy có tổn thất, nhưng trận chiến ngày ấy đầy tự hào. Cái trọng yếu nhất của tinh thần chiến đấu lúc đó là quyết tâm và bản lĩnh quyết chiến để giữ vững chủ quyền của ta. Ngày ấy, nếu các chiến sĩ hải quân không quyết tử vì Tổ quốc, thì Trường Sa không được như bây giờ. Có một điều luôn nhắc nhở cho thế hệ tương lai, đó là bảo vệ chủ quyền biển, đảo bằng mọi giá; Trường Sa và Hoàng Sa là lãnh thổ không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam”, đó là lời chia sẻ của cựu binh Nguyễn Xuân Trình, nguyên chiến sĩ trên con tàu Đại Khánh năm xưa, người đã có nhiều năm làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
* Ký ức không quên
Đại úy, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh, hiện đang công tác tại Phòng Hậu cần - hành chính, Bộ Tham mưu Hải quân phía Nam, nguyên chiến sĩ trong tổ 3 người cắm cờ trên đảo Gạc Ma trong sự kiện ngày 14-3-1988 bồi hồi nhớ lại: “Trước sự ngang ngược chiếm đảo của tàu chiến Trung Quốc, chúng tôi không thể ngồi yên. Lúc đó, bằng mọi giá, kể cả hy sinh vẫn phải cắm cho bằng được cờ Việt Nam lên đảo Gạc Ma để khẳng định chủ quyền của mình. Ký ức về trận đánh ngày 14-3 không thể nào quên, đó là trận đánh ác liệt nhất, đổ máu và tổn thương nhiều nhất”.
Tàu HQ604 trên vùng biển Gạc Ma trước 3 ngày bị bắn chìm. ảnh: TL |
Tiếp nối những con tàu mang tên Đại Khánh chở vật liệu ra Trường Sa xây đảo ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, chấp hành mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân đã giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn 125 thành lập một biên đội tàu, gồm: HQ604, HQ505, HQ605 hiệp đồng chặt chẽ với 2 phân đội Trung đoàn 83 Công binh Hải quân chở vật liệu khẩn cấp ra các bãi cạn: Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao xây đảo, dựng nhà, dưới sự tổng chỉ huy của Trung tá Trần Đức Thông, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Hải quân.
Trải qua cuộc hải trình 3 ngày không nghỉ, tất cả các lực lượng đã có mặt ở các điểm đảo vào đêm 13-3-1988. Cờ Tổ quốc Việt Nam được cắm lên đảo ngay trong đêm 13-3; các chiến sĩ sẵn sàng chuyển vật liệu vào tiếp cận xây đảo. Theo phương án vạch sẵn, các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) tàu HQ604 tiến hành xây dựng ở đảo Gạc Ma; tàu HQ505 xây dựng ở đảo Cô Lin. Khoảng cách giữa đảo Gạc Ma và Cô Lin cách nhau 3,5 hải lý. Đảo Gạc Ma và Cô Lin của Việt Nam ngày ấy là đảo chìm. Khi thủy triều xuống nhìn thấy mỏm bãi san hô, khi thủy triều dâng đảo chìm cách mặt nước nửa mét.
* Trận chiến không cân sức
Tại đảo Gạc Ma, lúc 6 giờ ngày 14-3, khi các chiến sĩ tàu HQ604 và một phân đội Công binh Hải quân đang chuyển vật liệu vào xây đảo, thì bất ngờ phát hiện 4 tàu của Trung Quốc lao tới với tốc độ cao. Ngay lập tức, Trung tá Trần Đức Thông đã ra lệnh cho Thiếu úy Trần Văn Phương, cùng 2 chiến sĩ: Nguyễn Văn Tư và Nguyễn Văn Lanh cơ động bằng xuồng máy, nhanh chóng vào bãi cạn đảo Gạc Ma bảo vệ cờ Tổ quốc.
Đại úy Lê Tiến Công, Chính trị viên đảo Cô Lin cho biết: “Ngày nào chúng tôi cũng nhìn về phía đảo Gạc Ma, vừa để quan sát mặt biển, vừa nêu cao tinh thần cảnh giác. Đảo Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, nhưng vẫn sống mãi trong lòng chiến sĩ hải quân. Đó là bằng chứng hùng hồn cho tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường, để thế hệ chúng tôi quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”. |
Các chiến sĩ đứng thành vòng cung, phía sau lưng là cờ Tổ quốc, phía trước đối mặt với quân thù. Khi thấy ta cho lực lượng lên bảo vệ cờ, tàu Trung Quốc đã thả 2 xuồng đổ bộ và 8 lính có vũ khí lao thẳng về phía đảo Gạc Ma nã đạn. Cuộc chiến đấu không cân sức giữa 3 chiến sĩ Hải quân Việt Nam với 8 lính tàu chiến Trung Quốc có vũ khí hiện đại ngay trên Gạc Ma. Thiếu úy Trần Văn Phương bị trúng ngay loạt đạn đầu của quân Trung Quốc, lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam bị một lính Trung Quốc giật phắt và ném xuống chân. Nhưng nhanh như cắt, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh đã cắm lá cờ của Việt Nam lên đảo.
Ngay lúc đó, tàu Trung Quốc tiếp tục thả 3 thuyền nhôm và 40 tên lính đổ bộ lên đảo. Thuyền trưởng tàu HQ604 Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội sử dụng vũ khí AK47, RPD, B40, B41 chống trả quyết liệt, yểm trợ cho đồng đội. Tàu Trung quốc lập tức tập trung hỏa lực mạnh nã pháo vào tàu HQ604. Tàu bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, Trung tá Trần Đức Thông và tất cả CBCS đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trong lúc giằng co với lính tàu chiến Trung Quốc, cắm cờ Tổ quốc lên đảo lần 2, Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh đã bị lưỡi lê của tên lính Trung Quốc đâm xuyên vai trái, sau đó anh bị bắn một viên đạn xuyên lưng trái. Thiếu úy Trần Văn Phương bị bắn tử thương. Trước lúc hy sinh, anh hô vang: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”.
Nhìn đồng đội và con tàu HQ604 đang chìm dần xuống biển bởi những đợt tấn công dữ dội bằng pháo của đối phương, Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã quyết định lao cả con tàu lên bãi cạn Cô Lin với mục đích giữ đảo. Phát hiện tàu HQ505 tiến vào bãi cạn, tàu Trung Quốc quay sang tấn công tàu HQ505 bằng những loạt đạn pháo dữ dội. Tàu HQ505 bốc cháy, khi 2/3 thân tàu nằm trên bãi cạn Cô Lin. Đó là lúc 6 giờ ngày 14-3-1988.
Cuộc chiến đấu không cân sức giữa CBCS Hải quân Lữ đoàn 125, Trung đoàn 83 Công binh với tàu Trung Quốc ngày 14-3-1988 là cuộc chiến đấu cam go và tổn thất. Trong cuộc chiến đấu ấy, 3 tàu của ta bị chìm và cháy, 3 chiến sĩ anh dũng hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương, 73 CBCS mất tích. Sau này, Trung Quốc trao trả cho Việt Nam 9 người, 64 người còn lại hiện vẫn mất tích và được coi như đã anh dũng hy sinh. Bãi cạn Gạc Ma của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép bất hợp pháp từ đó.
Tuấn Cường