Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai cần đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội

Ban Mai
19:53, 09/07/2024

(ĐN) - Chiều 9-7, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Chủ nhiệm văn phòng, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Trưởng đoàn công tác số 3 cùng các thành viên đã giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đã tiếp đoàn. Đây là lần thứ 2 đoàn giám sát của Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề này tại Đồng Nai trong 1 tháng qua.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Trưởng đoàn công tác số 3 phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Hoàng Lộc
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Chủ nhiệm văn phòng, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Trưởng đoàn công tác số 3 phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Hoàng Lộc

Còn nhiều bất cập về chính sách

Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2015 đến năm 2023, tỉnh đã quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư 136 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị. Việc triển khai các dự án này đều tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở, đất đai… và phần nào đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, người dân.

Tuy nhiên, do chính sách pháp luật qua từng thời kỳ có nhiều thay đổi, pháp luật về thị trường bất động sản chưa điều chỉnh kịp thời, dẫn đến phát sinh nhiều tồn tại, vướng mắc.

Các vướng mắc cụ thể như: điều chỉnh chủ trương đầu tư của các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận chủ trương trước đây; quy định, trình tự thủ tục thu hồi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chậm triển khai; dự án chưa đồng bộ các quy hoạch. 

Về phát triển nhà ở xã hội, tỉnh đã xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội giai đoạn 2015 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2030. Đồng Nai cũng đã quy hoạch hơn 700 hécta đất độc lập và hơn 300 hécta quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại. Trong giai đoạn năm 2015-2020, tỉnh hoàn thành đưa vào sử dụng gần 3,5 ngàn căn nhà ở xã hội. 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh Hoàng Lộc
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh Hoàng Lộc

Những năm gần đây, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn do: pháp luật về nhà ở, nhà ở xã hội chưa thống nhất các giữa các quy định, luật; chính sách ưu đãi nhà ở xã hội cho doanh nghiệp không ổn định; điều kiện thuế, nơi cư trú làm khó đối tượng hưởng thụ chính sách nhà ở. Một số dự án luật liên quan đến bất động sản, nhà ở xã hội mới được thông qua nhưng chưa có hiệu lực thi hành.

Đã có chủ trương 11 ngàn căn nhà ở xã hội

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Tổ trưởng Tổ giúp việc đoàn công tác đặt vấn đề, Đồng Nai là tỉnh có nhu cầu cao về nhà ở xã hội. Tuy nhiên, qua báo cáo cho thấy, gần 10 năm qua chỉ hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 5 ngàn căn.

Ông Bảo đề nghị tỉnh quan tâm tháo gỡ vướng mắc, kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, khai thác hiệu quả quỹ đất 1 ngàn hécta.

Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho biết, với quan điểm "phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội là nhiệm vụ cấp bách", năm 2022, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết với mục tiêu thực hiện 10 ngàn căn hộ trong giai đoạn 2021-2025. Sau gần 2 năm, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 8 dự án với số lượng 9 ngàn căn hộ, các dự án này đang thực hiện thủ tục tiếp theo để khởi công. 

Đoàn công tác của Quốc hội giám sát dự án Nhà ở xã hội A6 -A7 tại thành phố Biên Hòa tháng 6-2024. Ảnh: Hoàng Lộc
Đoàn công tác của Quốc hội giám sát dự án Nhà ở xã hội A6 -A7 tại thành phố Biên Hòa tháng 6-2024. Ảnh: Hoàng Lộc

Phó chủ tịch UBND Võ Văn Phi cho rằng, thời gian qua tỉnh đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhưng do các tồn tại về quy hoạch, giao đất, đấu giá đất chưa được tháo gỡ nên quỹ nhà chưa nhiều. Tỉnh và các nhà đầu tư đang chờ 3 luật có hiệu lực là: Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực từ 1-8-2024 với kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ cơ bản các tồn tại của dự án nhà ở xã hội, dự án bất động sản.

Trưởng đoàn công tác số 3 Bùi Văn Cường cho rằng, đây là chương trình giám sát tối cao của Quốc hội để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt vướng mắc về thể chế, các văn bản, trên cơ sở đó xây dựng nghị quyết tháo gỡ cho thị trường bất động sản.

Trưởng đoàn công tác đánh giá cao tỉnh đã tích cực, chủ động, nghiêm túc chuẩn bị báo cáo cho đoàn; kịp thời triển khai các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền của địa phương nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản và nhà ở xã hội phát triển.

Trưởng đoàn công tác Quốc hội cũng cho rằng, Đồng Nai có nhiều dự án, nhiều quỹ đất thực hiện các dự án nhưng nguồn cung nhà ở  chưa nhiều. Thời gian tới, tỉnh chủ động cùng các bộ, ngành, doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án đang triển khai; có chính sách, giải pháp đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho công nhân thuê.

Ban Mai

Tin xem nhiều