Báo Đồng Nai điện tử
En

“Lính” dù không chuyên

10:02, 05/02/2010

“Dù số 1 kéo dây lái bên phải; dù số 3, số 4 cách xa nhau ra; dù số 2 quay mặt trở lại hướng về tâm...” - tiếng loa của nhóm kỹ thuật từ mặt đất liên tục phát lên để hướng dẫn các “lính” dù điều khiển tiếp đất. Người thì nhảy xuống trúng đường băng, người thì đáp giữa bãi cỏ...

Dù số 1 kéo dây lái bên phải; dù số 3, số 4 cách xa nhau ra; dù số 2 quay mặt trở lại hướng về tâm...” - tiếng loa của nhóm kỹ thuật từ mặt đất liên tục phát lên để hướng dẫn các “lính” dù điều khiển tiếp đất. Người thì nhảy xuống trúng đường băng, người thì đáp giữa bãi cỏ. Tiếng vỗ tay, hò reo chúc mừng của các cổ động viên (là người thân) và “đồng đội” không ngớt cho mỗi đợt dù tiếp đất. Trên trời, tiếng trực thăng phành phạch đảo hết vòng này đến vòng khác. Không khí buổi nhảy dù của Câu lạc bộ (CLB) Hàng không phía Nam đã phá tan sự yên ắng của buổi sáng sớm tại sân bay Biên Hòa (TP. Biên Hòa).

 

Dưới mặt đất, đội hướng dẫn dùng loa phóng thanh chỉ huy liên tục để hướng dẫn các dù tiếp đất an toàn.

* Ba giây quay cuồng

 

 6 giờ sáng, chiếc trực thăng cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất (TP.Hồ Chí Minh) chở các “lính” mới (những người nhảy dù lần đầu tiên)  bay  đến địa điểm nhảy dù (sân bay quân sự Biên Hòa). Bước lên máy bay, khuôn mặt mọi người đều rạng rỡ xen chút hồi hộp. Tiếng cười đùa bắt đầu giảm dần khi được thông báo máy bay sắp đến sân bay Biên Hòa. Từ độ cao gần 1.000m nhìn xuống sân bay Biên Hòa sâu hun hút. “Đến rồi, dù 1, 2, 3, 4 sắp hàng chuẩn bị”, người hướng dẫn điểm danh. Đứng trước cửa máy bay chờ hiệu lệnh nhảy, khuôn mặt các “lính” mới đã lộ rõ vẻ lo lắng. Khi nghe chúng tôi hỏi về cảm giác như thế nào thì đoàn nhảy dù chỉ mỉm cười miễn cưỡng. Nghe vậy, một vận động viên hướng dẫn nhảy dù bảo: “Bây giờ hỏi vậy không ai nói được đâu, phải đến khi rơi uỵch xuống đất lúc ấy mới... bốc phét được”. Chiếc trực thăng bay đến tọa độ, người hướng dẫn vỗ vào vai ra hiệu nhảy, lần lượt 4 “lính” dù lao ra khỏi máy bay. Sau 3 giây rơi tự do dù bắt đầu bung ra, các “lính” được treo lơ lửng trên không trung, đây được xem là giây phút hạnh phúc nhất mà người nhảy dù cảm nhận được sau 3 giây hoảng loạn. Nhớ lại khoảnh khắc quay cuồng muốn khóc cũng không được ấy, ông Hà Chí Quang, một “lính” dù kể: “Lần đầu đứng trước cửa máy bay chuẩn bị nhảy chân tay như muốn rụng rời. Đã sắp hàng rồi thì muốn dừng lại cũng không được, nhìn xuống sâu thăm thẳm muốn hoa cả mắt. Khi ra khỏi máy bay, người rơi tự do vùn vụt, trời đất quay cuồng. Lúc đó thì thôi không nghĩ ngợi được bất cứ gì, ai mà khóc được là còn may. Chỉ khi dù bung ra, người mới bình tĩnh trở lại”. Điều ông Quang kể cũng không phải là quá, quả nhiên hầu hết các “lính” tham gia nhảy dù lần đầu không ai có thể chủ động giật được dây cho dù bung, hoàn toàn dù do chiếc máy tự động hỗ trợ mở dù. Không ít người khi dù đã bung khá lâu nhưng tay vẫn nắm chặt lấy dây giật dù bất động, chỉ đến lúc nghe tiếng loa điều khiển từ mặt đất kêu kéo dây lái lúc ấy mới nhớ. Việc tiếp đất lần đầu không phải “lính” dù nào cũng đúng kỹ thuật. Nhiều người khi gần đến mặt đất chân không duỗi thẳng mà co lại, khiến cuộc tiếp đất bị ngã bật ngửa.

Một buổi nhảy dù có gió mặt đất lớn khiến các “lính” dù khá vất vả trong việc tiếp đất.

 

* Chinh phục dù

 

 Đến với môn thể thao cảm giác mạnh này, có rất nhiều đối tượng: học sinh - sinh viên, doanh nhân, nam, nữ có đủ. Mỗi người có một mục đích, người thì hiếu kỳ tham gia cho biết, người muốn “chữa bệnh” sợ độ cao, người thích cảm giác mạnh v.v... nhưng khi tham gia vào đây qua vài lần thử sức thì mọi người đều có chung mục đích là muốn chinh phục việc lái dù. “Nghe bạn bè kể về nhảy dù rất thích, có nhiều cảm giác hồi hộp nên mình đăng ký học cho biết. Với mức học phí 2 triệu đồng để được huấn luyện và chơi môn thể thao này, tôi nghĩ không đắt, nhất là khi nó cuốn hút được mình” - anh Trần Hồng Phát, một “lính” mới chia sẻ. Sau vài lần nhảy ban đầu bằng dù trắng, các “lính” dù không chuyên đều muốn sẽ cố gắng đủ bình tĩnh ở 3 giây đầu để giật được dây mở dù trước khi dù bung tự động và lái dù tiếp đất chuẩn xác để vươn đến nhảy dù màu (loại dù có nhiều khe thoát khí rơi với tốc độ nhanh dành cho những người nhảy tốt).  Anh Phan Thúc Nhật, một “lính” dù đã có hơn 10 lần thử sức, tâm sự: “Sau 3 lần nhảy đầu hoàn toàn bị động thì đến những lần thứ tư trở đi mình chủ động được hơn trong việc lái dù và tiếp đất. Qua lần nhảy thứ năm có kinh nghiệm và chuyển qua dù màu càng thú vị hơn. Tốc độ rơi của dù màu rất nhanh, nó đòi hỏi mình phải phản xạ tốt trong việc lái để tiếp đất. Mỗi lần nhảy mình lại có một cảm giác khác, mặc dù không còn sợ như những lần nhảy đầu, nhưng khi đứng trước cửa máy bay vẫn hồi hộp”.

 

Mỗi “lính” dù lần đầu tiên nhảy khi tiếp đất được ban chủ nhiệm CLB đến tặng hoa chúc mừng.

Đây là môn thể thao cảm giác mạnh đang được nhiều đối tượng quan tâm, điều ấy thể hiện qua số lượng “lính” dù của CLB ngày một đông. Tổng số “lính” dù ở đây sau 5 khóa đào tạo (mỗi khóa học kéo dài từ 2,5 - 3 tháng, tương đương với 150 tiết) hiện nay lên đến gần 150 người. Ban chủ nhiệm CLB cho biết, ngoài vấn đề giúp những người thích môn thể thao cảm giác mạnh có sân chơi thì ở đây cũng đang nhắm đến việc tuyển chọn vận động viên nhảy dù chuyên nghiệp cho quốc gia ở môn thể thao này.

 

Theo Đại tá Nguyễn Hoài Nam, cán bộ giảng dạy nhảy dù của CLB: “Đây là môn thể thao cảm giác mạnh, không phải là thể thao mạo hiểm. Mỗi học viên khi nhảy đều được trang bị 2 dù. Chỉ trong 3 giây nếu người nhảy không thể giật được giây cho dù bung thì máy tự động sẽ mở dù giúp. Môn thể thao này có độ an toàn rất cao.

 

Học viên tham gia vào môn học nhảy dù được khám sức khỏe để xác định có đủ điều kiện học hay không. Các buổi học được tổ chức vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Học viên ngoài học lý thuyết  về dù còn phải thực hành gấp dù, phương pháp lái dù và tiếp đất. Sau khi học xong trở thành thành viên của CLB, từ những lần nhảy dù sau nếu tham gia học viên phải đóng 800 ngàn đồng lệ phí.

Vân Nam

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều