Báo Đồng Nai điện tử
En

“Ngôi nhà mở” cho động vật hoang dã!

11:01, 17/01/2009

Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu (BTTNVC) rộng hơn 68 ngàn hécta, trong đó rừng tự nhiên chiếm 52.245 hécta. Đáng kể là tại khu vực này có hệ sinh thái rừng cây họ dầu, tiêu biểu cho lưu vực sông Đồng Nai và miền Đông Nam bộ. Trong những năm gần đây, thực hiện nhiệm vụ: Bảo tồn sinh cảnh rừng tự nhiên; đồng thời làm nơi cư trú và di trú cho các loài động vật hoang dã, khu BTTNVC đã từng bước đưa các loài động vật móng guốc trở về với môi trường thích nghi của chúng...

Cheo Cheo

Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu (BTTNVC) rộng hơn 68 ngàn hécta, trong đó rừng tự nhiên chiếm 52.245 hécta. Đáng kể là tại khu vực này có hệ sinh thái rừng cây họ dầu, tiêu biểu cho lưu vực sông Đồng Nai và miền Đông Nam bộ. Trong những năm gần đây, thực hiện nhiệm vụ: Bảo tồn sinh cảnh rừng tự nhiên; đồng thời làm nơi cư trú và di trú cho các loài động vật hoang dã, khu BTTNVC đã từng bước đưa các loài động vật móng guốc trở về với môi trường thích nghi của chúng...

* Voi về không còn là chuyện lạ!

Những năm gần đây, voi thường xuyên xuất hiện ở khu vực Lâm trường Vĩnh An (cũ). Loài thú này tỏ ra rất hung dữ khi ra các chòi rẫy phá phách, thậm chí quật đổ nhà cửa; lùng sục tận bếp để kiếm thức ăn. Trên đường chúng đi hầu hết cây cối đều bị dẫm nát. Người ta bảo, do trong rừng sâu thức ăn đã cạn kiệt nên voi phải tìm ra ngoài vùng đệm tìm muối và những lá, quả chúng ưa thích. Để xua đuổi voi, người ta gõ kẻng, nổi cồng chiêng, đốt lửa. Điều này làm cho voi hoảng sợ và càng trở nên dữ tợn.

Voi

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Hảo, Phó phòng Khoa học kỹ thuật (Khu BTTNVC) cho biết, voi ở đây là voi châu Á (Asian Elephant) thuộc bộ có vòi (Probosidea). Loại động vật quý hiếm này được ghi trong Sách đỏ thế giới và Sách đỏ Việt Nam năm 1992 ở cấp độ bảo vệ cao nhất. Thông thường, mỗi con voi cần tới 150kg thực phẩm mỗi ngày; chủ yếu là cỏ và lá cây. Để có thể kiếm đủ thức ăn, voi thường di chuyển theo mùa màng. Voi cũng rất thích ăn quả rừng và bổ sung cho cơ thể bằng muối khoáng. Khi buộc phải sống gần người, voi hay “nổi giận”, dẫn đến xung đột giữa người - voi. Voi đàn có từ 5 - 6 con. Trước đây, nơi cư trú của voi (cùng các loài thú khác) bị thu hẹp do tác động của con người. Sau này, các khu rừng ở Đồng Nai được bảo vệ nghiêm ngặt nên từ trong rừng sâu voi mới mở rộng phạm vi sinh hoạt. Do có lối sống riêng nên không lạ gì khi voi ở Khu BTTNVC xuất hiện ở vùng đệm. Đàn voi ở Khu BTTNVC  được xác định là 11 con. Trong số này có một con đực ngà lệch (voi cái châu Á không có ngà) thường đi một mình; số còn lại đi theo bầy đàn. Voi di chuyển rất rộng lớn trong 3 địa bàn liền khoảnh rộng hơn 140 ngàn hécta là: Nam Cát Tiên - rừng thuộc Công ty lâm nghiệp La Ngà - Khu BTTNVC. Ở Khu bảo tồn, đàn voi thường xuất hiện đầu mùa khô. Địa điểm chúng thường lui tới là Tiểu khu 59, 59A thuộc Lâm trường Vĩnh An (cũ). Riêng con voi ngà lệch đi về không theo một quy luật nhất định nào. Trong số đàn voi được phát hiện, có một con còn nhỏ, dấu chân chừng 20cm. Ngoài ra, rất nhiều lần lực lượng kiểm lâm phát hiện hai con voi chưa trưởng thành đang tắm dưới một dòng suối; trên bờ là con voi cái khá lớn. Điều này cho thấy khả năng sinh tồn và phát triển của voi ở Khu BTTNVC là có cơ sở.

*  “Nhà mở” cho các loài thú móng guốc!

Heo rừng con

Trên đường dẫn chúng tôi vào rừng tìm dấu thú móng guốc, thạc sĩ Hảo không khỏi trăn trở khi nhắc lại năm trước, một con bò tót (Bos gaurus - màu đen, nhóm IB, nằm trong Sách đỏ Việt Nam) nặng gần 1 tấn bị sát hại tại Tiểu khu 109, Lâm trường Hiếu Liêm (cũ). Đó là đêm 11-8-2007, khi Hạt kiểm lâm Khu BTTNVC đi tuần tra, đã bắt quả tang hai đối tượng đèo thịt bò trên xe mô tô. Tại hiện trường, một khoảng rừng bán kính chừng 15 - 20m bị quần nát, các thân cây hầu như bị bầm dập và bật cả rễ. Chứng tỏ trước khi chết, con bò xấu số này đã tìm cách thoát thân với một thời gian khá dài. Con bò tót bị giết hại cao 1,4m, dài 2,5m.

Bò Tót

Tính ra, số đàn bò tót trong Khu BTTNVC khoảng vài chục con, chia thành nhiều đàn; bầy ít nhất 5 con, nhiều nhất 8 con. Khoảng thập kỷ trước, những trảng cỏ được trồng cây gây rừng nên tốc độ phát triển của bò tót và bò rừng rất chậm. Đến nay, môi trường mới đang hình thành, mà dự án cải tạo hồ Bờ Hào, trảng cỏ chính là điều kiện tốt nhất để đàn bò vốn đã giảm số lượng nay có điều kiện phục hồi. Đáng kể là cùng họ hàng với bò tót, nhưng bò rừng (Bos Javanicus, màu vàng, giống bò nhà) trong Khu BTTNVC chỉ còn 7 con. Đây là loài thú rất chậm chạp, khù khờ. Do đó, cơ hội để loại thú này tồn tại không cao, nhất là khi môi trường không còn phù hợp với chúng.

Hoẵng

Động vật hoang dã ở khu BTTNVC rất đa dạng, phong phú!

Tiềm năng phát triển sinh thái của Khu BTTNVC còn rất lớn. Nhất là thú. Cho đến nay, đã có 276 loài động vật thuộc 84 họ, 28 bộ; rất nhiều loại thú quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới đều có mặt tại đây. Đáng kể là vượn má hung, bò tót, cu li, chà vá chân nâu, voi, trĩ sao, gà so cổ hung... Riêng loài chim, hiện đã xác định được trên 300 loài, trong đó có vô số loài chim nước...

Trong suốt thời gian đi rừng, chúng tôi gặp rất nhiều dấu chân heo (Sus scrofa) và thỉnh thoảng còn nghe tiếng kêu “tác” của hoẵng (Munticus muntjtak). Hoẵng là loài hươu nhỏ, lông ngắn, dày màu vàng; chiều cao chỉ chừng 0,5 mét; có cặp sừng dài 15cm. Hoẵng thường sống độc lập trong các khu rừng khai thác, rừng tái sinh. Giống như các loài thú móng guốc khác, thức ăn của hoẵng gồm: cỏ, mầm cây, búp non, quả cây, măng tre... đều là những thứ có sẵn trong khu BTTNVC. Đáng tiếc là do tiếng kêu của hoẵng khá lớn nên chúng dễ bị thợ săn phát hiện để... thịt. Tới một khu rừng rậm có nhiều cây gỗ lớn, thạc sĩ Hảo chỉ cho tôi xem một số dấu chân nai rừng (Cervus unicolor) vẫn còn in đậm trên đất. Nai là loài hươu lớn nhất trong dòng họ. Chúng có lông ngắn, màu nâu sậm; con đực trưởng thành có bờm dày. Hoạt động của nai chủ yếu là ban đêm, còn ngày chúng trú ẩn, giấu mình ở những nơi kín đáo. Nai là loài cần rất nhiều lượng nước, nên nhiều khi chúng phải đi rất xa tìm nước uống. Chính vì vậy, bọn thợ săn khi bẫy nai thường đến những khu vực có suối, thác. Số lượng nai ở Khu BTTNVC khá đông đúc, chúng sống theo đàn từ 3-4 con. Đang mải mê nói về nai, một con cheo cheo (Tragulus javanicus) khá lớn từ trong bụi rậm chạy vụt qua. Anh Hảo bảo, đối với loài móng guốc nhỏ này thì hiện trong Khu BTTNVC rất nhiều. Hai năm trở lại đây, để “dụ” thú về, lãnh đạo Khu bảo tồn cấm các trạm kiểm lâm nuôi chó, dê, bò, heo. Bởi khi chó sủa, các loài thú móng guốc nhỏ sẽ bỏ đi. Còn nuôi dê, bò, heo sẽ dễ sinh sản thế hệ lai từ các loài thú rừng cùng loại, điều này là cấm kỵ. Thế nhưng tình trạng săn bắt thú rừng thời gian qua tiếp tục diễn biến phức tạp. Mỗi năm, lực lượng kiểm lâm thu gom hàng chục ngàn chiếc bẫy các loại. Điều này cho thấy, sự sống của các loài thú rừng vẫn đang bị đe dọa nghiêm trọng...

  Tạ Nguyên

 

 

Tin xem nhiều