Báo Đồng Nai điện tử
En

Làng nghề ở Đồng Nai trước cơ hội phát triển

05:01, 18/01/2009

Đồng Nai là tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống, là nơi hội tụ nhiều nền văn hóa của nhiều dân tộc, vùng, miền khác nhau. Vì vậy, trong quá trình hình thành và phát triển, Đồng Nai có nhiều ngành nghề truyền thống với những sản phẩm mang đậm nét văn hóa - bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, các sản phẩm hàng hóa của làng nghề đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Vì vậy, làm thế nào phát triển sản xuất, đưa các sản phẩm truyền thống của các làng nghề vươn xa, một đề án lớn của tỉnh đã hình thành và đang được triển khai.

Đồng Nai là tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống, là nơi hội tụ nhiều nền văn hóa của nhiều dân tộc, vùng, miền khác nhau. Vì vậy, trong quá trình hình thành và phát triển, Đồng Nai có nhiều ngành nghề truyền thống với những sản phẩm mang đậm nét văn hóa - bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, các sản phẩm hàng hóa của làng nghề đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Vì vậy, làm thế nào phát triển sản xuất, đưa các sản phẩm truyền thống của các làng nghề vươn xa, một đề án lớn của tỉnh đã hình thành và đang được triển khai.

Gốm mỹ nghệ, một mặt hàng mỹ nghệ xuất khẩu của Đồng Nai.

* Đa dạng các làng nghề

Dọc theo quốc lộ 1, xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) có hơn 40 cơ sở chuyên chế tác tượng, bàn ghế, trống, tranh được làm từ rễ cây. Bàn tay khéo léo của những người thợ chạm khắc đã biến những bộ gốc rễ cây sần sùi thành những sản phẩm độc đáo, nghệ thuật. Từ đây, các sản phẩm này đã được đưa về trang trí nội thất trong những ngôi nhà sang trọng ở thành phố hay bày bán trong những shop mỹ nghệ. Cũng tận dụng từ gỗ vụn phế thải, mà làng Trà Cổ (xã Bình Minh) và Ngũ Phúc (xã Hố Nai 3) thuộc huyện Trảng Bom đã nổi tiếng với những đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu như thuyền buồm, máy bay, mô tô... Tuy nhiên, nói về ngành chế biến gỗ thì toàn tỉnh có hàng trăm doanh nghiệp và trên 600 hộ cá thể sản xuất tập trung ở phường Tân Hòa (TP. Biên Hòa). Đồ mộc ở đây sản xuất từ lâu đời, mặt hàng tiểu thủ công nghiệp đang phát triển mạnh ở Đồng Nai hiện nay là đan lát mây, tre, lá. Từ các loại nguyên liệu tại chỗ này đã tạo ra các loại sản phẩm đa dạng, phong phú, phần lớn được xuất khẩu.

Dệt thổ cẩm, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Châu Mạ ở xã Tà Lài đang được khôi phục.

Dọc theo bờ sông Đồng Nai đoạn qua xã Bửu Hòa, Tân Vạn (TP. Biên Hòa) là làng gốm có trên 100 năm. Hiện nay có 12 doanh nghiệp, một hợp tác xã và 3 hộ cá thể sản xuất tạo ra nhiều loại sản phẩm gốm mỹ nghệ đa dạng, xuất khẩu chiếm tỷ lệ 80 - 85%. TP. Biên Hòa còn có làng nghề chế tác đá Bửu Long đã hình thành từ trên 100 năm nay. Tại thị xã Long Khánh đã hình thành làng trồng nấm với quy mô sản xuất đứng hàng đầu trong cả nước. Mỗi năm có hàng vạn tấn nấm được chế biến xuất khẩu. Ở xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) có làng đúc với 8 cơ sở đúc gang. Nghề đúc ở đây đã truyền đến đời thứ 4. Hiện nay, các cơ sở đúc gang ở Thạnh Phú sản xuất không đủ đáp ứng cho đơn đặt hàng từ các công ty lớn trong và ngoài tỉnh. Cũng ở xã Thạnh Phú còn có làng bánh tráng nổi tiếng. Hàng năm, vào dịp lễ, tết các lò tráng bánh hoạt động hết công suất vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Về phía thượng nguồn sông Đồng Nai là huyện Tân Phú, nơi có người bản địa châu Mạ ở xã Tà Lài được biết đến với nghề dệt thổ cẩm. Đồng bào dân tộc ở đây rất chú trọng đến việc truyền nghề cho các thế hệ sau. Vải thổ cẩm ở Tà Lài được may thành áo, bóp, túi xách... chào bán cho khách du lịch đến Vườn quốc gia Cát Tiên, hay được khách từ Lâm Đồng, Bình Phước đến đặt hàng. Xuôi về hạ lưu sông Đồng Nai là làng Bến Gỗ nay thuộc xã An Hòa, huyện Long Thành bao đời nay nổi tiếng với rượu đế được nấu theo phương pháp gia truyền. Mới đây, rượu Bến Gỗ đã được sản xuất đóng chai, đăng ký thương hiệu và đuợc cấp phép tham gia thị trường

* Phát triển bền vững cho các làng nghề truyền thống

Theo đánh giá của các ngành chức năng, dù các làng nghề đa dạng về sản phẩm, nhưng khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế, các cơ sở ngành nghề truyền thống ít có cơ hội tham gia xuất khẩu trực tiếp, sản phẩm xuất khẩu phải qua các khâu trung gian nên các cơ sở không nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng về mẫu mã, chất lượng, giá cả. Mặt khác, chưa có hệ thống hỗ trợ Nhà nước để tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước. Công nghệ thiết bị của nhiều cơ sở còn lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu cải tiến chất lượng của thị trường. Lao động trong các ngành nghề truyền thống phần đông đều có trình độ văn hóa, tay nghề không cao. Phần lớn lao động được truyền nghề và kèm cặp trong sản xuất, dựa trên cơ sở kinh nghiệm, thiếu cán bộ mỹ thuật và kỹ thuật cao. Tổ chức sản xuất còn phân tán, quy mô nhỏ, khép kín, thiếu liên kết về tổ chức. Đặc biệt, tình trạng thiếu vốn là khó khăn lớn của các cơ sở ngành nghề truyền thống. Việc tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng đối với cơ sở còn rất hạn chế.

Làm thuyền buồm tại làng nghề Trà Cổ.

Trước những khó khăn hiện nay của các làng nghề, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: Các sản phẩm làng nghề nếu chậm thay đổi về thiết kế, kiểu dáng sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh. Khi làng nghề chưa thể cung cấp những sản phẩm độc đáo, thiết kế không mang tính thương mại và tính ứng dụng của sản phẩm, mà chỉ dừng lại ở dạng quà tặng hay hàng lưu niệm... thì việc đứng bên lề "cuộc chơi" có thể thấy trước. Để khắc phục những hạn chế này và khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án khôi phục các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm; nghề đúc gang, đồng; nghề chế tác đá. Đồng thời, phát triển các ngành nghề như: gốm mỹ nghệ; gỗ mỹ nghệ; mây tre đan lát; chế biến gỗ gia dụng... Mục tiêu đề ra là các sản phẩm truyền thống phải mang bản sắc văn hóa dân tộc địa phương, chất lượng cao, mẫu mã phong phú, đa dạng, kiểu dáng đẹp nhưng không mất đi tính truyền thống. Để sản phẩm của các làng nghề phát triển được, các ngành chức năng đã hoạch định kế hoạch xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua hội chợ triển lãm, phát triển các điểm du lịch làng nghề để mở ra thị trường tiêu thụ tại chỗ cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Hình thành các điểm công nghiệp, điểm tập trung cho các làng nghề với diện tích đất phù hợp điều kiện sản xuất.

Mạnh Thắng

Tin xem nhiều