Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ nghiệp của nhà nông

11:01, 17/01/2009

“Con trâu bây giờ lên phim, lên báo, vô khu du lịch làm kiểng và ra lò mổ chứ không có kéo cày nữa đâu chú ơi!”. Những ngày rong ruổi đi tìm trâu, tôi đã nghe không ít lão nông tâm sự như vậy về con vật đầu cơ nghiệp của nông dân Việt Nam.

“Con trâu bây giờ lên phim, lên báo, vô khu du lịch làm kiểng và ra lò mổ chứ không có kéo cày nữa đâu chú ơi!”. Những ngày rong ruổi đi tìm trâu, tôi đã nghe không ít lão nông tâm sự như vậy về con vật đầu cơ nghiệp của nông dân Việt Nam.

Thằng Chìa Vôi (Võ Văn Lập) khẳng định chắc nịch: “Cách đây ba năm, tụi em dạy cho anh Thế Lữ tập cưỡi trâu để đóng phim Mùa len trâu đó anh”. Liên hệ với nghệ sĩ Thế Lữ, quả đúng như vậy: “Để đóng được vai Kìm trong Mùa len trâu, hồi ấy suốt 10 ngày liền em một mình chạy xe ra Nhơn Trạch tìm những đứa trẻ chăn trâu trên đồng ruộng để làm quen. Mấy đứa nhỏ tưởng em ở Sài Gòn, thèm cảm giác được cưỡi lên lưng trâu nên ngày nào tụi nó cũng tập cho em”. Còn bây giờ, Chìa Vôi cùng đám bạn định... bỏ nghề chăn trâu: “Ba em biểu, ruộng bị làm nhà máy hết rồi, đâu còn chỗ cày cấy, bán cho rồi”.

Nói vậy, nhưng trâu ở Nhơn Trạch còn khá nhiều. Những ngày đi công tác ở đây, tôi đã gặp nhiều đàn trâu hàng trăm con đang nhởn nhơ gặm cỏ trên những cánh đồng rộng. Gặp ông Đỗ Văn Lượm, người có thâm niên 20 năm giữ trâu thuê ở xã Hiệp Phước đang lùa đàn trâu 75 con vào khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 ăn cỏ, ông vui lắm: “Thời buổi này có người còn quan tâm, tìm hiểu về con trâu thì quý quá”. Ông ới ới, ự ự mấy tiếng, đàn trâu như hiểu ý ông, không đi nữa, đứng lại gặm cỏ chung quanh người chăn giữ. Ông Lượm cười sảng khoái: “Con trâu nó khôn và hiền dữ lắm. Mình nói nó nghe, nó hiểu ý mình. Bởi vậy, tui giữ trâu suốt 20 năm qua mà chưa thấy chán”. Rồi ông giới thiệu tôi đến gặp ông Nguyễn Văn Lời (Ba Lời), người nuôi trâu lâu năm và nhiều nhất ở Hiệp Phước.

Ông Ba Lời đã ngoài 70 tuổi, có trên 30 năm gắn bó với con trâu: “Ông cố, ông nội, tía của qua là nông dân. Đến đời qua cũng vậy, lấy con trâu làm đầu cơ nghiệp. Hồi xưa mình còn khổ, con trâu cày ruộng, đem lại hột lúa, hột gạo cho mình. Nhờ vậy qua mới có nhà cửa, vợ con qua cuộc sống đề huề. Qua mang ơn con trâu đời đời, không bao giờ bỏ nó”. Ông Tư Ri (Trần Văn Ri), một lão nông tri điền khác ở xã Hiệp Phước thì cho rằng, con trâu luôn là con vật chịu thương chịu khó, khổ cực gì cũng sát cánh cùng nhà nông: “Bây giờ chỗ nào máy cày vô không được, thì con trâu vô cày bừa. Chỗ nào máy móc không làm nổi, con trâu lại vô vận chuyển hàng hóa ra”. Anh Võ Văn Chín, một chủ nuôi trâu thì “thanh minh” giùm nỗi oan cho con vật mà anh rất yêu quý: “Người ta cứ hay biểu lì như trâu, nhưng thực ra con trâu rất khôn. Nó có số má dữ lắm mới đứng thứ 2 trong 12 con giáp, rồi nó quý lắm mới được chọn làm linh vật của nước mình. Con trâu đi vào văn học, thơ ca thật là đẹp đẽ. Hồi nhỏ, tụi tui vẫn hay hát: Lùa trâu ra đồng ta học bài vần ngược/ Trâu tắm ao làng ta ôn lại vần xuôi hay như Cấy cày vốn nghiệp nông gia / Ta đây trâu đấy ai mà quản công...”.

Ở Hiệp Phước có anh Mười “vú”, hồi trước nghèo phải đi làm thuê kiếm sống. Mấy năm nay anh làm nghề lái trâu nên cuộc sống khá hơn. Song, Nghiêm “râu” (mới 25 tuổi mà để râu) đang giữ mướn 80 con trâu cho mấy hộ gia đình, trong đó có trâu của Mười “vú”, thì quả quyết: “Ổng giàu lên là nhờ trời ban cho con trâu cò”. Cách đây 4 năm, bỗng một con trâu đen của Mười đẻ ra con trâu cò (màu trắng). Đầu năm 2008, con trâu cò lại đẻ ra con nghé cò. Mấy chủ khu du lịch ở TP.Hồ Chí Minh nghe tin có nghé cò đến năn nỉ mua (làm kiểng cho khách đến tham quan) với giá cao gấp 10 lần nghé thường, nhưng Mười “vú” nhất quyết không bán vì nó là... thần tài (bà con nông dân tin, trâu nhà ai đẻ ra nghé cò sẽ rất hên)! Ở Hiệp Phước còn có nhiều người làm nghề lái trâu. Mỗi con trâu 4 năm tuổi (nặng từ 150kg đến 200kg) được bán mổ thịt với giá từ 10 - 15 triệu đồng. Vì vậy, dù trâu không còn cày bừa nhưng người nuôi trâu cũng “sống được” và dân lái cũng phất lên.

Đất ruộng bị thu hẹp dần, đồng cỏ cũng ít đi. Trâu nuôi chủ yếu là để lấy thịt và phải thuê người chăn giữ quanh năm. Giá giữ mướn mỗi tháng là 60 ngàn đồng/trâu. Những người chăn giữ, sau khi cho đàn trâu ăn hết rơm rạ ở các đồng lúa bên Hiệp Phước, Long Tân, Vĩnh Thanh thì lùa về vùng Long Thọ, Phước An, Phước Khánh ngậm lá rừng. Trâu đi khắp nơi, đàn này lẫn với đàn kia nhưng những người chăn thuê và chủ trâu vẫn nhận ra trâu của mình. Theo lời ông Đỗ Văn Lượm, mỗi con trâu có một đặc tính riêng, người nuôi có thể nhìn vào đó nhận ra qua cặp sừng, ánh mắt, khuôn mặt, vóc dáng. Ông Ri thì cho rằng, vì con trâu có đặc tính hay, hễ chiều đến là tự động tìm lại bầy, rồi kéo nhau về chuồng. Con nào lỡ lạc đường thì chủ đi tìm bằng mật mã riêng, như thổi tù và hoặc gọi tên. Một số con trâu nuôi lâu năm còn được chủ đặt cho tên, như: Bầy, Én, Chim, Ngựa, Nai. Hôm tôi đến, ông Tư gọi con trâu Bầy đã 29 tuổi biểu diễn cho nhà báo chụp hình. Nghe lời ông, con trâu đứng yên, ngước mặt lên... Một trong những khung hình mà theo lời bình của ông là: “Con trâu đang suy tư trước thực trạng khu công nghiệp “lấn sân” đồng ruộng”. Ông Tư nói thêm: “Nếu sau này Nhà nước không cho nuôi trâu ở đây, tụi tui cũng tìm chỗ khác để nuôi. Nước mình còn mần nông nghiệp thì con trâu còn hữu dụng. Trâu không phụ mình, mình đừng có phụ trâu”.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, Nhơn Trạch là huyện nuôi nhiều trâu. Đến cuối năm 2008, tổng số trâu trên địa bàn huyện này còn hơn 1.600 con, trong đó xã có nhiều trâu nhất là Hiệp Phước với khoảng 400 con. Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 huyện Nhơn Trạch không còn nuôi trâu nữa!

Yên Sang

 

Tin xem nhiều