Năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng các trường nghề trên địa bàn tỉnh vẫn có bước phát triển vượt bậc, cả về lượng và chất.
Năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng các trường nghề trên địa bàn tỉnh vẫn có bước phát triển vượt bậc, cả về lượng và chất.
Sinh viên và giáo viên Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai (H.Long Thành) trong tiết thực hành. Ảnh: |
Tuyển sinh đầu vào tăng với nhiều nghề được đào tạo theo chuẩn nghề của Đức, sinh viên ra trường đều có việc làm với mức lương khởi điểm cao - đó là nền tảng để các trường đặt ra những mục tiêu mới cao hơn cho năm mới 2021.
* Không đủ sinh viên để cung ứng cho doanh nghiệp
Nhìn lại năm 2020, TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai (H.Long Thành) không giấu được niềm vui mừng. Năm 2020, sau khi sáp nhập thêm Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật Đồng Nai, trường được đổi tên từ Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai thành Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai. Tuy không có thay đổi về quản lý, đào tạo nhưng việc đổi tên trường cũng tạo thuận lợi cho sinh viên khi ra trường bởi các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường không dùng từ “trường nghề”.
“Trong 4 năm trở lại đây, tốc độ tuyển sinh của trường liên tục tăng. Riêng năm 2020, chúng tôi tuyển sinh tăng 26% so với năm 2019. Hiện tại, trường đang đào tạo 5.400 học sinh, sinh viên, trong đó có khoảng 20% là sinh viên hệ cao đẳng” - TS Lê Anh Đức cho biết.
Tuyển sinh đầu vào tăng là tín hiệu đáng mừng nhưng điều khiến cá nhân ông Đức và tập thể nhà trường tự hào hơn cả là toàn bộ học sinh, sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm. Năm học 2019-2020, trường có khoảng 1.300 sinh viên tốt nghiệp và gần hết các sinh viên này đã có việc làm ngay khi còn thực tập. Chỉ có 30 sinh viên chưa có việc làm do còn lưỡng lự, lựa chọn nơi làm. Nhưng không lâu sau đó, khi nhà trường đăng cai tổ chức Ngày hội Giao lưu kết nối nguồn nhân lực giữa doanh nghiệp Nhật Bản với sinh viên thì số sinh viên còn lại cũng được các doanh nghiệp tuyển dụng hết.
Hằng năm, Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai đều tiến hành khảo sát trực tiếp các sinh viên, học sinh mới ra trường. Ngoài 1% sinh viên tham gia nghĩa vụ quân sự, còn lại đều đi làm. Các doanh nghiệp Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, thậm chí cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cũng tìm đến trường để tuyển dụng học sinh, sinh viên tốt nghiệp. Nhà trường thậm chí không cung ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
“Kết quả khảo sát năm nay rất phấn khởi: 65% sinh viên có mức lương khởi điểm từ 8-10 triệu đồng/tháng. Tôi cho rằng việc nhà trường tuyển sinh tốt trong những năm gần đây chính là nhờ chúng tôi đã giải quyết tốt đầu ra cho sinh viên” - TS Lê Anh Đức chia sẻ.
Năm nay, trường sẽ có khoảng 1.500 học sinh, sinh viên tốt nghiệp. Hiệu trưởng nhà trường vẫn tự tin về khả năng giải quyết việc làm cho sinh viên. Bởi lẽ, ngoài đào tạo nghề, nhà trường còn làm tốt khâu đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên (thái độ, tinh thần làm việc, kỹ năng hỗ trợ cộng đồng…). Việc đào tạo kỹ năng mềm này có sự tham gia, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như: WWO (Word Wide Open); Save the Children; Meiti Kansai...
* Những khởi đầu mới đầy hy vọng
Năm 2020 là một năm đặc biệt đối với Trường cao đẳng Cơ giới - thủy lợi (H.Trảng Bom). Sau khi sáp nhập thêm Trường trung cấp Cơ điện Đông Nam bộ (xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu), trường được Bộ NN-PTNT đầu tư nâng cấp, trang bị thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở mới sáp nhập này. Sau khi cải tạo, cơ sở mới đã có diện mạo khang trang hơn. Hiện nay, cơ sở đang đào tạo 600 học sinh trung cấp nghề. Dự kiến, kỳ tuyển sinh năm nay, nhà trường sẽ tuyển 300 chỉ tiêu học tại cơ sở ở xã Thiện Tân.
TS Nguyễn Văn Chương, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Cơ sở mới sáp nhập nằm tại vị trí khá thuận lợi: gần Khu công nghiệp Thạnh Phú, gần các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương nên thu hút đông học sinh phân luồng sau THCS từ H.Vĩnh Cửu và P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa). Sắp tới, nhà trường sẽ đầu tư xây thêm phòng học, xưởng thực hành theo tiêu chuẩn hiện đại để đáp ứng nhu cầu học của học viên”.
2020 là năm khá đặc biệt đối với Trường cao đẳng Cơ giới - thủy lợi còn bởi trường được phía Đức chuyển giao và bắt tay vào đào tạo 2 nghề theo chuẩn Đức là vận hành máy thi công nền và điện công nghiệp. Theo tiêu chuẩn của Đức, mỗi lớp chỉ đào tạo 16 sinh viên. Vì vậy, năm đầu tiên này, nhà trường chỉ tuyển sinh và đào tạo 32 sinh viên cho 2 nghề.
Ngoài 2 nghề chuyển giao nêu trên, đây cũng là năm đầu tiên Trường cao đẳng Cơ giới - thủy lợi bắt đầu đào tạo nghề Xanh (cũng theo tiêu chuẩn Đức), gồm: nghề công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà; nghề công nghệ cơ khí, sưởi ấm và điều hòa không khí. Đối với 2 nghề này, trường tuyển sinh và đào tạo 92 sinh viên/4 lớp.
“Sinh viên theo học 4 nghề nói trên được miễn toàn bộ học phí. Đối với nghề chuyển giao, khi ra trường, các em được cấp 1 bằng nghề của Việt Nam và 1 bằng nghề của Đức. Nhìn chung, chúng tôi đã triển khai tốt, phía các chuyên gia Đức cũng rất hài lòng với những gì mà nhà trường đang thực hiện” - TS Nguyễn Văn Chương thông tin thêm.
Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng Trường cao đẳng Cơ giới - thủy lợi đã tổ chức thành công hội thi tay nghề cấp Bộ, đoạt giải nhất toàn đoàn với 14 thí sinh đoạt giải nhất, 1 thí sinh đoạt giải nhì. 12 thí sinh tham gia kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia thì có 3 thí sinh đoạt huy chương đồng. 6 giáo viên tham gia kỳ thi giáo viên giỏi nghề cấp Bộ thì có 4 giải nhất, 2 giải nhì và đoạt giải ba toàn đoàn…
TS Nguyễn Văn Chương khẳng định: “Năm 2020 là năm có nhiều khó khăn nhưng nhà trường đều đã vượt qua và đạt được mọi chỉ tiêu đề ra. Đây thực sự là thắng lợi lớn. Mục tiêu của trường trong năm tới là sẽ tuyển sinh khoảng 1.500 học sinh, sinh viên; đầu tư thêm cơ sở vật chất và tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo”.
Trong số các trường nghề trên địa bàn tỉnh, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 là đơn vị đi đầu trong việc đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời đón đầu đào tạo nghề phục vụ sân bay quốc tế Long Thành.
Nhờ đầu tư đúng hướng, số lượng người học của trường cũng không ngừng tăng lên. Năm 2020, trường tuyển sinh được 1.900 học sinh, sinh viên, trong đó có 700 sinh viên cao đẳng. Đặc biệt, năm vừa qua, trường tuyển sinh được 180 sinh viên hệ cao đẳng chất lượng cao theo chuẩn Đức, tăng 40% so với năm 2019.
Đây cũng là năm đầu tiên nhà trường khởi động chương trình đào tạo “con đường đến Đức”. Theo đó, 25 sinh viên đầu tiên của chương trình này đã bắt đầu học. Toàn bộ chương trình (giáo trình, giáo án, phương pháp…) đều theo chuẩn của Đức. Nhà trường cam kết sau khi hoàn thành 3 năm học, toàn bộ số sinh viên này sẽ được đi lao động tại Đức.
ThS Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 cho hay: “Hiện tại nhà trường đang có kế hoạch tuyển sinh 400 chỉ tiêu các nghề phục vụ cho lao động tại sân bay quốc tế Long Thành. Ngoài 3 năm học theo chuẩn nghề cao đẳng, học viên còn học thêm 7 tháng nghiệp vụ ngành Hàng không. Phần đào tạo này sẽ do Viện Khoa học hàng không Việt Nam phụ trách”.
Hải Yến