Hơn 25 năm trước, khi còn là thanh niên, với trình độ chuyên môn về lĩnh vực thủy sản, bản thân thích tìm những điều mới lạ và muốn trải nghiệm những cách làm ăn mới, ông Nguyễn Bùi Quang, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại dịch vụ nuôi trồng thủy sản Black Pear (xã Phú Điền, H.Tân Phú) đã chọn con đường đi làm thuê cho các cơ sở nuôi cấy ngọc trai để học hỏi, nghiên cứu cách nuôi trai lấy ngọc.
Hơn 25 năm trước, khi còn là thanh niên, với trình độ chuyên môn về lĩnh vực thủy sản, bản thân thích tìm những điều mới lạ và muốn trải nghiệm những cách làm ăn mới, ông Nguyễn Bùi Quang, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại dịch vụ nuôi trồng thủy sản Black Pear (xã Phú Điền, H.Tân Phú) đã chọn con đường đi làm thuê cho các cơ sở nuôi cấy ngọc trai để học hỏi, nghiên cứu cách nuôi trai lấy ngọc.
Mô hình ao nuôi ngọc trai tại xã Phú Điền (H.Tân Phú) của ông Quang. Ảnh: N.Liên |
Từ miền Nam, ông Quang ngược dòng ra miền Bắc làm thuê cho các chủ cơ sở nuôi cấy ngọc trai. Thời gian này, ông dành trọn công sức và tiền bạc vừa làm vừa nghiên cứu, thử nghiệm cách nuôi cấy ngọc trai nước ngọt. Ông phải mất đến gần 10 năm tự dung nạp kiến thức, nghiên cứu kỹ thuật cấy ghép ngọc, chăm sóc để tạo ra một sản phẩm ngọc trai có độ sáng ở mức cao nhất với màu sắc độc đáo, đặc biệt là dòng hạt ngọc trai màu tím Huế hiếm có trên thị trường.
* Nghề nuôi trai lấy ngọc
Cơ sở nuôi cấy ngọc trai của ông Quang ở xã Phú Điền. Với tổng diện tích ao nuôi hơn 5 ngàn m2, ông đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để cải tạo ao, mua sắm trang thiết bị nuôi cấy ngọc trai.
Kể lại hành trình đến với nghề nuôi trai lấy ngọc của mình, ông Quang không quên những ngày tháng chăm chỉ học nghề qua công việc làm thuê tại các cơ sở nuôi cấy ngọc trai ở miền Bắc. Sau khi có đủ kiến thức và muốn thử nghiệm cho riêng mình, ông quyết định thuê mặt nước sông, hồ ở huyện đảo Cát Bà (TP.Hải Phòng) để nuôi cấy ngọc trai. Chia sẻ lý do lặn lội từ miền Nam ra miền Bắc tìm hướng lập nghiệp, ông Quang cho biết ngay từ khi chưa làm ra sản phẩm, ông đã chú ý đến thị trường tiêu thụ, và thời đó miền Bắc gần biên giới, dễ dàng tiêu thụ sản phẩm hơn.
Muốn thành công phải biết lượng sức mình Với những kinh nghiệm từ sự thất bại đến thành công trong quá trình tạo lập sự nghiệp của mình, ông Nguyễn Bùi Quang đã nghiệm ra rằng, bản thân khi muốn làm việc lớn cần chủ động, biết lượng sức mình để hạn chế thấp nhất những rủi ro ban đầu. Theo ông Quang, thành công hay không là ở mức độ siêng năng của mỗi con người. Hiện ông đang đầu tư cho một người con đi học chuyên ngành chế tác ngọc trai tại Nhật Bản. Người con còn lại đang được ông trực tiếp đào tạo kỹ thuật nuôi cấy ngọc trai. |
Vấn đề khó khăn nhất đối với việc nuôi ngọc trai là nguồn nước. Vì con trai là loài nhuyễn thể (thân mềm), ăn tảo và không di chuyển để kiếm ăn nên người nuôi phải tạo cho nguồn nước sự lưu thông để đưa dưỡng chất đến cho trai. Đến nay, ông đã thành công trong việc đưa giống trai đen cánh dày từ đồng bằng lên miền núi nuôi thử nghiệm.
Để có được thành quả của hôm nay, ông Quang phải đánh đổi biết bao mồ hôi, công sức, tiền bạc và cả nước mắt. Đó là những nỗi buồn mỗi khi thử nghiệm không đạt kết quả như ý muốn, là những tháng ngày cặm cụi theo dõi sự sinh trưởng của con trai, tìm hiểu từng đặc tính nhỏ nhất của con trai cũng như những yêu cầu về nguồn nước, thức ăn, khí hậu... Hiện nay, 90% số trai được ông cấy nhân đều đạt theo ý muốn, đa số trai cho sản phẩm ngọc màu tím. Để sản phẩm phong phú hơn về màu sắc, ông Quang đang nghiên cứu cách lai tạo giống trai để tạo ra những lớp ánh xà cừ độc đáo, đẹp mắt nhất.
Nuôi trai lấy ngọc không thể cho thu nhập trong một sớm một chiều, do đó để lấy ngắn nuôi dài, ông Quang đã tận dụng phần diện tích còn lại trong ao để nuôi xen kẽ một số loài cá như: cá koi, cá hô và cá trắm cỏ. Theo ông Quang, những loài cá này có thể thải ra tảo là nguồn thức ăn rất tốt cho con trai. Việc kết hợp nuôi trai với nuôi cá có sự tương tác, phân cá tạo ra môi trường nước một lượng tảo để nuôi con trai. Quá trình sinh trưởng, bản thân con trai là một máy lọc nước giúp làm sạch nguồn nước trong ao. Nghề nuôi ngọc trai nước ngọt không có thiên tai, rủi ro do con người quản lý được nguồn nước, chất lượng từng con trai.
Trung bình 1 con trai có tuổi thọ 8 năm, sau khi trưởng thành 2 năm sẽ cấy ghép nhân để tạo ngọc, sau khoảng 18 tháng thì bắt đầu cho thu hoạch. Ngọc trai càng để lâu năm thì độ bóng và màu sắc càng sắc sảo. Nếu con trai còn khỏe mạnh có thể cấy ghép tiếp, những con trai không cho ngọc sẽ lấy vỏ làm khảm xà cừ hoặc mỹ phẩm làm đẹp, thịt trai dùng làm thức ăn gia súc.
Ông Nguyễn Bùi Quang kiểm tra ngọc sau khi cấy nhân thành công trên con trai. Ảnh: N.Liên |
Hiện nay, trên thị trường thế giới không phân biệt giá thành đối với ngọc trai nước ngọt hay nước mặn, thay vào đó, giá trị của viên ngọc được căn cứ vào chất lượng, độ sáng bóng, màu sắc của từng viên ngọc. Theo thời gian, kinh nghiệm, sự hiểu biết về con trai đã giúp ông Quang có thể tác động vào chất lượng của viên ngọc nhờ cách điều chỉnh con trai ở những tầng nước và nhiệt độ khác nhau vào những tháng cuối chuẩn bị cho thu hoạch, việc làm này sẽ quyết định được độ hấp thu ánh sáng, nhiệt độ để tăng độ bóng đẹp cho viên ngọc bên trong con trai. Do đó, toàn bộ ngọc trai của ông sau khi thu hoạch đều được đánh giá chất lượng với độ bóng, màu sắc ở mức tốt nhất.
* Cơ hội mở rộng nghề nuôi ngọc trai cho người dân
Năm 2013, từ sự giới thiệu của bạn bè, ông Quang đã có cơ duyên đến với mảnh đất Phú Điền. Với kinh nghiệm nuôi cấy ngọc trai lâu năm của mình, ông Quang nhận thấy nguồn nước ở Phú Điền có nhiều tảo, rất thích hợp để nuôi ngọc trai, bản thân ông cũng có thể tạo thêm tảo cho con trai bằng phương pháp vi sinh nên ông đã quyết định chọn Phú Điền để tạo dựng cơ sở nuôi cấy ngọc trai nước ngọt.
Sản phẩm ngọc trai được chế tác thành món trang sức |
Hiện tại, số lượng ngọc trai sau khi thu hoạch ông đều cung cấp cho thị trường Nhật Bản. Trong tương lai, ông Quang sẽ thành lập chuỗi nuôi cấy và kinh doanh ngọc trai. Ngoài kỹ thuật cấy ghép ngọc và điều chỉnh môi trường nước cho con trai, vấn đề chăm sóc thường xuyên cũng là yếu tố giúp trai cho ngọc sáng bóng và đẹp như ý. Để đạt được kết quả này, đòi hỏi người nuôi trai phải siêng năng, thường xuyên vệ sinh cho con trai và kiểm tra chất lượng nước, ánh sáng.
Giới thiệu về những viên ngọc trai màu tím Huế lấp lánh, ông Quang tự hào: “Trên thế giới chỉ có một sản phẩm ngọc trai nước ngọt màu tím Huế được nuôi thành công tại Việt Nam. Đối với những sản phẩm này, khách muốn mua phải đặt cọc trước 30%, sau 2 năm mới giao sản phẩm. Những sản phẩm này các đối tác Nhật Bản rất thích và giá bán cũng rất cao, mỗi viên giá từ vài triệu đồng tùy kích cỡ”. Con trai sau khi lấy ngọc thì vỏ xà cừ có thể xay bột làm mỹ phẩm, thịt trai làm thức ăn gia súc…”.
Với những thành công từ kỹ thuật nuôi cấy ngọc trai, 3 năm trở lại đây, khi Nhà nước có những ưu đãi về nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, ông được các địa phương hỗ trợ về chính sách ưu đãi để hỗ trợ nông dân nuôi ngọc trai. Hiện tại, ông Quang được nhiều sở, ngành của các tỉnh miền Tây Nam bộ như: Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp, Vĩnh Long... mời về chuyển giao kỹ thuật nuôi ngọc trai để cải thiện đời sống cho người dân. Bởi những nông dân có ao sẵn nhưng chỉ một nguồn thu từ cá, khi được chuyển giao kỹ thuật nuôi trai lấy ngọc sẽ có thêm nghề mới để tăng thu nhập mà không ảnh hưởng đến việc nuôi cá. Hiện tại, những nông dân muốn nuôi trai lấy ngọc chỉ cần đầu tư nguyên liệu, còn lại con giống, kỹ thuật chăm sóc và cấy ngọc sẽ do ông Quang đầu tư. Đến khi thu hoạch, ông Quang mua lại sản phẩm ngọc trai cho nông dân với giá tốt nhất.
Ngọc trai thô chưa qua chế tác thành món trang sức |
Trong tương lai, ông Quang sẽ xây dựng một quy trình hoàn thiện từ tạo giống đến cấy ghép và chế tác ngọc trai thành phẩm. Có thể tự nhân giống cho con trai nên ông Quang có thể hỗ trợ nông dân về giống được nhiều hơn.
Nhận định về vùng đất Phú Điền nơi mình chọn dừng chân phát triển nghề nuôi trai lấy ngọc, ông Quang đánh giá cao tiềm năng về phát triển du lịch kết hợp với các mô hình sản xuất, nuôi trồng thủy sản nơi đây. Trong đó, mô hình nuôi ngọc trai công nghệ cao có thể giúp người dân kết hợp phát triển du lịch địa phương. Ông Quang cho hay: “Nuôi trai lấy ngọc là ngành nông nghiệp công nghệ cao, do đó nếu có được những chính sách hỗ trợ từ chính quyền địa phương, nhất định ngành nông nghiệp mới này sẽ có cơ hội phát triển trong nhân dân”.
Ngọc Liên