Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà khoa học của nông dân

06:02, 03/02/2021

Chàng trai Nguyễn Văn Hưng, ngụ ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa (H.Vĩnh Cửu) được tôn vinh là Nhà khoa học của nhà nông năm 2020 với sáng kiến chế tạo ra thiết bị leo dừa đơn giản nhưng có tính ứng dụng cao, góp phần giảm nỗi nhọc nhằn, cực khổ và cả rủi ro lao động cho nông dân trồng dừa.

Chàng trai Nguyễn Văn Hưng, ngụ ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa (H.Vĩnh Cửu) được tôn vinh là Nhà khoa học của nhà nông năm 2020 với sáng kiến chế tạo ra thiết bị leo dừa đơn giản nhưng có tính ứng dụng cao, góp phần giảm nỗi nhọc nhằn, cực khổ và cả rủi ro lao động cho nông dân trồng dừa.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng KH-CN Huỳnh Thành Đạt trao giấy chứng nhận và kỷ niệm chương cho anh Nguyễn Thế Hưng tại lễ tôn vinh Nhà khoa học của nhà nông lần thứ 3-2020. Ảnh: Bình Nguyên
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng KH-CN Huỳnh Thành Đạt trao giấy chứng nhận và kỷ niệm chương cho anh Nguyễn Thế Hưng tại lễ tôn vinh Nhà khoa học của nhà nông lần thứ 3-2020. Ảnh: Bình Nguyên

Đầu tư xưởng sản xuất thiết bị leo dừa, kỹ sư Nguyễn Văn Hưng còn dự tính chế tạo thêm nhiều sản phẩm khác theo đơn đặt hàng của nông dân trên nguyên tắc sản phẩm đơn giản, dễ làm, dễ sử dụng và phù hợp với túi tiền của người lao động.

* Chàng kỹ sư nông dân

Tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa TP.HCM, chàng trai Nguyễn Văn Hưng về làm chuyên viên kiểm định, huấn luyện về an toàn thiết bị tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN (Sở KH-CN). Quê gốc ở H.Định Quán, nhà anh Hưng có vườn dừa lâu năm nhưng toàn chờ dừa khô tự rụng vì cây cao vài chục mét không có người thu hái. Một lần đến xứ dừa Bến Tre, anh Hưng thấy người nông dân ở xứ dừa cũng gặp khó khăn rất lớn trong việc thu hoạch, chăm sóc dừa. Việc leo dừa rất tốn công lao động và nguy hiểm vì việc leo trèo hoàn toàn bằng thủ công, không có thiết bị hỗ trợ hoặc bảo vệ. Từ đây, anh nghĩ đến việc tạo ra một thiết bị hái dừa tiện dụng, an toàn mà ai cũng có thể sử dụng.

Vốn tốt nghiệp ngành Cơ khí, quen thuộc với cấu tạo các loại máy móc, thiết bị nên anh Hưng tự tìm tòi, thiết kế bộ thiết bị hái dừa. Anh Hưng chia sẻ, sau thời gian mày mò, anh đã tạo ra được bộ thiết bị leo dừa dạng ngồi làm cho người leo dừa cảm giác thoải mái như ngồi trên ghế và thực hiện thao tác dễ dàng ngay cả với người lớn tuổi, phụ nữ.

Thiết bị leo dừa của anh Nguyễn Văn Hưng là sáng kiến tiêu biểu được Tỉnh đoàn tuyên dương Tuổi trẻ sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2015; đoạt giải ba hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2017; được tuyên dương Nhà khoa học điển hình tại hội thảo khoa học Giải pháp liên kết hoạt động KH-CN vùng Đông Nam bộ năm 2018…

Ban đầu, anh Hưng chỉ làm thiết bị trèo dừa ngồi nhưng sau thời gian bán ra thị trường, tham khảo ý kiến những người trèo dừa chuyên nghiệp cho biết bộ ngồi không được linh động nên chàng kỹ sư trẻ tiếp tục mày mò chế tạo bộ trèo dừa đứng.

Trong quá trình sản xuất các sản phẩm, chàng kỹ sư trẻ tuổi liên tục cải tiến để thiết bị ngày càng dễ sử dụng, khắc phục khuyết điểm trèo lên thì nhanh nhưng khi leo xuống bị chậm để người sử dụng sản phẩm ngày càng thuận tiện hơn, trọng lượng nhẹ hơn, linh hoạt hơn mà vẫn đảm bảo yếu tố an toàn.

Anh Hưng chia sẻ: “Tôi là con nhà nông, từ nhỏ đã chặt mía thuê, hái điều, cuốc ruộng, chăn trâu, nhà cũng có vườn dừa nên không xa lạ với công việc nhà nông”. Chính vì vậy, anh rất thấu hiểu nỗi vất vả của nông dân nên muốn làm ra những thiết bị phục vụ nông dân với chi phí rẻ mà hiệu quả, dễ sử dụng.

Theo anh Hưng, trên thị trường hiện có nhiều loại máy móc phục vụ cho công việc nhà nông nhưng thường các nhà sản xuất chỉ chú trọng làm những máy móc, thiết bị lớn, phức tạp, có giá trị và lợi nhuận cao. “Tôi không quan tâm chế tạo các máy móc phức tạp, giá cao ít người mua được. Trong khi đó, những dụng cụ thiết thực, đơn giản, chi phí rẻ lại ít nhà sản xuất quan tâm là thị trường ngách rất giàu tiềm năng và còn bỏ ngỏ mà tôi có thể tiếp cận” - anh Hưng cho hay.

Anh Nguyễn Văn Hưng giới thiệu thiết bị leo dừa được sản xuất tại cơ sở
Anh Nguyễn Văn Hưng giới thiệu thiết bị leo dừa được sản xuất tại cơ sở

Anh Hưng làm thiết bị trèo dừa từ sự tình cờ nhưng sản phẩm lại đáp ứng đúng và sát với nhu cầu của nông dân. Vì với giá thành 700 ngàn đồng/bộ ngồi và 1,1 triệu đồng/bộ đứng, nông dân hoặc ai có nhu cầu sử dụng đều có thể dễ dàng mua được sản phẩm.

* Mở thị trường ngách

Anh Hưng kể, lúc chế tạo bộ thiết bị leo dừa, anh làm 1 bộ để sử dụng ở nhà, 1 bộ đem trưng bày ở Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN. Khi thấy bộ sản phẩm trưng bày ở trung tâm này, một nông dân ngỏ ý đặt hàng anh làm 1 bộ dùng thử. Phấn khởi vì có người trân trọng thiết bị mình tốn công sức chế tạo, anh Hưng đã tiến hành gia công 10 bộ sản phẩm. Bộ sản phẩm đầu tiên anh bán với giá gốc, số còn lại anh tặng cho bạn bè, người quen sử dụng và quay clip sử dụng sản phẩm này giới thiệu trên YouTube.

Anh Nguyễn Văn Hưng trình diễn leo dừa bằng bộ leo dừa ngồi
Anh Nguyễn Văn Hưng trình diễn leo dừa bằng bộ leo dừa ngồi

Nhớ lại những khó khăn đã trải qua trong bước đầu khởi nghiệp, anh Hưng cho biết vợ chồng anh phải đi thuê xưởng cơ khí và máy móc để tự gia công, chế tạo thiết bị theo giờ. Thời điểm đó, vợ chồng anh ngày vẫn đi làm ở cơ quan, buổi chiều tối lại cùng nhau đến xưởng gia công làm thêm từ
18-23 giờ mới về nhà nghỉ. Lúc đầu, anh Hưng chỉ nghĩ đây là công việc nhất thời nhưng dần dần nhu cầu thị trường tăng lên, vợ chồng anh mới nghĩ đến việc mua máy móc, mở xưởng gia công tại nhà để tiết kiệm chi phí sản xuất.

Nghỉ việc nhà nước để chuyên tâm cho dự án khởi nghiệp là mở xưởng sản xuất riêng, chàng kỹ sư trẻ lại đối mặt với bài toán khó là đẩy mạnh khâu tiêu thụ sản phẩm. Vì sản phẩm này còn quá mới, tuy nhu cầu có nhưng không nhiều người biết đến để mua sử dụng. Anh Hưng không chỉ đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội mà nhiều lần điều khiển xe máy chở các bộ thiết bị trèo dừa xuống tận vườn dừa của nông dân các tỉnh Bến Tre, TP.Cần Thơ… thử nghiệm hái dừa cho bà con tận mắt chứng kiến.

Tình cờ có một ê-kíp thực hiện chương trình truyền hình thực tế ở tỉnh Bến Tre có hoạt động leo dừa biết đến sản phẩm do anh Hưng chế tạo nên gọi điện cho anh đặt hàng 1 bộ sản phẩm với yêu cầu nữ diễn viên, nữ MC cũng leo dừa được. Từ đó anh thường xuyên điều khiển xe máy chở sản phẩm về Bến Tre giới thiệu, thuyết phục được nhiều nông dân xứ dừa ủng hộ. Anh còn rất tích cực đem sản phẩm đi tham gia các cuộc thi về KH-CN, sáng chế để quảng bá sản phẩm. Nhờ vậy, nhiều đài truyền hình và phóng viên các báo tìm đến quay phim, phỏng vấn viết bài về sáng kiến khoa học có tính ứng dụng thực tế cao này.

Tuy nhiên, theo anh Hưng, bán hàng cho nông dân không dễ vì họ rất khó thay đổi quan niệm là phải xem tận mắt, thử nghiệm mới thuyết phục được. Theo cách hữu xạ tự nhiên hương, sản phẩm của anh dần được khách hàng trên cả nước biết tiếng.

Với quan điểm tự tạo ra nhu cầu cho khách hàng, anh Hưng tiếp tục cải tiến và ứng dụng thiết bị của mình vào nhiều hoạt động khác như: leo cột điện, cột sắt, cột bê tông trong xây dựng, sửa chữa điện, thi công điện năng lượng mặt trời, việc chỉnh trang ở các sân golf, cung cấp cho công ty cây xanh, các resort…

Anh Hưng chia sẻ, giải thưởng lớn nhất của anh là được hàng chục ngàn hộ nông dân trên cả nước ủng hộ mua sản phẩm. Ngoài ra, sản phẩm do anh Hưng chế tạo còn được nông dân trồng dừa ở các nước: Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, xa hơn là được kiều bào ở Mỹ, Australia, Canada… tìm mua.   

Ngoài xưởng cơ khí sản xuất các thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, anh Nguyễn Văn Hưng còn làm Giám đốc Công ty CP Kiểm định an toàn Đồng Nai, chuyên về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp kiểm định thiết bị. Dù bận rộn nhưng chàng trai năng động này vẫn dành thời gian nghiên cứu cho ra đời những sáng chế mới. Anh đang chuẩn bị cung cấp ra thị trường máy tách vỏ dừa khô. Anh còn dự kiến làm ra các thiết bị như: dụng cụ tách cơm dừa, máy vặt hạt điều... đáp ứng các yêu cầu về thiết bị dễ sử dụng, an toàn với giá cả hợp túi tiền nông dân.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều