Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện ông Hùng bán chuối cho Hàn Quốc

06:02, 03/02/2021

HTX Thanh Bình (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) mới được thành lập 2 năm nhưng đã xuất khẩu mặt hàng chuối tươi và các nông sản chế biến vào nhiều thị trường khó tính. Ấn tượng là sản phẩm xuất khẩu bằng tên tuổi trang trại chuối Thanh Bình được người tiêu dùng thế giới công nhận và tin tưởng vào uy tín, chất lượng.

HTX Thanh Bình (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) mới được thành lập 2 năm nhưng đã xuất khẩu mặt hàng chuối tươi và các nông sản chế biến vào nhiều thị trường khó tính. Ấn tượng là sản phẩm xuất khẩu bằng tên tuổi trang trại chuối Thanh Bình được người tiêu dùng thế giới công nhận và tin tưởng vào uy tín, chất lượng.

Ông Lý Minh Hùng (thứ ba từ trái qua) đưa doanh nghiệp đối tác thăm mô hình sản xuất chuối sạch của HTX Thanh Bình
Ông Lý Minh Hùng (thứ ba từ trái qua) đưa doanh nghiệp đối tác thăm mô hình sản xuất chuối sạch của HTX Thanh Bình

Người thành lập HTX Thanh Bình là ông Lý Minh Hùng, nông dân đi lên từ ruộng vườn với khát vọng xuất khẩu nông sản mang thương hiệu riêng của vùng đất quê mình.

* Nông dân cầu toàn

Quê gốc ở tỉnh Bắc Giang, ông Lý Minh Hùng từng phiêu bạt khắp nơi làm thuê làm mướn rồi mới về xã Thanh Bình. Ông Hùng tự nhận mình là nông dân bình thường như những nông dân khác nhưng chỉ có một khác biệt là ông có tính cầu toàn, làm gì cũng ghi chép lại để có cơ sở đối chiếu, kiểm tra xem mình sai ở khâu nào, chỗ nào cần thay đổi, cải thiện. Chính vì vậy, làm việc với ai, ông đều học những cái hay của họ.

Ông là nông dân trồng chuối đi tiên phong ở vùng Thanh Bình ký kết với doanh nghiệp (DN) bao tiêu nông sản theo chuỗi liên kết vì rất sợ trồng không bán được hàng. DN rút lui vì chương trình không hiệu quả nhưng ông Hùng đã học được của DN này về sự chuyên nghiệp trong sản xuất chuối sạch theo quy trình khép kín với chất thải hữu cơ trong sản xuất được tận dụng làm phân bón lại cho vườn chuối.

Hiện HTX Thanh Bình có 10 thành viên với tổng diện tích 70ha trồng chuối. Ngoài ra, HTX còn bao tiêu đầu ra cho nhiều nông dân trong vùng. Hiện HTX đang triển khai kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến đồng bộ gồm: dây chuyền chế biến, hệ thống cấp đông, dây chuyền chế biến rác thải hữu cơ từ nguồn sơ chế, chế biến nông sản thành nguồn phân hữu cơ, kho bảo quản xử lý sau thu hoạch, kho ủ chuối thương phẩm... ngay tại vùng sản xuất. HTX cũng sẽ đẩy mạnh liên kết với các hộ nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu chế biến và xuất khẩu chuối tươi sang các nước.

Là nông dân sản xuất giỏi, năm 2018, ông Hùng được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ đi học hỏi, tham quan ở Hàn Quốc. Chuyến đi đó đã cho ông sự thay đổi hẳn về nhận thức. Ông Hùng chia sẻ: “Ở Hàn Quốc, từ sâm họ chế biến ra rất nhiều sản phẩm. Tôi tự đặt câu hỏi tại sao mình không làm được như họ trong khi có sẵn một vùng nguyên liệu chuối rất ngon, dồi dào, nhất là nguồn chuối dạt sau khi đóng hàng xuất khẩu hầu như bị đổ bỏ rất lãng phí”.

Chính sự đau đáu về lời giải cho bài toán khó này đã đưa ông đến quyết định đi vận động nhiều nông dân khác thành lập HTX Thanh Bình. Năm 2018, HTX Thanh Bình được thành lập khi ông đã ở tuổi 48. Độ tuổi này mới bắt tay khởi nghiệp với ngành chế biến và hầu như không có nguồn vốn trong tay là khá muộn màng, lại ở lĩnh vực tốn kém và nhiều rủi ro, nhưng ông luôn có niềm tin vững chắc nếu có tâm huyết và lúc nào cũng làm bằng nhiệt huyết con tim thì sẽ đạt được.

Ông Hùng lên mạng tìm hiểu về các DN trong lĩnh vực chế biến nông sản từ Nam ra Bắc. Có danh sách DN trong tay, ông đến từng DN tìm hiểu nhưng hầu như không DN nào muốn tiếp. Không nản lòng, đến đâu ông cũng thật thà chia sẻ về mong muốn học cách chế biến nông sản. Ông Hùng kể: “Đi tìm hiểu ở nhiều DN, cũng có DN quan tâm đến câu chuyện của tôi và sẵn sàng chia sẻ cách làm với những nông dân thật tình như tôi. Tôi xin tham gia một khâu trong quy trình chế biến của họ. Họ không tin tôi làm được, tôi xin họ cho mình thời gian”.

Những ngày đầu khởi nghiệp, ông Hùng đối mặt với thất bại nhiều hơn thành công. Trong 3 tuần thử chế biến, ông lỗ 19 triệu đồng và làm không ra thành phẩm. Rất nhiều lần chế biến ra sản phẩm ông đều đem đi hủy vì không muốn làm ra sản phẩm chỉ ở mức tạm chấp nhận được. Đi đâu ông cũng mua sản phẩm chế biến ở các nơi về ăn thử vừa ngẫm nghĩ về cách người ta làm trước khi bắt tay vào thử nghiệm. Khoảng 2-3 giờ sáng mỗi ngày, ông Hùng thức dậy pha bình trà uống, ngồi ngẫm nghĩ về cách chế biến.

Theo ông Hùng: “Tốt về lý thuyết nhưng luôn cần thử nghiệm trong thực tế. Mỗi mẫu sản phẩm làm ra, tôi đều lưu mẫu để kiểm tra xem bao lâu sản phẩm biến màu, bao lâu hư hại để công bố thời hạn sử dụng cho hiệu quả. Công sức, chất xám tôi bỏ ra rất khó định lượng được”.

* Làm thương hiệu cho chuối Thanh Bình

HTX cũng đã đầu tư được nhà sơ chế, chế biến quy mô 500m2  cùng hệ thống dây chuyền thu hoạch chuối, 1 máy chế biến nông sản khô, 1 máy chế biến dẻo các loại nông sản, hệ thống kho lạnh. Sản phẩm chế biến của HTX cũng khá đa dạng như: chuối già lùn sấy dẻo, sấy giòn, xoài, mít, thơm, đậu… Ngoài ra, HTX đang thử nghiệm chế biến bột chuối sử dụng cho người, bột chuối làm thức ăn gia súc vì tiềm năng xuất khẩu của dòng hàng này rất lớn. “Danh sách các sản phẩm của HTX sẽ tiếp tục nối dài, mục đích của tôi là sẽ không bỏ một bộ phận nào của cây chuối vì thân cây chuối cũng có thể chế biến thành thực phẩm cao cấp...” - ông Hùng nói.

Kể câu chuyện xuất khẩu nông sản, ông Hùng trải lòng, khó khăn bước đầu là phải chứng minh được với khách hàng sản phẩm của HTX an toàn. Ban đầu, nhiều khách nước ngoài còn chưa tin tưởng, ông đến tận sân bay đón rồi đưa họ về xưởng sản xuất để họ biết về điều kiện, cách làm của HTX.

Sản phẩm của HTX Thanh Bình tham gia hội chợ xúc tiến thương mại
Sản phẩm của HTX Thanh Bình tham gia hội chợ xúc tiến thương mại

Khởi động vụ chuối xuất khẩu đầu năm 2021, HTX Thanh Bình có nhiều đơn hàng từ 3-4 ngàn tấn hàng/năm với một số khách hàng Hàn Quốc. Dự kiến trong quý I-2021, HTX sẽ xuất khẩu đơn hàng đầu tiên vào thị trường châu Âu. Do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến vận chuyển tàu biển nên đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu của ông Hùng từng bị hoãn lại 2 lần. Trong năm 2020, một số đơn hàng xuất khẩu của HTX cũng bị đình đốn nhưng theo ông Hùng, đây vẫn là năm xuất khẩu tương đối thành công. Điều giúp HTX vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục là HTX có được những khách hàng gắn bó.

Chia sẻ về bài học chắt lọc được trong quá trình xuất khẩu nông sản, ông Hùng tâm sự: “Tôi biết những khách hàng người Nhật, người Hàn làm ăn với những đối tác từ đời cha sang đời con, đời cháu và người ta chia sẻ với nhau mọi thông tin, kể cả về lợi nhuận. Họ giữ được mối quan hệ làm ăn lâu bền đó bằng lòng tin. Tôi học cách làm thật của họ và luôn làm từ trái tim”.

Ngay từ khi mới đưa sản phẩm ra thị trường, ngoài công bố thành phần sản phẩm, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố chất lượng, ông Hùng cũng đầu tư đồng bộ nhãn hàng, logo, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền… Ông rất chú trọng đầu tư bao bì, đóng gói vì đây là khâu có ý nghĩa quyết định trong xây dựng thương hiệu, đại diện cho hình ảnh, tên tuổi của HTX trên thị trường.

Logo sản phẩm của HTX Thanh Bình mang ý nghĩa về một vùng nguyên liệu an toàn, yên ả, nông sản sạch và ngon. “Tôi tự tin ăn trái chuối cả vỏ vì chuối tôi sạch, an toàn. Quan điểm của tôi về nhãn hàng, thương hiệu là phải có sự tự tôn, chuối của tôi phải mang tên tôi. Siêu thị đặt hàng nhiều nhưng không để tên tôi trên sản phẩm tôi sẽ không bán. Nhiều đơn hàng, tôi chấp nhận bán giá rẻ hơn với điều kiện trên sản phẩm phải có logo của HTX” - ông Hùng chia sẻ.

Ông Lý Minh Hùng (thứ hai từ phải qua) giới thiệu với đoàn của Sở NN-PTNT về xưởng chế biến nông sản do HTX đầu tư
Ông Lý Minh Hùng (thứ hai từ phải qua) giới thiệu với đoàn của Sở NN-PTNT về xưởng chế biến nông sản do HTX đầu tư

Tuy nhiên, trong kinh doanh, ông Hùng lại có quan điểm rất linh hoạt, khách đặt hàng nông sản gì ông đều cố gắng tìm và cung cấp cho họ vì sản phẩm càng đa dạng thì rủi ro càng giảm. Theo ông Hùng, chuẩn bị để đàm phán với khách, ông luôn tìm hiểu về DN, nhất là văn hóa, vì nó dẫn đến thói quen thương mại của họ, để biết tiếp cận sao cho gần gũi với khách. “Tôi từng gặp khách người Anh, người Đức, họ đánh giá tôi là nông dân có nghệ thuật truyền cảm hứng khi giao tiếp, bán hàng” - ông Hùng vui vẻ khoe.

Nhiều người ngạc nhiên sao một ông nông dân lại tự xuất khẩu nông sản đi khắp nơi, vào được những thị trường khó tính như châu Âu. Nhưng với ông Hùng, làm nông dân chính là lợi thế vì ông thấu hiểu việc trồng ra trái chuối đạt chuẩn, hiểu quy trình đưa vào chế biến ra sao. Ông cũng luôn nhìn từ nhu cầu của khách hàng để đáp ứng chứ không phải trên quan điểm bán sản phẩm mình có.

Ông Hùng chia sẻ: “Là nông dân nhưng khi tiếp xúc với các đối tác DN lớn trong và ngoài nước, tôi luôn đặt mình ở thế ngang hàng với khách, thuyết phục họ bằng cái đúng, bằng chất lượng sản phẩm. Tôi luôn chuẩn bị kỹ để làm việc một cách chuyên nghiệp và thuyết phục khách hàng dựa trên cơ sở khoa học”.     

Lê Quyên

Tin xem nhiều