Những năm gần đây, giá cao su liên tục giảm sâu, diện tích khai thác không ổn định đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống việc làm của người lao động.
Những năm gần đây, giá cao su liên tục giảm sâu, diện tích khai thác không ổn định đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống việc làm của người lao động.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường và Ủy viên Ban TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo tặng bức trướng cho Tổng công ty Cao su Đồng Nai tại Đại hội Đảng bộ Tổng công ty Cao su Đồng Nai lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 |
Trước những khó khăn này, Tổng công ty (TCT) Cao su Đồng Nai đã bắt tay cải tổ toàn diện, từ nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây; gia tăng chế biến, phát triển sản phẩm mới và đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho đến tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống công nhân viên hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
* Cải tổ toàn diện
Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc TCT Cao su Đồng Nai cho biết, đơn vị đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm cao su trên thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao đời sống người lao động.
Trong quy hoạch sử dụng đất, dự kiến đến năm 2030, TCT Cao su Đồng Nai sẽ chuyển đổi tổng cộng hơn 18 ngàn ha từ quỹ đất cao su sang trồng cây nông nghiệp ngoài cây cao su; phát triển các khu, cụm công nghiệp; phát triển khu dân cư và công trình hạ tầng. |
Cụ thể, đối với diện tích đất cao su, TCT xây dựng phương án và thực hiện chuyển đổi dần từ giống cây năng suất thấp sang giống có năng suất cao hơn, đảm bảo mật độ và độ đồng đều ở vườn cây tái canh. Linh hoạt chế độ cạo và thực hiện các giải pháp cải thiện năng suất ở vườn cây khai thác. Đối với vườn cây trồng trên đất xấu, đơn vị chuyển dần sang đất rừng hoặc trồng cây lâu năm kết hợp với cao su lấy gỗ, hợp tác với doanh nghiệp thực hiện các dự án nông nghiệp công nghệ cao trên đất cao su theo chủ trương của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và quy hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Để gia tăng sản lượng, nâng chất lượng, TCT đẩy mạnh thu mua mủ cao su tiểu điền, đầu tư dây chuyền sản xuất mới để nâng công suất chế biến của các nhà máy. Cùng với đó, nghiên cứu và phát triển các loại sản phẩm mủ cao su có giá trị kinh tế cao như: SVR5, 5S và 10; CV50, 60, Latex HA. Triển khai hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 đến từng nông trường; tái thiết lập chứng chỉ FSC (chứng chỉ quốc tế về quản lý và khai thác rừng bền vững) để phát triển thị trường mới là Nga, Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông. Hợp tác với doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ để nâng tỉ trọng tiêu thụ gỗ cao su tinh chế.
Trong điều kiện nhân sự ngành cao su có nhiều biến động, TCT Cao su Đồng Nai đã bỏ cấp đội tại các nông trường, thực hiện mô hình quản lý 3 cấp, sáp nhập các nông trường, phòng, ban, xí nghiệp để giảm bớt đầu mối, giảm tỷ lệ lao động gián tiếp từ 14,5% năm 2020 xuống còn 9% vào năm 2021. Cùng với đó, TCT thực hiện trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo, quản lý; chú trọng đào tạo nâng cao trình độ tay nghề, gia tăng chế độ phúc lợi và đổi mới hình thức khen thưởng để giữ chân và thu hút người lao động.
* Phát triển cao su bền vững
Theo lãnh đạo TCT Cao su Đồng Nai, trong 7 ngành nghề được phép kinh doanh của TCT thì khai thác và chế biến mủ vẫn chiếm ưu thế, khoảng 70%. Do đó, thời gian tới, TCT sẽ tập trung các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và phát triển cao su bền vững.
Chế biến mủ cao su thiên nhiên xuất khẩu |
Trong điều kiện thị trường nguyên liệu cao su trong nước và thế giới đang có sự dịch chuyển sang các sản phẩm thiên nhiên có hàm lượng công nghệ, có giá trị gia tăng, thân thiện với môi trường và không làm tổn hại đến cộng đồng, TCT tiếp tục chăm sóc diện tích rừng FSC; thiết lập các chứng chỉ chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Để đảm bảo mục tiêu đến năm 2023, năng suất vườn cây cao su ở Đồng Nai đạt 2 tấn/ha, TCT đang đẩy manh đầu tư vườn cây kiến thiết cơ bản năm 1, 2, 3, đáp ứng tiêu chí mật độ 500 cây/ha, tỷ lệ đồng đều đạt trên 70%.
Về lĩnh vực chế biến, từng bước chuyển từ sản xuất, kinh doanh cao su thiên nhiên sơ chế sang sản phẩm cao su tinh chế, ứng dụng cho các ngành Công nghiệp, Y tế và Dân dụng. Xây dựng thương hiệu sản phẩm cao su Đồng Nai. Cùng với đó, TCT phát triển chế biến và xuất khẩu gỗ cao su.
Khai thác mủ cao su |
Bên cạnh lĩnh vực thế mạnh, ngành Cao su gia tăng phát triển dịch vụ bất động sản khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, TCT mở rộng 2 khu công nghiệp Dầu Giây và Long Khánh; làm chủ đầu tư hạ tầng một số khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp mới của tỉnh; hình thành các công ty, dịch vụ chuyên sâu về nông nghiệp như: công ty sản xuất giống và cây trồng; công ty cung ứng dịch vụ cơ giới, vận chuyển; dịch vụ khoán trồng và chăm sóc cây cao su nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ủy viên Ban TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo cho rằng, để hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững, thời gian tới, TCT Cao su Đồng Nai cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ: đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh; ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm. Trong lĩnh vực trồng trọt, quan tâm nâng cao năng suất vườn cây và hiệu quả sử dụng đất. Phát triển đa ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, không đầu tư dàn trải. Trong chế biến, ưu tiên phát triển các sản phẩm mủ và gỗ tinh chế, có giá trị cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xem công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt đảm bảo cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.
TCT Cao su Đồng Nai đang được giao quản lý hơn 46,7 ngàn ha, trong đó tại Đồng Nai có hơn 30,7 ngàn ha. Năm 2020, TCT đã thực hiện khai thác được 28,2 ngàn tấn mủ, đạt 100% kế hoạch; thu mua được 6,5 ngàn tấn mủ, đạt 186% kế hoạch; tổng sản lượng tiêu thụ 37,9 ngàn tấn, đạt 119% kế hoạch. Duy trì việc làm cho hơn 4,3 ngàn lao động với mức thu nhập bình quân đạt hơn 9,5 triệu đồng/người/tháng. |
Ban Mai