Nếu kỳ tích á quân châu Á năm 2018 của U.23 Việt Nam trên tuyết trắng Thường Châu, Trung Quốc là "câu chuyện cổ tích", ít nhiều còn hoài nghi "hiện tượng nhất thời"; thì chuỗi thành tích có hệ thống tiếp nối sau đó: vào bán kết Asiad, vô địch AFF Cup sau 1 thập kỷ vào cuối năm và sang năm 2019 là vào tứ kết Giải vô địch châu Á, dẫn đầu bảng vòng loại World Cup rồi hoàn thành giấc mơ "60 năm cuộc đời" HCV SEA Games, không còn là câu chuyện phong độ bất ngờ nữa mà rõ ràng đã thực sự là đẳng cấp.
Nếu kỳ tích á quân châu Á năm 2018 của U.23 Việt Nam trên tuyết trắng Thường Châu, Trung Quốc là “câu chuyện cổ tích”, ít nhiều còn hoài nghi “hiện tượng nhất thời”; thì chuỗi thành tích có hệ thống tiếp nối sau đó: vào bán kết Asiad, vô địch AFF Cup sau 1 thập kỷ vào cuối năm và sang năm 2019 là vào tứ kết Giải vô địch châu Á, dẫn đầu bảng vòng loại World Cup rồi hoàn thành giấc mơ “60 năm cuộc đời” HCV SEA Games, không còn là câu chuyện phong độ bất ngờ nữa mà rõ ràng đã thực sự là đẳng cấp.
Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tự hào: “Việt Nam đang có lớp cầu thủ tài hoa, bản lĩnh và đầy khát vọng”. Nhưng tại sao, chúng ta từng có những thế hệ được coi là “vàng” mà suốt 1/4 thế kỷ trước đó, với 8 đời thầy ngoại từ Âu đến Á, đều chưa từng làm được như thế? Câu trả lời: Thật may mắn, bóng đá Việt Nam có HLV Park Hang-seo! Trong hình hài một con người bình dị, ông sinh ra như để dành cho bóng đá Việt Nam và ngược lại. Với việc chấm dứt cơn khát vàng tại SEA Games sau 6 thập kỷ chờ đợi nhà cầm quân người Hàn thực sự trở thành một HLV “huyền thoại” ở đất nước hình chữ S.
* Kỹ năng quản lý
“Cầu thủ Việt Nam không hề biết rằng mình chất lượng như thế nào, họ không biết tiềm năng của họ rất tốt cả trong so sánh với Thái Lan, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Điều đó khiến họ mất tự tin. Họ từng rất tự ti nhưng lúc nào cũng muốn chơi như… Barca. Tư tưởng cầu thủ Việt Nam nhỏ người nhưng kỹ thuật nên phải đá tấn công, ban bật ngắn, nhuần nhuyễn “như Barca” không biết từ khi nào đã ghim sâu vào não bộ của không chỉ các cầu thủ, mà còn cả những CĐV, nhà quản lý trong một thời kỳ dài. Điều tôi phải làm là giúp họ kiểm soát được trạng thái tinh thần. Họ phải tìm thấy sự tự tin ở chính mình. Sau đấy, tôi nhận ra cầu thủ Việt Nam giống như những miếng bọt biển. Họ tiếp thu kiến thức mới rất nhanh, họ luôn sẵn sàng học hỏi những điều mới lạ. Khi họ không biết một điều gì đó và được tôi giảng giải, họ luôn nói rằng “Ồ, thì ra là thế”! HLV Park trả lời phỏng vấn Fourfourtwo |
Đó là chìa khóa thành công với bóng đá Việt Nam của HLV Park được “Phù thủy trắng”, từng dẫn dắt 6 đội tuyển quốc gia, Philippe Troussier, gói gọn. Chiến lược gia lừng danh người Pháp cho rằng ông Park đã đánh thức tiềm năng của bóng đá Việt Nam bằng cách khai thác đến tột cùng năng lực của thế hệ đầy tài năng.
Nhà cầm quân xứ kim chi nhiều lần khẳng định với ông, yếu tố đầu tiên làm nên thành công của một đội bóng là tính kỷ luật. Sau đó là sức mạnh thể chất và tinh thần. Sức mạnh thể chất ở đây gồm: thể lực, sức bền, sức chịu đựng, tốc độ. U.23 và tuyển Việt Nam hiện tại của Park có thể không tấn công bắt mắt như những bậc đàn anh trong quá khứ, song chưa từng đi bộ khi trận đấu về cuối, ngược lại càng đá càng khỏe, càng biết cách dồn ép đối thủ và chưa từng bỏ cuộc. Tất cả 3 trận đấu ở vòng knock-out tại VCK U.23 châu Á 2018 đều là cuộc đua thể lực căng thẳng đến 120 phút là minh chứng.
Còn sức mạnh tinh thần gồm cả tính tập trung cao nhất trong tập luyện và thi đấu. Mỗi cá nhân phải tự đề cao tinh thần trách nhiệm và ý thức trước tập thể, không được có tư tưởng thỏa mãn, kiêu ngạo. Bên cạnh đó là sự tự tin không ngán đối thủ nào, không dao động, buông xuôi trong mọi hoàn cảnh. Đây là khác biệt giữa thế hệ cầu thủ Việt Nam hiện tại được ông Park đào luyện so với các đàn anh trong quá khứ. Một thế hệ biết đá bằng cái đầu chứ không chỉ là đôi chân và trái tim. Nhật báo nổi tiếng Siamsport của Thái Lan thán phục: “Ở mỗi trận đấu, Việt Nam luôn vào sân thi đấu với sự khao khát, bất kể đối thủ là ai. Các cầu thủ luôn tràn đầy quyết tâm giành chiến thắng, dù cho đối thủ có trình độ cao hơn. Việt Nam không hề e ngại trước sức mạnh hay tên tuổi của đối thủ mà họ gặp”.
* Tài cầm quân thao lược
Nhưng những yếu tố nói trên mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để tạo nên một đội bóng mạnh là việc thực hiện chiến thuật. Chưa một lứa cầu thủ nào trong lịch sử tạo ra sự yên tâm hơn thế hệ hiện tại. Một người hâm mộ bình thường cũng có thể nhắm mắt chỉ ra 5 vị trí đá chính ở hàng phòng ngự, song đối thủ vẫn không sao tìm ra được cách khoan phá.
Từ bỏ cách chơi 4 hậu vệ truyền thống quen thuộc, HLV Park đã làm cuộc cách mạng với 2 đội tuyển của Việt Nam bằng sơ đồ 3 trung vệ. Đội hình chiến thuật này vừa bịt kín được những khoảng trống, vừa đảm bảo sự an toàn trong việc triển khai tấn công. 5 cầu thủ dù thường xuyên ở tuyến dưới nhưng lại mang đến nhiều phương án triển khai bóng tấn công hơn, thay vì phất dài mặc kệ cho tiền đạo.
Song chiến thuật là tĩnh, con người mới là động. Sự gắn kết của tập thể mới là yếu tố quan trọng nhất. Ông Park nói: “Với tôi, sơ đồ nào không quan trọng mà quan trọng là phải thích hợp cho từng đối thủ. Tùy vào phong cách của từng đội bóng mà chúng ta đối đầu, 3-4-3 có thể chuyển hóa thành 3-5-2, thậm chí 4-4-2. Ngoài ra cũng còn phải tùy thuộc vào nhân lực hiện có trong tay để áp dụng đấu pháp một cách linh hoạt nhất có thể”. Biết mình, biết người và khả năng đọc trận đấu tuyệt vời là “binh pháp” vậy. Nếu trước đây, tuyển Việt Nam rất “mong manh” vì rất dễ bị “bắt bài” thì bây giờ lại cực giỏi trong việc “đọc vị”, phá lối chơi đối phương, buộc họ đá theo ý mình và tận dụng, trừng phạt sai lầm, dù nhỏ nhất của đối thủ. Cũng không hề bảo thủ, ông Park luôn suy nghĩ làm mới mình và các học trò. Bóng bổng và “cơn ác mộng” tình huống cố định của Indonesia ở trận chung kết SEA Games là điển hình.
* Một người cha phương Đông
Không chỉ đơn thuần là HLV, thầy Park tạo không khí đội bóng như một gia đình, nơi mọi người đều yêu thương nhau, cùng nhìn vệ một hướng. Ông sẵn sàng tranh cãi quyết liệt, lao ra phản ứng trọng tài để bảo vệ các học trò. Ở trận chung kết SEA Games 30, khi HLV Park bị truất quyền chỉ đạo, gần 10 ngàn người hâm mộ Việt Nam có mặt trên sân Rizal Memorial đã đồng thanh hô lớn liên hồi không ngớt “Park Hang-seo, Park Hang-seo”. Hình ảnh cho thấy ông được yêu mến đến dường nào. Chưa từng có 1 HLV nước ngoài nào, ngay cả A.Riedle nhận “Việt Nam là quê hương thứ hai”, khi chào cờ trước trận đấu nghiêm trang áp tay lên ngực và hôn lên lá quốc kỳ Việt Nam trên áo, như ông Park. “Tôi là HLV và đã trải qua nhiều giải đấu quốc tế nhưng làm ở Việt Nam rất đặc biệt. Tôi yêu Việt Nam rất nhiều và muốn mang những danh hiệu đến cho người hâm mộ như trách nhiệm của mình phải thực hiện” - ông Park nói và không ngừng khẳng định một cách rất “đắc nhân tâm” của người phương Đông: “Chiến thắng là tinh thần Việt Nam. Tôi không nghĩ mình là người giúp bóng đá Việt Nam phát triển. Tất cả là nhờ các CLB, các HLV trước đây”…
Có thể nói Park Hang-seo đã là một phần của bóng đá Việt Nam, và ngược lại. Cùng với nhà cầm quân xứ kim chi cầm tinh Mậu Tuất xuân này bước qua lục thập, bóng đá Việt Nam còn sẽ tiếp tục nối dài những ngày vui.
Cầu thủ Nguyễn Trọng Hoàng: “Thầy Park chính là người tạo nên sự thay đổi nhiều nhất cho tôi. Từ chỗ là cầu thủ chơi tấn công, thầy Park đã khiến tôi trở thành một hậu vệ cánh. Thầy chỉ cho tôi cách di chuyển, bắt người khi đá ở vai trò mới. Ông là một HLV cầu kỳ trong chiến thuật. Trước khi bước vào trận đấu, thầy Park tìm hiểu rất nhiều về đối thủ: cách chơi, cách di chuyển, các sơ đồ chiến thuật của đối thủ, con người... để nghĩ ra cách đối phó. Trong đó tập trung vào 2 điều: làm sao khắc chế được lối chơi của đối thủ và tấn công vào khoảng trống mà đối thủ lộ ra. Nhưng quan trọng hơn, thầy là người rất gần gũi với cầu thủ. Ông nói chuyện với chúng tôi suốt ngày. Thường sau 22 giờ, toàn đội sẽ sang phòng bác sĩ uống sinh tố, rồi thầy sang phòng để nói chuyện với mọi người. Ông còn quan tâm cả đến gia đình của từng cầu thủ. Ông thường tặng quà cho chúng tôi, lúc thì sâm, lúc là đôi đũa kiểu Hàn... Biết vợ tôi chuẩn bị sinh, ông bắt tôi dẫn đi mua mỹ phẩm mà vợ tôi thích và quần áo trẻ em: “Em dẫn tôi đi mua, tôi trả tiền”. Những điều đó đã khiến chúng tôi như một gia đình. Trước trận chung kết (SEA Games 30 - NV), thầy Park cũng rất hồi hộp. Gặp các cầu thủ ở thang máy khi chuẩn bị ra sân, ông cầm lấy tay tôi rồi đặt lên ngực mình và hỏi tôi thấy gì không. Lúc đó, tôi thấy tim ông đập rất mạnh. Trường Xuyên (ghi) |
Đông Kha