Từng bỏ ngang đại học để đi học nghề đầu bếp, cậu học trò lớp chuyên sử Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (khóa 2004-2007) Nguyễn Đông Thức đã làm cả gia đình, bạn bè không khỏi sửng sốt, bất ngờ với quyết định quá tạo bạo và liều lĩnh này.
Từng bỏ ngang đại học để đi học nghề đầu bếp, cậu học trò lớp chuyên sử Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (khóa 2004-2007) Nguyễn Đông Thức đã làm cả gia đình, bạn bè không khỏi sửng sốt, bất ngờ với quyết định quá tạo bạo và liều lĩnh này.
Anh Nguyễn Đông Thức giới thiệu món cơm tấm Việt Nam cho bạn bè quốc tế |
Đến khi anh Nguyễn Đông Thức thành công với nghề đầu bếp tại một số nhà hàng 5 sao ở Việt Nam hay trên tàu du lịch 5 sao của Ý và hiện là một trong những đầu bếp chính của một nhà hàng lớn ở bang New South Wales của Úc, anh đã thực sự chứng minh cho mọi người thấy sự lựa chọn của mình không sai.
* Quyết định bất ngờ
Anh Nguyễn Đông Thức lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở xã Gia Tân (huyện Thống Nhất). Cha làm nghề thợ mộc, mẹ làm giáo viên tiểu học, thu nhập chỉ đủ sống. Để có tiền theo học ngành quản trị du lịch Trường đại học Hồng Bàng (TP.Hồ Chí Minh), anh đã phải làm nghề phục vụ tại các nhà hàng vào buổi chiều và tối để kiếm thêm thu nhập.
“Tôi luôn tâm niệm “không có gì” chính là cơ hội và lý do tốt nhất để “có mọi thứ” bởi vì không có gì là không thể với một người luôn biết cố gắng” - anh Nguyễn Đông Thức chia sẻ. |
Trong quá trình làm việc, anh nhận thấy những người làm phục vụ biết tiếng Anh có mức lương cao hơn hẳn. Từ đó, anh bắt đầu chú tâm đến việc học ngoại ngữ và quyết định xin vào làm việc cho một nhà hàng Singapore ở quận 1 (TP.Hồ Chí Minh) để vừa làm vừa có cơ hội rèn luyện tiếng Anh tốt hơn.
Đến năm 2008, trong một lần nhà hàng này đông khách, một người bếp trưởng quốc tịch Singapore đã đề nghị anh Thức vào làm phụ bếp. Thời gian đầu làm bếp, anh cũng lóng ngóng cắt trúng tay mấy lần và những lần như vậy có người chê bai nói anh không hợp với nghề này.
Nguyễn Đông Thức và công việc hằng ngày tại nhà hàng Freshwater Grill tại bang New South Wales, Úc |
Tuy nhiên, bếp trưởng và bếp phó vẫn cho anh cơ hội 1 tháng để làm quen và cuối cùng anh đã vượt qua. Chỉ trong vòng 1 năm học nấu, anh được lên làm bếp chính trước sự sửng sốt của nhiều người (vì thông thường phải mất từ 2-3 năm mới có thể làm bếp chính của một nhà hàng lớn). Năm đó, anh được giải nhân viên xuất sắc nhất và được thưởng một chuyến du lịch ở Singapore.
“Trước đây, thu nhập từ tiền phục vụ nhà hàng không đủ để tôi trang trải cuộc sống, có lúc cần tiền đóng học tôi còn phải đi bán máu. Tôi thường giấu gia đình về những khó khăn này vì không muốn cha mẹ phải lo lắng thêm. Khi lên làm bếp chính, thu nhập của tôi cũng khá. Mức lương thời điểm đó là 4,5 triệu đồng/tháng đủ để trang trải chi phí học hành.” - anh Thức kể.
Khi lên làm bếp chính, công việc khá áp lực đòi hỏi anh phải làm việc từ 5 giờ chiều đến 3 giờ sáng. Hầu như đêm nào anh cũng phải kê ghế ngủ luôn tại nhà hàng rồi sáng lại dậy đi học ở trường. Đến năm 2009, khi bước vào năm thứ 3 đại học, chương trình học ngày càng nặng, các môn học ngày càng nhiều, anh thấy sức mình không kham nổi. Do đó, khi đứng trước "ngã ba đường": tiếp tục học cho xong để lấy bằng đại học và chuyện mưu sinh, anh đã quyết định bỏ học để đi làm.
Anh Thức tâm sự, lúc đó gia đình phản đối kịch liệt, thậm chí cấm anh về nhà. Tuy nhiên, khi quyết định rời bỏ giảng đường để trở thành đầu bếp chuyên nghiệp anh đã cân nhắc rất kỹ ngoài mục đích kiếm thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống, anh còn thấy nghề này có nhiều triển vọng vì dễ xin việc làm (nghề đầu bếp đang là một trong những nghề khá hấp dẫn ở nhiều nước trên thế giới), có công việc ổn định và thu nhập đặc thù tỷ lệ thuận theo năng lực, tay nghề và kỹ thuật.
* Hành trình từ tàu du lịch 5 sao đến Úc
Những năm đầu mới theo nghề đầu bếp, anh Nguyễn Đông Thức đã thử sức làm đầu bếp ở đủ các môi trường khác nhau từ nhà hàng Singapore, nhà hàng Nhật Bản, nhà hàng mang phong cách châu Âu đến quán ăn, quán bún riêu bình dân... để học hỏi kinh nghiệm làm việc, kỹ thuật chế biến thực phẩm và phong cách ẩm thực để trau dồi kiến thức cho bản thân.
Là đầu bếp chuyên nghiệp, Nguyễn Đông Thức không chỉ nấu ăn ngon, mà còn trình bày món ăn khá đẹp mắt |
“Giai đoạn này cực khổ và gian nan nhất. Nếu không đặt mục tiêu tích lũy kinh nghiệm quan trọng hơn cả tiền lương thì rất dễ nản chí và bỏ cuộc” - anh Thức tâm sự.
Vào thời điểm đó, anh xác định phải học hỏi nhằm có kinh nghiệm đa dạng để có thể xin việc ở môi trường tốt hơn và thỏa thuận lương bổng dễ dàng hơn. Khi tích lũy được kinh nghiệm, cùng với khả năng ngoại ngữ tốt, anh đã xin được việc làm đầu bếp trên tàu du lịch 5 sao của Ý.
Trong giai đoạn 4 năm sau đó, anh được làm việc trên nhiều chuyến tàu du lịch 5 sao của Ý như: Costa Atlantica, Costa Pacifica, Costa Neo Romantica... Giai đoạn này, anh được di chuyển liên tục qua hơn 53 quốc gia, trải dài từ châu Âu, Nam Mỹ, Bắc Phi sang châu Á.
Quá trình làm việc trên tàu biển khá vất vả vì ngoài công việc như một đầu bếp, anh còn phải kiêm nhiệm vụ như một thủy thủ, trải qua huấn luyện trong các trường hợp khẩn cấp và sự cố trên biển... Mặc dù vậy, niềm vui được đi khắp nơi, vừa làm việc vừa tham quan tìm hiểu văn hóa, lịch sử các miền đất được đặt chân tới; gặp gỡ và giao lưu với bạn bè đồng nghiệp từ khắp các nước trên thế giới đã mang đến cho anh những trải nghiệm khó quên và tích lũy nhiều kỹ năng, kinh nghiệm hữu ích cho nghề nghiệp sau này.
Món rau luộc chấm mắm quẹt và bò kho me được trình bày đẹp mắt |
Sau nhiều năm làm việc trên tàu du lịch 5 sao, anh Thức đã xây dựng được phong cách làm việc chuyên nghiệp, tác phong nhanh nhẹn, tay nghề “cứng cáp” hơn, có khả năng chế biến đa dạng các món ăn Âu - Á. Anh quyết định nghỉ việc để xin việc ổn định ở Úc.
Với kinh nghiệm và tay nghề chuyên nghiệp, anh đã thi đậu bằng nghề đầu bếp của Học viện William Angliss (có trụ sở tại TP.Melbourne, Úc). Đây là ngôi trường chuyên đào tạo và giáo dục nghề nghiệp về khách sạn, du lịch và nghệ thuật ẩm thực. Ngay sau đó, anh nhận được cơ hội làm việc cho nhà hàng Freshwater Grill tại bang New South Wales, Úc.
Việc trở thành một thành viên của cộng đồng địa phương toàn dân Úc “rặt” đã đem lại nhiều trải nghiệm thú vị cho bản thân anh, đặc biệt là trong công việc. Tại đây, anh thường xuyên giới thiệu những món ăn quen thuộc từ quê nhà cho người bản xứ. Người Úc thích ăn thịt nên những món như: bò kho me ăn với cơm nghệ vàng và gỏi dưa chuột, bánh phồng tôm hay dân dã hơn còn có thịt ba rọi kho trứng, cơm gà kho gừng cũng rất được ưa chuộng bên cạnh những món ăn quen thuộc khác của người bản xứ.
Báo chí địa phương ở bang New South Wales, Úc viết về đầu bếp người Việt Nguyễn Đông Thức |
“Hiện tôi đang có một thu nhập khá ổn, giúp cha mẹ có cuộc sống đầy đủ hơn ở quê nhà. Tôi đã được thường trú tại Úc bằng chính tay nghề của mình vì người Úc họ rất coi trọng người có kỹ năng, lành nghề. Sắp tới, tôi sẽ cố gắng thực hiện ước mơ lái xe du lịch vòng quanh nước Úc để tìm hiểu văn hóa, lối sống và ẩm thực khắp các vùng miền. Chuyến đi này ngoài việc trải nghiệm cuộc sống ở các vùng miền của nước Úc, còn có mục đích việc tìm một địa điểm ưa thích để định cư, mở một quán ăn Việt Nam và viết một quyển sách về hành trình trên lục địa Úc” - anh Thức chia sẻ.
Đối với anh Thức, cuộc sống là vậy, cũng như dòng chảy của con sông, nếu ta không có đủ sức chèo ngay giữa dòng - nơi nước chảy nhanh hơn thì nên chèo dọc hai bên bờ, dù tốn công và khó khăn hơn nhưng nếu giữ vững niềm tin, cố gắng không ngừng nghỉ và lạc quan thì đường nào cũng đến nơi, đôi khi bơi dọc ven bờ chậm rãi cũng có nhiều cái hay, nhiều điều để xem, để ngắm.
Ngọc Thư