Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ vọng về 'thành phố sân bay'

01:01, 16/01/2020

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) dự kiến sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2021. Chính vì vậy, năm 2020 được xem là năm "bản lề" để hoàn tất công tác chuẩn bị, nhất là việc thực hiện giải phóng mặt bằng cho phục vụ dự án.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) dự kiến sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2021. Chính vì vậy, năm 2020 được xem là năm “bản lề” để hoàn tất công tác chuẩn bị, nhất là việc thực hiện giải phóng mặt bằng cho phục vụ dự án.

Mô hình trung tâm văn hóa tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn
Mô hình trung tâm văn hóa tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn

“Siêu dự án” này được mong chờ sẽ là “cú hích” cho Đồng Nai và cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được quy hoạch và định hướng theo hình hài một “thành phố sân bay” đầu tiên của Việt Nam.

* Không chỉ là sân bay đơn điệu

Sân bay Long Thành nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam châu Á với các đường bay Đông - Tây, Bắc - Nam, thuận lợi cho việc trung chuyển hành khách, đi đến các châu lục như: châu Âu, Trung Đông, Nam Á, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ và châu Đại Dương, thuận lợi cho các hãng hàng không và liên minh hàng không làm căn cứ, xây dựng lịch bay nối chuyến cho hành khách, hàng hóa được hiệu quả. Với vị trí đó, Sân bay Long Thành được định hướng trở thành một cảng trung chuyển hàng không quy mô lớn trong khu vực Đông Nam Á, góp phần thu hút vốn đầu tư trên mọi lĩnh vực cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả khu vực phía Nam nói chung.

Theo đồ án quy hoạch vùng huyện Long Thành đang được đơn vị tư vấn là Viện Nghiên cứu thiết kế đô thị Hà Nội nghiên cứu, huyện Long Thành sẽ có 3 đô thị gồm: đô thị Long Thành (thị trấn Long Thành), đô thị Bình Sơn và đô thị Phước Thái. Trong đó, đô thị Bình Sơn là đô thị ven sân bay, phục vụ nhiều loại dịch vụ cho Sân bay Long Thành. Khu đô thị Bình Sơn sẽ là một khu đô thị mới, đặc biệt bao gồm cả Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.

 

Khi xây dựng hoàn thành, Sân bay Long Thành cũng sẽ trở thành sân bay lớn nhất, quan trọng nhất của Việt Nam, một thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng vào hàng cao nhất thế giới (đứng thứ ba trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Do đó, không chỉ mang giá trị kết nối giao thông, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa, Sân bay Long Thành được cho là sẽ tạo ra “động lực” kéo kinh tế khu vực phía Nam “cất cánh”.

Không những vậy, với “tầm vóc” của mình, dự án Sân bay Long Thành còn được kỳ vọng sẽ tạo ra một thành phố sân bay (airport city) trong tương lai không xa.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho hay, “thành phố sân bay” là một mô hình đô thị đặc biệt lấy dịch vụ vận chuyển hàng không làm trung tâm để hình thành và phát triển các trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại, logistics, hội nghị, văn phòng, cơ sở y tế, nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí, hệ thống giao thông…

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường tiếp đoàn công tác của Chính phủ do Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu về thị sát tại dự án Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường tiếp đoàn công tác của Chính phủ do Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu về thị sát tại dự án Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành). Ảnh: Hải Quân

Cũng theo ông Lại Xuân Thanh, quy hoạch Sân bay Long Thành hoàn toàn có đủ diện tích đất cần thiết cho thời điểm hiện tại và trong tương lai để phát triển thành một trung tâm hàng không hiện đại, phát triển các dịch vụ hàng không, phi hàng không đầy đủ, đa dạng, phong phú, đặc biệt là phát triển mô hình “thành phố sân bay”. “Hành khách đến cảng hàng không đó có thể dự hội nghị, gặp gỡ, mua sắm mà không cần phải vào thành phố”- ông Lại Xuân Thanh chia sẻ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cũng cho rằng, Sân bay Long Thành sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ trong việc định hình, xây dựng đô thị trước mắt và cả lâu dài vì mọi hướng kết nối đều tập trung vào khu vực này. Do đó, Đồng Nai đang định hướng vùng xung quanh Sân bay Long Thành trở thành “thành phố sân bay”. “UBND tỉnh cũng đã cử các đoàn công tác đi tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng thành phố xung quanh sân bay từ các nước tiên tiến trên thế giới để làm cơ sở cho việc tiếp thu, ứng dụng tại Đồng Nai sau này”- Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết.

Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (áo trắng) làm việc với lãnh đạo tỉnh về công tác xây dựng Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành) vào tháng 10-2019. Ảnh: K.Giới
Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (áo trắng) làm việc với lãnh đạo tỉnh về công tác xây dựng Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành) vào tháng 10-2019. Ảnh: K.Giới

* Dồn lực để khởi công đúng tiến độ

Sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, có diện tích đất cần thu hồi để thực hiện lớn khoảng 5 ngàn hécta. Trong đó, có khoảng 1,8 ngàn hécta được xác định là khu vực ưu tiên giải phóng mặt bằng để phục vụ khởi công xây dựng Sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Theo Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, dự án Sân bay Long Thành là dự án lớn, liên quan đến hơn 5 ngàn hộ dân. Dự án không phải của riêng tỉnh Đồng Nai mà của đất nước nên các ngành tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án. Trong đó, tập trung hoàn thành xây dựng tái định cư, giải phóng mặt bằng, đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về chủ trương của dự án và giải quyết kịp thời các khiếu nại của người dân theo đúng quy định pháp luật.

Ông Lê Văn Tiếp, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết, đối với khu vực ưu tiên giải phóng mặt bằng, hiện địa phương đã thực hiện đo đạc, kiểm đếm được 702 trường hợp và 467 thửa đất vắng chủ với diện tích 544 hécta. Riêng diện tích còn lại hơn 3 ngàn hécta hiện cũng đã thực hiện kiểm đếm được 270 hécta. Để đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng xây dựng Sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào quý II-2020, huyện Long Thành cũng đang tập trung toàn lực thực hiện.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đồng Thanh, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh cũng cho biết, 17 cơ quan, tổ chức nằm trong vùng dự án sẽ là những đơn vị đầu tiên được chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ từ dự án Sân bay Long Thành.

Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thăm hỏi người dân trong vùng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào tháng 10-2019. Ảnh: Hải Quân
Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thăm hỏi người dân trong vùng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào tháng 10-2019. Ảnh: Hải Quân

Là đơn vị được giao thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho dự án, Đồng Nai luôn xác định đây là công tác trọng tâm, là bước khởi đầu để “tạo hình” cho Sân bay Long Thành. Do đó, năm 2020, cũng được Đồng Nai xác định là năm “bản lề” thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ khởi công giai đoạn 1 của dự án vào năm 2021. “Năm 2020 tỉnh sẽ triển khai nhanh, đồng bộ, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Sân bay Long Thành để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Để cụ thể hóa quyết tâm đảm bảo tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng cho dự án Sân bay Long Thành, Đồng Nai cũng đã đề ra lộ trình thực hiện cụ thể. Theo đó, Đồng Nai đặt mục tiêu sẽ hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng cho toàn bộ dự án Sân bay Long Thành trong năm 2020. “Việc thực hiện giải phóng mặt bằng cho dự án sẽ không phân chia giai đoạn mà làm liên tục, không nghỉ ngơi, không chờ đợi” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho hay.

Song song với công tác giải phóng mặt bằng, việc tái định cư cho người dân trong vùng dự án cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Đồng Nai xác định rõ, phải đảm bảo cho người dân khi đến nơi ở mới phải có điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ. Do đó, việc đầu tư xây dựng 2 khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và Bình Sơn luôn được Đồng Nai quan tâm thực hiện. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã đặt ra yêu cầu tiên quyết đối với các cơ quan chức năng phải đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật cũng như các thiết chế văn hóa, xã hội khi người dân chuyển đến sinh sống tại các khu tái định cư.

Lê Văn

Tin xem nhiều