Báo Đồng Nai điện tử
En

Việt kiều đổ vốn làm nông

10:02, 06/02/2018

Ở Đồng Nai, Việt kiều hồi hương đầu tư vào nông nghiệp không nhiều. Tuy mỗi người có khởi điểm riêng nhưng họ đều có chung niềm khát vọng đóng góp cho sự phát triển của ngành nông nghiệp Đồng Nai.

Ở Đồng Nai, Việt kiều hồi hương đầu tư vào nông nghiệp không nhiều. Tuy mỗi người có khởi điểm riêng nhưng họ đều có chung niềm khát vọng đóng góp cho sự phát triển của ngành nông nghiệp Đồng Nai.

Vườn xoài Úc giữa rừng đại ngàn

Hơn 10 năm trước, ông Trần Cầu cùng gia đình sang định cư ở Mỹ. Đi xa nhưng ông vẫn luôn theo sát mọi hoạt động của trang trại trồng xoài nằm sâu giữa đại ngàn Chiến khu Đ (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu). Năm nay, ông xử lý kỹ thuật để vườn xoài đặc sản của mình ra trái nghịch vụ cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán 2018.

Ông Trần Cầu giới thiệu vườn xoài Úc trái vụ chuẩn bị tham gia thị trường Tết Nguyên đán năm 2018.
Ông Trần Cầu giới thiệu vườn xoài Úc trái vụ chuẩn bị tham gia thị trường Tết Nguyên đán năm 2018.

* Lên rừng lập nghiệp

Mùa xuân năm Mậu Tuất 2018 này, ông Trần Cầu vừa tròn 70 tuổi. Ông chọn ở lại quê nhà đón tết truyền thống vì đây cũng là thời điểm trang trại xoài, của ông vào mùa thu hoạch.

Ông Trần Cầu vui vẻ khoe: “Tuy thời tiết thất thường khiến nhiều vùng xoài làm trái vụ thất thu nhưng xoài của tôi vẫn ra trái đều. Ngay thời điểm cây xoài vừa đậu trái, nhiều thương lái và có cả doanh nghiệp nước ngoài vào tận vườn đặt vấn đề bao tiêu. Tôi muốn tìm cơ hội xuất khẩu cho trái xoài Úc của đất Đồng Nai”.

Dẫn chúng tôi vào vườn xoài, chỉ con đường đang được thi công mở rộng, ông Cầu cho biết tuyến đường đất gần 10km vào Khu ủy miền Đông đang được Nhà nước đầu tư trải nhựa. Còn lại hơn 1km, ông đang cho đổ đất đá để xe tải dễ dàng ra vào tận vườn. Nhớ lại cái duyên đưa mình về vùng đất chiến khu này, ông Trần Cầu kể: “Thời trẻ, tôi làm trong lĩnh vực kinh doanh ở đất Sài Gòn. Rồi tôi đi Thái Lan làm quản lý trang trại cây ăn trái rộng cả ngàn hécta. Tôi được người quen giới thiệu với một doanh nghiệp nước ngoài đang tìm đối tác đầu tư vùng chuyên canh cây xoài tại Việt Nam để xuất khẩu. Sau quá trình khảo sát, tìm hiểu, chúng tôi chọn vùng đất Chiến khu Đ vì quỹ đất ở đây còn nhiều, thổ nhưỡng cũng phù hợp cho cây xoài phát triển”. Dự án cần vài trăm hécta mà địa phương chỉ giao được gần 100 hécta, doanh nghiệp nước ngoài bỏ cuộc. Nhưng bản thân ông vẫn kiên trì ở lại đầu tư với quy mô được rút gọn lại còn vài chục hécta. Trang trại của ông nằm giữa bạt ngàn rừng núi, phải đi cả chục cây số đường đất đỏ len lỏi giữa rừng. Mùa mưa càng vất vả vì đường đất sình lầy lội. 

Năm 1998, ông chọn trồng cà phê đang ở giai đoạn hoàng kim. Nhưng đến khi thu hoạch, cà phê lại rơi vào cảnh chỉ còn vài ngàn đồng/kg, bán ra không đủ bù công hái. Ông Trần Cầu nhớ lại: “Cầm cự vài năm, tôi rơi vào cảnh trắng tay. Cả trang trại bạt ngàn mà chỉ có tôi và 1 công nhân chia nhau trông coi. Nhờ một vài vụ thu hoạch khoai mì năng suất cao, lại được giá nên tôi mới có ít vốn tái đầu tư”.

* Làm trang trại xoài đặc sản

Vườn xoài Úc đặc sản ngày nay được ông gầy dựng qua cả chặng đường dài gian khó. Từ việc ông đi góp nhặt từng hạt giống xoài ba mùa mưa về ươm rồi nhân rộng thành vườn. Sau này, khi tìm hiểu thị trường và biết về giống xoài Úc cho chất lượng ngon, trái to, màu đẹp, giá bán cao, ông quyết định ghép giống xoài đặc sản này lên gốc xoài ba mùa mưa. Dẫn chúng tôi thăm trang trại rộng 22 hécta chuyên canh xoài Úc đang vào mùa kết trái, ông Cầu cho biết: “Tôi gắn bó với cây xoài hơn 15 năm, vườn xoài này có những lô gốc đã già 14-15 năm tuổi nhưng có lô chỉ mới trồng từ 5-6 năm nay. Tôi tích lũy dần từng đồng vốn để đầu tư”.

Sang định cư ở Mỹ, mất vài năm ông cho thuê trang trại vì sự xa xôi, cách trở. “Nhưng rồi thấy trang trại không được khai thác hiệu quả, đây lại là cơ ngơi mình mất nửa đời gầy dựng nên tôi quyết định trở về” - ông Cầu nói.

Để trang trại cho những mùa trái ngọt, ông sẵn sàng đổ tiền tỷ đầu tư mỗi năm. Theo ông Cầu, trái xoài Úc không lo về thị trường tiêu thụ. Dù trang trại nằm sâu giữa đại ngàn nhưng thương lái vẫn lặn lội vào tận nơi mua hàng. Xoài Úc luôn đứng tốp đầu về giá bán so với các giống xoài khác. Vụ tết năm nay, giá xoài Úc được bao tiêu ngay tại vườn đã trên 100 ngàn đồng/kg.

Lão nông Việt kiều này đang chuyển hướng sang trồng xoài hữu cơ. Ông tự làm phân hữu cơ, cho công nhân cắt cỏ ủ để tạo độ phì nhiêu cho đất, sử dụng các vi sinh vật có lợi, thuốc sinh học trong phòng trừ dịch bệnh. Theo ông Cầu, hệ lụy của việc chạy theo năng suất, quá lạm dụng phân, thuốc hóa học là nguyên nhân làm cả đất đai và cây trồng đều suy thoái, môi trường bị ô nhiễm; dịch bệnh bùng phát... Ông Cầu chia sẻ: “Tôi có tham khảo ý kiến của một tiến sĩ nông học tại Mỹ và tìm ra công thức giải độc cho đất. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm này cho bà con nông dân vì chỉ có sản xuất sạch thì nông sản Việt mới có được uy tín về chất lượng để vươn xa đến thị trường thế giới”.

Đam mê chăn nuôi

Rời xa quê hương gần 20 năm, không mấy ai nghĩ ông chủ doanh nghiệp Phan Văn Danh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều tại Úc, suốt nhiều năm qua vẫn kiên trì với dự án sản xuất giống heo tốt cho nông dân Việt Nam.

Ông Phan Văn Danh giới thiệu giống heo Duroc .
Ông Phan Văn Danh giới thiệu giống heo Duroc.

* Hợp tác xã đứng đầu về con giống

Với ông Phan Văn Danh, chăn nuôi hiện đại không chỉ là đầu tư công nghệ cao, đắt tiền. Ông luôn coi trại heo là trường, con heo là “ông thầy”, nó không nói được nhưng có những dấu hiệu mà người chăn nuôi phải nhìn vào đó để học và tìm ra cách xử lý phù hợp nhất. Trang trại sản xuất giống của Xuân Phú luôn tạo môi trường tốt nhất cho con heo phát triển tự nhiên, như: có khu tập thể dục và phơi nắng cho heo; cho heo nghe nhạc, đầu tư máy làm móng cho heo...

Tại triển lãm ngành chăn nuôi - công nghiệp chế biến thịt (Vietstock 2016), Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) do người chủ doanh nghiệp này tái thành lập đã được Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn) trao bằng khen là Hợp tác xã sản xuất heo giống tốt nhất nước. Nói về mối duyên gắn bó với ngành chăn nuôi, ông Danh nhớ lại: “23 tuổi, tôi trở thành chủ gia đình khi là anh cả dẫn 5 người em và 2 cháu nhỏ, có đứa cháu chỉ mới 5 tuổi sang định cư bên Úc. Sau đó, ba mẹ tôi cũng đến Úc định cư, chỉ còn 2 người chị gái ở lại Việt Nam. Gần 20 năm ra đi, tôi mới trở về thăm quê. Chị của tôi nuôi heo. Công việc rất vất vả, lợi nhuận thấp lại chịu nhiều rủi ro. Tôi nghĩ đây cũng là vấn đề chung của người chăn nuôi trong nước nên bỏ thời gian tìm hiểu”.

Ông từng đến Úc, Mỹ, Canada... để học họ cách chăn nuôi. Năm 2004, ông thuê trang trại của Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú và đầu tư để người chị của mình chuyển sang nuôi heo gia công. Nhưng rồi ông chuyển hướng làm con giống vì nhận thấy chất lượng con giống quan trọng hàng đầu và nó là tiền đề thay chất cho chăn nuôi. Ông mua lại trang trại, tái thành lập Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú để mở rộng đầu tư.

Năm 2016, ông nhập từ Canada 50 con heo giống cụ kỵ dòng Duroc có mỡ giắt. Đến nay, hợp tác xã đã sản xuất được khoảng 300 heo đực, heo nái thuần chủng và một số heo thịt 3 máu (sử dụng tinh Duroc phối với con nái địa phương). Giống heo này sau khi lai tạo cho ra con heo giống có nhiều tính trạng trội, như: tăng trưởng nhanh, tỷ lệ nạc cao, chất lượng thịt ngon, đặc biệt thịt heo có mỡ giắt như thịt bò Kobe... Hợp tác xã đang xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất con giống, chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm.

* Mở đường để tư duy thay đổi

Ông Danh so sánh: “Ở trang trại chăn nuôi hiệu quả của Canada, chi phí sản xuất 1kg thịt heo tính ra tiền Việt chưa đến 16 ngàn đồng. Trong khi đó, nông dân mình phải tốn từ 32-34 ngàn đồng/kg thịt heo. Đây là một khoảng cách rất lớn với các nước phát triển. Nguyên nhân là do các nước chăn nuôi căn cứ trên khoa học. Họ cũng không lạm dụng kháng sinh nhưng lại ít gặp những rủi ro về dịch bệnh như ở Việt Nam nên xuất khẩu thịt rất tốt vào các thị trường khó tính”.

Ông Phan Văn Danh giới thiệu những tính năng vượt trội của giống heo Duroc đang được Hợp tác xã Xuân Phú tập trung sản xuất.
Ông Phan Văn Danh giới thiệu những tính năng vượt trội của giống heo Duroc đang được Hợp tác xã Xuân Phú tập trung sản xuất.

Ông Danh khoe, ở cả khu vực Đông Nam Á, chỉ mới có Trang trại Xuân Phú là thành viên của Trung tâm cải tiến giống heo Canada. Trung tâm này có thành viên là các trang trại thuộc hơn 30 nước đứng đầu về công nghệ chăn nuôi. Họ tạo được quần thể đông đảo với quy mô đến hàng triệu con heo giống, là nguồn cung cấp giống tốt và có đầy đủ cơ sở dữ liệu để đánh giá chất lượng con giống. Để được là thành viên của trung tâm, chủ trang trại phải bỏ chi phí mời chuyên gia của trung tâm về tận nơi đánh giá và đào tạo cho đội ngũ quản lý, nhân viên. Trang trại cũng phải đầu tư máy móc, thực hiện theo quy trình chăn nuôi do trung tâm đề ra. Sau 2 năm phải tái đào tạo lại. Các trại thành viên được phép sử dụng phần mềm quản lý của trung tâm. Sử dụng phần mềm này, trang trại như có cả đội ngũ chuyên gia về chăn nuôi tiên tiến nhất thế giới theo sát hướng dẫn về kỹ thuật, công nghệ làm giống. Ông Danh dẫn chứng: “Tôi đang sản xuất con heo giống Duroc. Tôi được đội ngũ chuyên gia nước ngoài hướng dẫn từng chi tiết trong việc phối giống; nhất là trong dùng tinh giống mới phối với con nái tại địa phương để tạo ra con giống vừa có nhiều tính trạng trội, vừa dễ thích ứng với thổ nhưỡng địa phương. Qua đó, góp phần cải tạo chất lượng con giống địa phương”.

Ông Danh chia sẻ: “Từ việc đầu tư vào con giống, tôi mong muốn cung cấp con giống tốt cho bà con chăn nuôi; góp phần thay đổi tư duy về việc làm giống và sản xuất của người chăn nuôi trong nước cần căn cứ vào cơ sở khoa học. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn cập nhật và chuyển giao những công nghệ và kỹ thuật mới cho người chăn nuôi trong nước”.

Ở tuổi 60 nhưng ông chưa nghĩ đến việc nghỉ ngơi, vẫn vừa quản lý hoạt động của công ty bên Úc, vừa đi về đầu tư tại Việt Nam. Ông đã mua lại một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi và đang tích cực triển khai dự án mới này. Điều ông trăn trở nhất là nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi chỉ quan tâm đến doanh thu, họ không bán cám đúng nhu cầu dinh dưỡng của con heo nên chi phí giá thành chăn nuôi của Việt Nam cao hơn nhiều nước.

BÌNH NGUYÊN

 

 

 

Tin xem nhiều