Tình cờ đọc lại một bài báo cũ, rất cũ của nhà văn Trần Bạch Đằng. Ông viết vào tháng 7-1964, nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày đấu tranh giải phóng miền Nam. Bài báo có tên Con người miền Nam. Nhà văn có than phiền, năm 1960 trở về trước, văn học miền Nam ít có điều kiện nói đến con người miền Nam.
Tình cờ đọc lại một bài báo cũ, rất cũ của nhà văn Trần Bạch Đằng. Ông viết vào tháng 7-1964, nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày đấu tranh giải phóng miền Nam. Bài báo có tên Con người miền Nam. Nhà văn có than phiền, năm 1960 trở về trước, văn học miền Nam ít có điều kiện nói đến con người miền Nam. Gần đây, tức những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, con người miền Nam bắt đầu xuất hiện trong văn, thơ, kịch, nhạc, họa… Nhưng nói chung, con người miền Nam “thật” hình như vẫn còn mờ nhạt và trong một số trường hợp,… “bị” phản ánh không hoàn toàn đúng. Theo Trần Bạch Đằng, Phân tách về tánh chất con người lại dùng lối văn nghị luận thì thật khó mà nói đầy đủ… Chỉ văn nghệ với khả năng riêng của mình, mới có thể giới thiệu con người một cách sâu sắc, một cách “người”.
Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở cù lao Phố (TP.Biên Hòa). |
Văn hóa, con người Nam bộ nói chung, miền Đông nói riêng, xưa nay vốn chịu thiệt thòi trong các công trình nghiên cứu hàn lâm. Các học giả viết về văn hóa, con người Kinh Bắc, Tràng An, xứ Nghệ, xứ Thanh, xứ Huế, xứ Quảng,… mà chẳng mấy khi nói về miền Đông, miền Tây Nam bộ(1). Thú thật, các công trình ấy, rằng hay thì thật là hay, nhưng để cảm nhận một cách sâu sắc, một cách người như kẻ sĩ Gia Định từng đòi hỏi quả khó khăn. Làm sao phân tích nỗi quan hoài của lớp con cháu mấy đời hoang cùng nỗi sầu xa xứ dằng dặc đã hơn ba trăm năm?
Ai cũng biết, Nam bộ xưa là vùng đất mới. Khi Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, đặt dinh Trấn Biên, cả Nam bộ chỉ khoảng 20 vạn dân, bèn chiêu mộ dân xiêu tán từ Quảng Bình trở vào cho đến ở, chia đặt thôn ấp, người Thanh trú ngụ cũng biên vào sổ hộ. Nhiều thập kỷ sau, các lớp cư dân khắp nơi tìm đến, nhưng rồi vùng đất mới liên tiếp gánh chịu những cuộc chiến tranh khốc liệt, người dân lại xiêu dạt khắp nơi. Ngay ở vùng Biên Hòa, mà hạt nhân là cù lao Phố, đã từng phát triển nhanh chóng, đến giữa thế kỷ 18, theo sách Gia Định thành thông chí: Từ ấy, chỗ này biến thành gò hoang, sau khi trung hưng, người ta tuy có trở về nhưng dân số không được một phần trăm lúc trước. Song, có lẽ sức hút của vùng đất này vẫn không giảm. Người ta gọi Đồng Nai là xứ sở lạ lùng, bởi Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh. Dù sợ hay kinh, gần bốn trăm năm qua, dòng người từ Trung bộ, Bắc bộ vẫn về Đồng Nai, nơi có gạo trắng nước trong (trong còn có nghĩa là sạch, lành).
Dịch giả Lý Việt Dũng đọc và dịch bản sắc phong thần tại lễ Khai sắc đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: Văn Truyên |
Sức thu hút hay tính mở của Biên Hòa - Đồng Nai và cả vùng Nam bộ hình thành bắt đầu từ đó chăng? Từ mở về không gian địa - kinh tế dẫn đến mở về địa - văn hóa, mở lòng người. Đến nửa đầu thế kỷ 19, Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn bộ Đại Nam nhất thống chí, khi nhận xét chung về tỉnh Biên Hòa, đã viết: Dân gian phong tục thuần hậu, tánh khí đơn giản, kẻ sĩ chuộng thi thơ, người dân siêng việc cày ruộng dệt cửi và nghề thợ, nghề buôn tùy địa thế phát triển, làm ăn; ưa ca hát, sùng đạo Phật,…
Trước đó, đã có một bản đúc kết về người Đồng Nai - Nam bộ của những lưu dân trên vùng đất mới:
Rồng chầu ngoài Huế
Ngựa tế Đồng Nai…
Sở dĩ tôi gọi đây là bản đúc kết vì đã giới thiệu con người miền Nam một cách sâu sắc, một cách “người” nhất.
Trong văn hóa phương Đông, rồng, tuy là con vật tưởng tượng, nhưng đứng đầu tứ linh, biểu tượng cho vua, cho những gì cao quý nhất. Chầu còn có nghĩa là hầu, hướng vào một cái khác được coi là trung tâm. Với những lưu dân, lớp trước, lớp sau, phần lớn là người nghèo, đã rời quê hương bản quán vào vùng đất mới, con vật sang trọng, cao quý kia nhưng thân phận phục tùng, ở yên một chỗ. Còn ngựa, loài thú để cỡi, để kéo xe, phận thường thôi. Nhưng ngựa này không ở trong cung vua hay phủ chúa của đất kinh kì. Nó đang phi nước đại (tế), bốn vó tung lên khỏi mặt đất. Hóa ra, con vật bình thường lại được tự do, không hề bị trói buộc. Đó là hình ảnh những lưu dân đi mở đất, tự do, tự tại, thỏa chí kiếm tìm những gì mình ưa thích, mong muốn. Nói vậy có suy diễn quá không? Đợt di dân lớn đầu tiên vào xứ Đồng Nai năm 1679 của Trần Thượng Xuyên với hơn 3 ngàn người từ Quảng Đông (Trung Quốc) không phải tuyệt đại đa số là những người bất hòa với triều đình nhà Thanh là gì! Rồi biết bao người bỏ cha, bỏ mẹ hàng trăm năm sau. Họ đến, đâu chỉ vì gạo trắng nước trong! Và, không riêng người nghèo. Những anh hùng, hào kiệt, những tài tử, giai nhân còn lưu dấu trong sử sách, văn chương! Không cởi mở, không phóng khoáng hẳn không dung hợp được người phương xa.
Bản đúc kết của dân gian còn hai câu cuối rất kỳ lạ:
Nước sông trong đổ lộn sông ngoài
Thương người xa xứ lạc loài đến đây.
Câu trước vẽ nên một thực tế thủy văn: vùng nước lợ, ở ngã ba sông, như Cần Giờ, nơi nước ngọt và nước biển hòa vào nhau làm một. Câu sau giãi bày một tình cảm: người xa xứ đến như nước lạ lẫn vào nước có sẵn của dòng sông. Bao tình, bao nghĩa ở hai từ xa xứ, lạc loài. Đã xa xứ làm sao tránh khỏi lạc loài? Trước đây, mình cũng là dân xa xứ, từng lạc loài. Bây giờ, có người xa xứ mới, hãy đùm bọc, chở che, hãy thương lấy họ! Triết lý của những lưu dân đơn giản mà sâu sắc, một cách “người” vậy đó.
Học sinh dâng hương tại tượng các danh nhân trong Vườn tượng Danh nhân văn hóa ở Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: Văn Truyên |
Ở phường Trung Dũng, Biên Hòa ngày nay còn lăng mộ nhà thơ Trịnh Hoài Đức (1765-1825). Ông xuất thân từ một gia đình khoa bảng, ở làng Phúc Hồ, huyện Trường Lạc, phủ Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Cụ tổ xa đời là Hoàn Phổ công, làm đến chức Thượng thư bộ Binh. Đến đời ông nội (Trịnh Hội), gặp lúc nhà Thanh lấy Trung Quốc nên chạy sang nước Nam, lúc đầu ở Phú Xuân, sau chuyển vào xã Thanh Hà, huyện Bình An, phủ Phước Long, trấn Biên Hòa. Sau này Trịnh Hoài Đức trở thành người Nam bộ giữ chức quan to nhất triều Nguyễn, có lúc kiêm lãnh cả hai chức Thượng thư bộ Lễ lẫn bộ Lại (như Trưởng ban Tổ chức Trung ương bây giờ). Đặc biệt, Trịnh Hoài Đức đứng đầu Gia Định tam gia, là nhà thơ, nhà văn hóa lớn nhất đến phương Nam. Là người Hoa, nhưng khi làm Chánh sứ đầu tiên của triều Nguyễn sang Trung Quốc (quốc hiệu Việt Nam được thừa nhận trong chuyến đi này), Trịnh Hoài Đức dằng dặc nỗi nhớ cố quốc. Như vậy, cả hành trạng lẫn tâm hồn con người tài hoa, kinh lịch chất ngất ấy đều thuộc về một quê hương, một xứ sở. Quê hương, xứ sở ấy chính là nơi ông đã sinh ra, lớn lên và ra sức tô vẽ cho nó.
Không có sự cởi mở, phóng khoáng làm sao đất Biên Hòa - Nam bộ dung nạp được những con người như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh,… hồi xa xưa và gần hơn là những Nguyễn Bình, Phan Đình Công, Bùi Thiện Ngộ, Phạm Xuân Ẩn,…?
Không có tình thương, sự đùm bọc, sẻ chia, làm sao có hàng vạn, rồi hàng triệu lưu dân đã cùng đổ mồ hôi, cả xương máu để lập nên và gìn giữ những xóm, những làng cho xứ sở lạ lùng mà đến mùa xuân này đã tròn 320 năm mang dáng hình vững chãi trên bản đồ nước Việt?
Tiết Đại hàn, Đinh Dậu
BÙI QUANG HUY
(1) Mãi đến năm 2013, trong công trình Những vấn đề văn hóa học: lý luận và ứng dụng (Nhà xuất bản Văn hóa - văn nghệ TP.Hồ Chí Minh), tác giả Trần Ngọc Thêm mới trình bày một cách hệ thống về tính cách văn hóa Tây Nam bộ.