Không còn là những chỉ đạo mang nặng tính hình thức, hàng loạt các quyết định kỷ luật liên quan đến công tác cán bộ mới đây đã chỉ rõ "tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên" mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) của Đảng đã thẳng thắn nêu lên.
Không còn là những chỉ đạo mang nặng tính hình thức, hàng loạt các quyết định kỷ luật liên quan đến công tác cán bộ mới đây đã chỉ rõ “tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) của Đảng đã thẳng thắn nêu lên.
Các đại biểu tại phiên khai mạc trọng thể Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017-2022 tại Hà Nội. |
Cách đây 6 năm, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” ra đời đã thu hút được sự chú ý, quan tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân nhờ xác định được những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng. Đến Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, càng thấy rõ hơn quyết tâm của Đảng trong công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.
* Kiên trì thực hiện
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”. |
Phát biểu tại hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) diễn ra vào tháng 2-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay có 4 lý do để Trung ương ban hành riêng một nghị quyết về công tác xây dựng Đảng. Trong đó, có một lý do đồng thời cũng là cảnh báo: bản thân Đảng, bên cạnh mặt tích cực, bản chất và truyền thống tốt đẹp được phát huy cũng đang đứng trước nhiều yêu cầu mới và có những hiện tượng tiêu cực, phức tạp mới. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, nhiều đảng viên có chức, có quyền, có điều kiện nắm giữ tài sản, tiền bạc...; đất nước lại phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, nhiều người lo lắng về Đảng, về bản chất Đảng, lo lắng mặt trái của cơ chế thị trường, của hội nhập quốc tế tác động vào Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ: “Thực tế đã có bộ phận suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Có người công khai bày tỏ ý kiến trái với Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, làm trái nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, thậm chí có người “sám hối”, “trở cờ”; tình trạng tham nhũng, quan liêu, xa dân, tổ chức không chặt chẽ, nhiều nguyên tắc của Đảng bị vi phạm. Đây là điều đáng lo ngại nhất và cũng là nguy cơ lớn nhất đối với một đảng cầm quyền…”.
Toàn cảnh hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 (khóa X). Ảnh: Văn Chính |
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng đã tạo nên một đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong cả nước. Riêng tại Đồng Nai, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 được gắn chặt chẽ với việc thực hiện Chỉ thị số 03 và sau này là Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 ở Đồng Nai được làm theo phương pháp từng bước, thận trọng, nghiêm túc, từ đó xây dựng được đội ngũ cán bộ tốt, phong trào mạnh, nhiều mô hình sáng tạo.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cũng bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó có cả sự hoài nghi về tính khả thi của nghị quyết khi chưa chỉ rõ được những “căn bệnh” trong công tác xây dựng Đảng. Chính vì thế, ngay tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (tháng 1-2016), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng cần kiên trì và đẩy mạnh thực hiện nghị quyết này hơn nữa.
* Bắt bệnh, xử nghiêm
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ban hành tháng 10-2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây được xem là một nghị quyết thẳng thắn, nêu đúng thực trạng của công tác xây dựng Đảng mà quan trọng nhất chính là đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư (thứ 2 từ trái sang) cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham quan dự án đầu tư trồng chuối xuất khẩu trong khu Agropark thuộc xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc). Ảnh: Lê Quyên |
Nghị quyết nêu rõ: tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước.
Quyết tâm đưa nghị quyết vào cuộc sống đã thấy rõ bởi chỉ sau gần 2 năm thực hiện, lòng tin của nhân dân vào Đảng đã từng bước được củng cố vững chắc. Đảng đã “nói đi đôi với làm” bằng sự quyết tâm, quyết liệt và nghiêm khắc. Theo đó, chỉ trong một thời gian ngắn, qua công tác kiểm tra, giám sát, không ít cán bộ cao cấp đã bị phát hiện có vi phạm. Nhiều vụ án trọng điểm xảy ra ở những tập đoàn kinh tế lớn được đưa ra ánh sáng. Công tác kỷ luật của Đảng được thực hiện nghiêm minh với nhiều hình thức xử lý khác nhau, trong đó đã có những cán bộ chủ chốt bị cách chức, khai trừ ra khỏi Đảng, thậm chí là bị truy tố, truy cứu trách nhiệm trước pháp luật.
Ông Lê Trí Phả, một đảng viên có hơn 30 năm tuổi Đảng (ngụ tại phường An Bình, TP.Biên Hòa), cho rằng chưa bao giờ quyết tâm làm trong sạch bộ máy lại mạnh mẽ như hiện nay. Là một đảng viên, ông cảm thấy đau xót khi nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật nhưng đó là điều cần thiết và cần thực hiện quyết liệt hơn nữa để không còn những “con sâu” làm xấu đi hình ảnh, uy tín của Đảng.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái (phải) gắn huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho đồng chí Huỳnh Văn Hồng, Ủy viên Ban TVTU, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Ảnh: Văn Chính |
Năm 2018 là năm bản lề để toàn Đảng, toàn dân thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020). Với quyết tâm lớn trong công tác chấn chỉnh, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, Đảng đã cho thấy sự quyết tâm của mình, không còn có vùng cấm trong những lĩnh vực thường được xem là nhạy cảm, khó khăn như phòng, chống tham nhũng hay tinh giản biên chế. Từ kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) đến mới đây là Nghị quyết Trung ương 6 “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đang cho thấy một đảng đã biết nhận rõ những khuyết điểm của mình và đang từng bước khắc phục những khuyết điểm ấy một cách khách quan, minh bạch trên tinh thần đấu tranh thẳng thắn, đúng người, đúng việc.
Đảng đã và đang đem đến niềm tin, không phụ lòng mong đợi của nhân dân đối với Đảng, để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, thật sự “là đạo đức, là văn minh”.
MINH NGỌC