Báo Đồng Nai điện tử
En

Đường xuân tiếp bước

10:02, 06/02/2018

Lại một mùa xuân nữa đang về - Xuân Mậu Tuất 2018. Loài người đã bước sang mùa xuân thứ 18 của thế kỷ 21, gần 2 thập niên chứng kiến bao biến động, nói cách khác là sự thay đổi trật tự thế giới trong bước chuyển từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 sang lần thứ 4. Đương nhiên,  bước  chuyển ấy không có thời khắc giao thừa. Nó tiếp nối, khi âm thầm, khi quyết liệt, đan xen nhau, so sánh nhau và xác định lẫn nhau.

Lại một mùa xuân nữa đang về - Xuân Mậu Tuất 2018.

Loài người đã bước sang mùa xuân thứ 18 của thế kỷ 21, gần 2 thập niên chứng kiến bao biến động, nói cách khác là sự thay đổi trật tự thế giới trong bước chuyển từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 sang lần thứ 4. Đương nhiên,  bước  chuyển ấy không có thời khắc giao thừa. Nó tiếp nối, khi âm thầm, khi quyết liệt, đan xen nhau, so sánh nhau và xác định lẫn nhau.

Múa hát mừng Xuân (Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai). Ảnh: Lâm Cón
Múa hát mừng Xuân (Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai). Ảnh: Lâm Cón

Thời đại ngày nay đã quen với các tuyên ngôn mang đậm dấu ấn dân tộc, khí phách dân tộc trong hội nhập, toàn cầu hóa. Các cường quốc lớn như Mỹ tuyên bố: “Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại!” như lời Tổng thống Donald Trump trong lễ tuyên thệ nhậm chức. Trung Quốc mở sang trang mới sau Đại hội Đảng lần thứ XIX với niềm tin và ý chí về  “Một vành đai, một con đường”. Báo chí phương Tây ví sáng kiến vành đai và con đường chẳng khác chi chiếc xe trọng tải lớn chở lợi ích khổng lồ của Trung Quốc. Việt Nam chúng ta kiên định con đường đổi mới với xuất phát điểm từ hơn 30 năm trước. Xuân Việt Nam - Xuân đổi mới, phát huy nội lực, kiến tạo những giá trị mới.

Đấy là nhìn cả một chặng đường, một dấu son trong hành trình đổi mới. Còn nếu chỉ nhìn lại năm 2017 đã thấy biết bao sự kiện nóng bỏng cả trong nước và thế giới. Một người bạn từ nước ngoài hỏi tôi về ấn tượng đất nước năm 2017. Không dễ trả lời trong một câu ngắn gọn. Các tờ báo trong nước đều lựa chọn 10 sự kiện nổi bật. Và sự kiện nào cũng thể hiện sự bứt phá, tự làm mới, thậm chí còn mang giá trị tổng kết thực tiễn.

Nhưng trong ngày xuân đến, lại đúng vào lúc chúng ta kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi muốn nói đến ấn tượng về việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thật ra đây là một công việc thường xuyên, là nhiệm vụ sống còn của một đảng cầm quyền, là để làm sáng lên truyền thống của Đảng, để Đảng mạnh lên và dân thêm tin yêu Đảng. Nói thì thế nhưng làm mới thật khó làm sao! Trong cuộc chiến đấu chống lại cái xấu, cái ác, cái bảo thủ, trì trệ, thành công hay thất bại tùy thuộc vào ý chí và sức mạnh của cả một đội ngũ, lớn hơn là một đất nước, một dân tộc. Nhưng ý chí ấy tập trung cao nhất ở đội tiên phong, ở những người thủ lĩnh. Người xưa đã tổng kết, tiếng nói hay nhất là tiếng nói của hành động. Năm 2017, có thể nói, là một năm dồn tụ tiếng nói hay nhất đó. Chúng ta đã chỉnh đốn Đảng một cách quyết liệt, bằng những việc làm quyết liệt, cụ thể trong chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ cao cấp.

Sáng 19-1-2018, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị.. Ảnh: TTXVN
Sáng 19-1-2018, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN

Có rất nhiều cụm từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, như một lời cảm mến của Dân với Đảng, như một chỉ số của niềm tin đang tăng lên, như một dấu hiệu tốt lành cảnh báo, ngăn chặn sự sa đọa, bất chấp pháp luật, đạo lý của không ít cán bộ có chức, có quyền. Những cụm từ: “lò lửa chống tham nhũng”, “vùng cấm, vùng tránh”, “cả họ làm quan”, “quan lộ thần tốc”, “trên nóng dưới lạnh”, “sợi dây kinh nghiệm”… được vang lên trên khắp các diễn đàn, đến công trường, đường phố. Nhắc đến với sự phê phán nghiêm khắc, phân tích thấu đáo và quan trọng nhất là để sửa sai.

Hàng chục vụ đại án tham nhũng đã được đưa ra xét xử, tiêu biểu nhất là vụ  OceanBank với 51 người nguyên là giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, cán bộ ngân hàng đã phải hầu tòa, nhiều người trong số này đã phải nhận mức án cao nhất. Mới nhất là vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm trong vụ xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, do thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Đây là lần đầu một người từng là Ủy viên Bộ Chính trị phải đưa ra truy tố trước tòa án. Điều đó thể hiện sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật. Đương nhiên dư luận về phiên tòa có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Có người bảo xử ông ấy như thế có phần nặng quá, phải chú ý hoàn cảnh lúc bấy giờ với rất nhiều tác động khách quan, phải chú ý cả công và tội chứ! Người khác lại bảo, xử thế này là quá nhẹ. Bởi không chỉ thiệt hại kinh tế rất lớn, cái hại lớn hơn là mất cán bộ, mất niềm tin của dân. Hàng chục cán bộ chủ chốt chỉ vì sự liều lĩnh bốc trời, vì “cái tôi” to đùng của người đứng đầu mà gặp họa.

Cũng nói về “cái tôi” khuynh loát cả một tập thể là trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh, người đã bị Trung ương cách chức Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy. Là một cán bộ trẻ được kỳ vọng, nguyên nhân nào đã đẩy Nguyễn Xuân Anh vào những khuyết điểm, sai lầm? Phải chăng là do “làm quan tắt”? Một người vừa vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu bản lĩnh, kinh nghiệm thực tiễn, vừa suy thoái về đạo đức, lối sống thì không sa vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân mới là chuyện lạ! Xưa cũng như nay muốn làm quan tốt thì phải hiểu nỗi khổ của người làm dân. Trong chế độ ưu việt của chúng ta không có những ông quan cách mạng, mà chỉ có những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, mỗi việc làm đều vì sự đi lên của quê hương, đất nước. Điều cần rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc là bao nhiêu thứ gọi là “đúng quy trình” đã bị nhân danh khái niệm mà làm cho méo mó. Hầu hết các trường hợp làm quan tắt nhờ dựa vào thế lực nào đó khi được kiểm tra đều thấy… “đúng quy trình” cả. Đúng quy trình mà không đúng người cần chọn thì đích thị là một cái đúng vô nghĩa, cái đúng có hại, như nhà thơ Rabindranath Tagore (1861-1941) của Ấn Độ từng viết: “Cái Sai không thể làm nên thất bại, nhưng Cái Đúng thì có thể”. Trong cuộc sống hôm nay còn biết bao nhiêu cái đúng vô nghĩa như thế? Cái đúng của hôm qua không nhất thiết đúng cho hôm nay. Mỗi thời mỗi khác, khi thời thế đổi thay và nhận thức của con người ngày càng gần hơn với chân lý. Truyền thống cũng vậy. Truyền thống không phải là tượng đồng bia đá. Truyền thống là một dòng chảy liên tục như nước sông ra biển lớn, cần phải đổi dòng, hòa vào dòng chảy thời đại, để gạn lọc, kết tinh những giá trị mới, những năng lượng mới.

Một mùa xuân tràn đầy năng lượng đang đến với chúng ta. Mùa xuân đến mang sức thanh xuân cho Đảng. Sức thanh xuân ấy có được là do trí tuệ, do đạo đức, văn minh của Đảng như Bác Hồ căn dặn. Trí tuệ của Đảng trong những năm đầu thế kỷ 21 thể hiện ở tầm nhìn soi thấu thời đại, như Văn kiện Đại hội XII đã khẳng định: tình hình thế giới, khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ, thách thức. Hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức tiếp tục được đẩy mạnh.

Ảnh: Lâm Cón
Ảnh: Lâm Cón

Gánh nặng đường xa, nếu không nhìn cho rộng, nghĩ cho sâu, bền gan vững chí, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của cả dân tộc thì thời gian về đích sẽ lâu hơn, hy sinh mất mát sẽ lớn hơn. Đảng nâng cao sức mạnh bằng sự đổi mới chính mình. Cho nên, sau những điều chúng ta buộc phải làm như xem xét, xử lý cán bộ, thậm chí trừng trị bằng pháp luật, điều đọng lại sau hết vẫn là tinh thần minh triết, nhân văn. Trừng trị một người để cứu muôn người. Bài học lớn nhất vẫn là bài học làm cán bộ, làm người. Đó là lời cảnh tỉnh, răn đe sâu sắc nhất trong lúc này. Đó là dấu hiệu của một đảng mạnh như sinh thời Bác Hồ đã nói.

Đường xuân tiếp bước, thời cơ lớn và cũng lắm chông gai. Có người lo rằng, xử lý nghiêm khắc như thế liệu rồi có ảnh hưởng tới việc thúc đẩy kinh tế phát triển. Người ta sẽ co lại, khư khư ôm lấy “nguyên tắc”, sẽ không dám quyết đoán, sẽ thụ động, việc gì cũng đẩy lên cấp trên. Ấy là nỗi lo có lý. Nhưng không hoàn toàn như vậy. Hãy thử nhìn vào bức tranh kinh tế - xã hội năm qua. Khó khăn là thế, chúng ta tập trung điều tra, đấu tranh chống tham nhũng và xử lý quyết liệt thế nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng 6,81%, vượt mức đề ra. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng lớn. Nhưng điều lớn nhất là niềm tin của nhân dân với Đảng đã được nâng lên.

Đường xuân tiếp bước, tiếp tục thử thách bản lĩnh và tài trí Việt Nam. Nghe âm vang trong tiếng xuân những bài ca đất nước. Đất nước của Quang Trung, Lê Lợi, Hồ Chí Minh, dẫu thời chiến hay thời bình đều muôn người như một, đạp bằng mọi khó khăn, thử thách bằng sức mạnh nhân dân, tự mở đường mà đi, tự tin và hội nhập.

HẢI ĐƯỜNG

Tin xem nhiều