Văn hóa của người Việt ở Đồng Nai định hình từ khoảng thế kỷ 17, khi vùng đất Nam bộ chính thức trở thành lãnh thổ quốc gia Đại Việt. Quá trình mở mang đất nước về phía Nam được tiến hành liên tục trong suốt một thời gian dài, đặc biệt là những dấu ấn mang tính chất quyết định cho lịch sử khai phá vùng đất Nam bộ.
Văn hóa của người Việt ở Đồng Nai định hình từ khoảng thế kỷ 17, khi vùng đất Nam bộ chính thức trở thành lãnh thổ quốc gia Đại Việt. Quá trình mở mang đất nước về phía Nam được tiến hành liên tục trong suốt một thời gian dài, đặc biệt là những dấu ấn mang tính chất quyết định cho lịch sử khai phá vùng đất Nam bộ.
Lễ kỳ yên đình Tân Lân (TP.Biên Hòa). Ảnh: T.L |
Điển hình là sau khi người Việt vào khai khẩn thì đến năm 1679 đoàn người Hoa theo Trần Thượng Xuyên vào vùng cù lao Phố (Biên Hòa) và sớm thành lập nên thương cảng cù lao buôn bán sầm uất với thương khách trong và ngoài vùng với những sản vật địa phương.
* Định hình văn hóa của người Việt ở xứ Đồng Nai
Năm 1698, kinh lược sứ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh với việc khai thôn lập ấp, đặt tên hành chính cho vùng đất Đồng Nai - Gia Định và lần đầu tiên đưa vùng đất mới Nam bộ vào bản đồ quốc gia Đại Việt. Quá trình Nam tiến của nhà Nguyễn cơ bản đã hoàn thành và từ đây cuộc sống của người dân Đại Việt đã tương đối ổn định. Trên cơ sở hình thành cuộc sống mới, văn hóa của người Việt ở xứ Đồng Nai đã bắt đầu được định hình cùng tồn tại và phát triển phù hợp với tâm lý, nguyện vọng của cư dân địa phương.
Nét gốm Biên Hòa. Ảnh: TRƯƠNG BÁ THANH |
Văn hóa của người Việt ở Đồng Nai không ngoài sự thống nhất của văn hóa cư dân ở Nam bộ. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của vùng đất ven sông và đồi núi thấp, nên văn hóa dân tộc Việt ở Đồng Nai còn mang tính chất văn hóa của người dân vùng miền Đông Nam bộ (do địa hình cư trú ảnh hưởng trong đời sống lao động sản xuất và sinh hoạt văn hóa dân tộc).
Văn hóa của người Việt được đề cập ở khía cạnh văn hóa vật thể qua các phương tiện vật chất, như: nhà ở, trang phục, công cụ sản xuất, phương tiện đi lại và ăn uống hàng ngày; tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán, lễ hội, kiến trúc, văn hóa nghệ thuật, diễn xướng dân gian...
Ngay từ thời gian đầu đến khai phá vùng đất đầm lầy hoang vu, rậm rạp, người Việt đã sống quần cư tập trung theo địa bàn ven sông Đồng Nai hay vùng gò núi thấp có đất đỏ bazan. Địa bàn tụ cư của người Việt chủ yếu ở ven sông Đồng Nai (vùng Biên Hòa), vùng cù lao Phố, cù lao Tân Triều, làng Bến Gỗ, Long Thành, Bà Rịa và các vùng đồi núi Tân Phú, Định Quán, Long Khánh, Xuân Lộc...
Đặc điểm nhà ở của người Việt ở Đồng Nai là sử dụng vật liệu thiên nhiên sẵn có như cột gỗ, mái tranh, lá dừa nước... Chân cột kè đá tảng (đá xanh) ở Bửu Long, hàng hiên lót đá ong khai thác ở địa phương... Kiểu nhà thông dụng của người Việt là nhà cột giữa (nhà rọi, hay nhà nọc ngựa) với nhà một gian hoặc ba gian. Gia đình khá giả hơn có thể làm nhà kiểu đâm trính (nhà bát trụ hay nhà chày cối) tượng trưng cho trình độ nghệ thuật kiến trúc cao ở nông thôn Nam bộ. Vùng cù lao Phố hay làng Mỹ Khánh, phường Bửu Hòa (Biên Hòa) vẫn còn một số ngôi nhà cổ xưa. Nhà thờ họ Trần ở Tân Vạn, nhà cổ ở đường Phan Chu Trinh gần chợ Biên Hòa, nhà ông Sáu Sao (Bửu Hòa), nhà cô giáo Hòa, nhà ông Tống Đình Bắc ở cù lao Phố, nhà ông giáo Hảo (Thạnh Phú, Vĩnh Cửu), nhà Đào Mỹ Trí Nhân (Phú Hội, Nhơn Trạch)... là những ngôi nhà cổ mang kiến trúc truyền thống dân gian Nam bộ.
Nói đến trang phục truyền thống ở vùng nông thôn Nam bộ không thể không nói đến bộ áo quần bà ba đen hoặc nâu với chiếc khăn rằn quàng vai hay quấn kiểu đầu rìu trên đầu. Người Việt ở Đồng Nai cũng không loại trừ ảnh hưởng trang phục truyền thống Nam bộ ấy với bộ áo quần bà ba ngắn với loại vải sợi thường, chiếc khăn rằn (sản phẩm giao lưu văn hóa với dân tộc Khmer) và đặc biệt là chiếc nón lá của dân tộc Việt Nam. Còn trang phục lễ hội và đình đám có trau chuốt lượt là hơn với bộ áo dài màu xanh dương hoặc đen bằng vải gấm, xuyến hoặc the với quần trắng đầu đội khăn đóng, chân đi giày (đối với đàn ông); còn đàn bà đi guốc gù hoặc hài, có khăn vuông quàng cổ, tóc để dài và bới kiểu bánh lái có trâm cài, tay xách ví hoặc bóp. Phụ nữ đeo thêm đồ trang sức như: chuỗi, bông tai, cà rá, vòng tay, xuyến, kiềng cổ...
* Mang đậm sắc thái giao lưu văn hóa của nhiều vùng miền
Ngày nay, trong các lễ hội ở đình làng những trang phục truyền thống còn được bảo lưu ở những người cao niên còn hiếu cổ. Ngoài những trang phục xưa, hiện nay chiếc áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam đã được cách tân và được xem là một trong những trang phục truyền thống dân tộc đẹp nhất trên thế giới vì tính chất duyên dáng, mềm mại và cũng không kém vẻ đẹp lộng lẫy hấp dẫn cho người mặc nó. Còn bộ lễ phục của nam giới hiện nay là chiếc quần tây, áo sơ mi hay bộ veston được du nhập từ phương Tây. Bộ áo dài khăn đóng hay nón cụ quai tơ, áo rộng là những hiện vật dân gian đã được bảo tồn và trưng bày ở các bảo tàng địa phương và khu vực, là điển hình cho hiện vật văn hóa trang phục của người Việt ở Nam bộ.
Thi đẩy gậy. Ảnh: VŨ TIẾN CHƯƠNG |
Văn hóa ẩm thực của người Việt rất phong phú. Món ăn tiêu biểu của người Việt vẫn là cơm được nấu chín từ hạt gạo và các món canh chua, canh rau, cá chiên hoặc cá kho. Đặc biệt là các món mắm, Nam bộ có rất nhiều loại mắm như: mắm đồng, mắm cá, mắm cua, mắm ruốc, mắm tôm, mắm tép... Bên cạnh các món ăn còn có một loại thức uống từ gạo được ủ men chưng cất lên đó là rượu. Rượu gạo có vị cay nồng và làm đê mê người thưởng thức; nhâm nhi một vài chung rượu bên cạnh mâm cơm truyền thống thật là lãng mạn và không kém phần thi vị cho văn hóa ẩm thực của người Việt. Bữa ăn cũng luôn là dịp để các thành viên trong gia đình tụ họp nhau, gặp gỡ đầy đủ (đặc biệt trong hai bữa ăn chính: trưa và tối). Người Việt còn có tục lệ ăn trầu và hút thuốc (thuốc lào, thuốc rê, thuốc vấn, thuốc lá). Ăn trầu làm cho môi đỏ, chắc răng và cũng là lễ nghi thể hiện tình cảm tốt đẹp đối với nhau trong văn hóa ứng xử của người Việt. Nghi lễ trầu cau còn là một trong những nghi thức quan trọng trong đám cưới, đám tang, giỗ chạp của người Việt Nam.
Thời kỳ đầu ở Nam bộ, đường thủy là đường giao thông quan trọng và huyết mạch; vì vậy chiếc ghe, xuồng đã là những phương tiện giao thông chủ yếu để cư dân đi lại trên các vùng sông rạch, đầm lầy. Đây cũng là phương tiện để ngư dân đi lại đánh bắt tôm, cá, thủy sản, sinh hoạt trên sông nước. Đường giao thông trên bộ có xe trâu, xe bò, xe ngựa gắn liền với đời sống nông nghiệp lâu đời ở Đồng Nai - Nam bộ vào những thế kỷ trước đây.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp của người Việt ở Nam bộ đã có sự cải tiến các loại công cụ sản xuất để phù hợp với đồng ruộng, như: cuốc, xẻng, dao phay, cày, bừa lá mít, bừa lá ổi, xa quạt lúa, chày cối giã gạo, búa, rìu, thúng, rổ, sàng, sảy... tạo nên nét phong phú cho văn hóa sản xuất của người Việt có vai trò chủ đạo ở vùng đất mới này.
Chiếc rương xe Nam bộ cũng là một trong những hiện vật sinh hoạt của cư dân người Việt có truyền thống lâu đời. Rương xe dùng để đựng đồ đạc trong gia đình nay đã trở nên hiếm thấy sử dụng trong dân gian, hiện chỉ còn trong một số ngôi nhà cổ, mang nhiều giá trị kiến trúc nghệ thuật với nhiều tài sản có giá trị ở các làng người Việt truyền thống Nam bộ.
Nghệ thuật làm gốm Biên Hòa là sự phát triển nghệ thuật đến đỉnh cao trên sự kế thừa kỹ thuật làm gốm của người Việt cùng với người Hoa sản xuất gốm ở vùng cù lao Phố - Biên Hòa tạo nên sản phẩm gốm Biên Hòa khá tiêu biểu và độc đáo. Sản phẩm của các làng nghề thủ công truyền thống gốm, đá, mộc, rèn... góp phần làm cho kho tàng văn hóa vật thể của người Đồng Nai thêm đa dạng và phong phú.
Những ngôi chùa cổ ở Biên Hòa - Đồng Nai xưa như Bửu Phong cổ tự, Long Thiền cổ tự, Đại Giác cổ tự là những ngôi chùa có lịch sử xây dựng khá sớm khi người Việt vào đất Đồng Nai nay đều được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tạo được nhiều dấu ấn về văn hóa mở cõi vùng đất mới phương Nam.
Đạo Công giáo và các xóm đạo cũng được xây dựng khá sớm ở vùng Vĩnh Cửu, Bến Gỗ, Biên Hòa. Năm 1774, khi Nguyễn Ánh lánh nạn Tây Sơn ở Tân Triều thì họ đạo ở đây đã có và được tổ chức có nề nếp và vững chắc. Nhà thờ Tân Triều được xây dựng năm 1870 trước cả nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn.
Tín ngưỡng dân gian chủ yếu của người Việt từ bao đời nay vẫn là tín ngưỡng thờ kính ông bà tổ tiên, thờ kính cha mẹ. Những biểu hiện của tín ngưỡng dân gian qua đặc điểm trước nhà người Việt thường có bàn thiên (thờ trời) và trong nhà có bàn thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người đã khuất... Các ngôi đình, đền, miếu được xây dựng để thờ kính những vị thần Thành hoàng, bậc khai quốc hay anh hùng liệt sĩ có công xây dựng và bảo vệ quê hương xứ sở. Những ngôi đình tiêu biểu như: đền thờ Nguyễn Tri Phương, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, đình Tân Lân chứa đựng nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Đồng Nai hơn 320 năm qua. Hàng năm, tại những cơ sở tín ngưỡng này đều tổ chức những lễ thức cúng kỳ yên đặc trưng văn hóa của cư dân Nam bộ...
Đời sống văn hóa dân gian của người Đồng Nai mang đậm sắc thái giao lưu văn hóa của nhiều vùng miền, đặc biệt là văn hóa Bắc bộ và Trung bộ, tạo nên những bản sắc vừa gần gũi thân quen nhưng cũng rất sáng tạo trong quá trình hình thành, phát triển và hội nhập.
TS. NGUYỄN THỊ NGUYỆT