Báo Đồng Nai điện tử
En

Võ Gà

10:01, 16/01/2017

Lưu danh trong nền võ học cổ truyền Việt Nam có bài Hùng kê quyền do Nguyễn Lữ (người em út của Nguyễn Huệ) sáng tạo, là một trong 10 bài quyền tiêu biểu, đặc trưng được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam giới thiệu, phổ biến rộng rãi với quốc tế.

Lưu danh trong nền võ học cổ truyền Việt Nam có bài Hùng kê quyền do Nguyễn Lữ (người em út của Nguyễn Huệ) sáng tạo, là một trong 10 bài quyền tiêu biểu, đặc trưng được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam giới thiệu, phổ biến rộng rãi với quốc tế. Hùng kê quyền luôn được giới võ học cổ truyền Việt Nam đánh giá là độc đáo, đặc trưng của vùng đất Bình Định.

Võ sư Hà Trọng Đăng đang biểu diễn các động tác Hùng kê quyền.
Võ sư Hà Trọng Đăng đang biểu diễn các động tác Hùng kê quyền.

Võ sư Hà Trọng Đăng (Võ đường Tây Sơn - Bình Định, KP.5, phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) cho biết, các đòn đánh của Hùng kê quyền cực kỳ chuẩn xác và biến ảo. Cái thần thái của bài quyền là sử dụng sức mạnh của thủy (nước) để đánh đối phương. Nó vây tứ bề, dùng 3 - 4 mũi giáp công chỉ nhằm đánh vào một điểm, đánh từ dưới thấp lên cao, từ trên cao phủ đầu xuống thấp.

* Lấy yếu thắng mạnh

Võ sư Hà Trọng Ngự, Trưởng môn phái Tây Sơn - Bình Định, nhấn mạnh Hùng kê quyền mô phỏng các tính năng, kỹ thuật của gà đá, như: nhanh nhẹn, có sức chịu đựng, bền bỉ, dẻo dai, linh hoạt, nhẹ nhàng nhưng chiến đấu tấn công lẫn phản công dữ dội; chụp xuống né đòn, nhảy lên cao áp đảo phủ đầu, hụp lặn trốn dưới bụng hoặc núp đầu vào cánh đối phương để tìm cơ hội phản công dũng mãnh; dùng chiêu trá bại dụ địch, giả thua bỏ chạy bỗng dưng quay ngược lại đá bất ngờ trúng vào cổ, đầu, mặt, mắt, ức đối phương.

Hùng kê quyền - thế võ dựa vào các miếng đánh của gà chọi và “nâng cấp” lên thành một trường phái trong các thế võ cổ truyền. Tương truyền, bài quyền này do Nguyễn Lữ, em trai Nguyễn Huệ sáng tạo để dành cho nghĩa binh rèn tập trong giai đoạn đầu. Bài quyền này theo thời gian và sự suy tàn của triều đại Tây Sơn đã ít nhiều bị mai một. 200 năm sau, cố võ sư Ngô Bông (quê tỉnh Quảng Ngãi) đã phục dựng toàn bộ bài võ độc đáo này và ông được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam xác nhận là “truyền nhân” của bài võ này. Cũng từ đó,  võ sư Ngô Bông mang Hùng kê quyền đi khắp năm châu và được giới võ thuật thán phục, ngưỡng mộ về một thế võ vô cùng độc đáo này.

Theo võ sư Vũ Văn Tặng (Võ đường Tây Sơn - Bình Định, KP.10, phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) , Hùng kê quyền dựa theo tinh thần lấy nhu chế cương. Cái nhu của Hùng kê quyền rất khác so với cái nhu trong các bài quyền: Lão hổ thượng sơn, Lão mai quyền, Ngọc trản quyền… của môn phái Tây Sơn - Bình Định và các môn phái khác. Đó là nhu trong nhu, trong tranh đấu, con gà luôn đảo mắt tìm kiếm sơ hở, điểm yếu của đối phương để tấn công. Chính vì vậy, để bắt đầu thọ học Hùng kê quyền, võ sinh phải có trình độ võ học nhất định (từ huấn luyện viên sơ cấp 12/18 trở lên).

Còn võ sư Hà Trọng Đăng (huynh trưởng của môn phái Tây Sơn - Bình Định tại tỉnh Đồng Nai) cho hay, các môn phái khác phần nhiều thiên về dương cương, có những điểm không phù hợp với thể chất người Việt Nam. Nguyễn Lữ vốn người mảnh khảnh và là người say mê nghệ thuật chọi gà. Trong một dịp tết, ông quan sát đôi gà chọi: một con to lớn kềnh càng, dũng mãnh, mặt đỏ gay, các đòn nặng nề sát thủ và một con nhỏ bé mà linh hoạt. Nhưng con gà to lớn kia đã liên tục phải cụp đuôi bỏ chạy trước sức tấn công bền bỉ, liên tiếp, nhanh như chớp của con gà nhỏ.

Thầy trò bên nhau dưới ánh điện.
Thầy trò bên nhau dưới ánh điện.

Võ sư Đăng nhấn mạnh, nguyên lý của thủy (nước) mà con gà nhỏ đã áp dụng theo bản năng: miên viễn, bền bỉ, nhẹ nhàng nhưng dữ dội, có thể chọc phá bất cứ một sơ hở nhỏ nào. Đặc tính của thủy được áp dụng trong bài bằng những yếu lĩnh, nhằm đến mục tiêu: yếu có thể đánh mạnh, thấp có thể đánh cao, nhỏ có thể đánh lớn, ít có thể đánh nhiều, gần có thể đánh xa, như những động tác dũng mãnh của con gà chọi nhỏ bé mà nhanh nhạy trước đối thủ, bài Hùng kê quyền sử dụng ngón tay trỏ để đâm (nhất dương chỉ) mô phỏng hình mỏ gà, các ngón còn lại co vào như chiếc cựa gà, thủ pháp độc đáo như vậy lại nhằm vào những mục tiêu hiểm của đối thủ, như: các huyệt đạo, ngực, hầu… Bộ pháp của bài quyền hết sức linh hoạt, thần tốc, xoay chuyển một cách biến ảo đã hỗ trợ cho việc thi triển thủ pháp một cách kiến hiệu, khiến đối thủ luôn phải hứng chịu những đòn thế có tính sát thương cực cao.

Dân Bắc mê Hùng kê quyền

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 9 võ đường (câu lạc bộ) của môn phái Tây Sơn - Bình Định do võ sư Hà Trọng Ngự làm trưởng môn. Võ sư Hà Trọng Đăng (đồ đệ của võ sư Hà Trọng Ngự) là huynh trưởng môn phái tại Đồng Nai. Võ sư Đăng cho biết, hiện 10 võ sư môn phái Tây Sơn - Bình Định do võ sư Hà Trọng Ngự đào tạo tại Đồng Nai thì có đến 9/10 võ sư đều là dân gốc Bắc, như: Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương… Các võ sư phụ trách các võ đường của môn phái Tây Sơn - Bình Định đều xuất thân từ công việc bình dân, như: hớt tóc, chạy ba gác, làm công nhân.

Vì mê võ Bình Định, các võ sư gốc Bắc ở Đồng Nai không ngừng trau dồi, quảng bá tinh thần võ học môn phái Tây Sơn - Bình Định cho các thế hệ trẻ. Hiện tại, 9 võ đường của môn phái Tây Sơn - Bình Định có trên 450 võ sinh duy trì tập luyện. Võ sinh được thọ giáo tuyệt kỹ Hùng kê quyền (từ cấp 12 trở lên) hiện có khoảng 30 người. Do Hùng kê quyền được phổ biến rộng rãi trong giới võ học cổ truyền Việt Nam, không còn bí mật của dòng tộc hoặc của môn phái, vì vậy tuyệt kỹ của nó nằm ở kỹ năng tiếp thu tinh hoa bài quyền của từng người. “Múa Hùng kê quyền rất dễ với người học võ. Còn thi triển Hùng kê quyền để cho các môn phái khác xem, đánh giá đòi hỏi tài năng, kỹ năng và kỳ công luyện tập” - võ sư Vũ Văn Lân (Võ đường Tây Sơn - Bình Định, phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) nói.

 Theo võ sư Hà Trọng Đăng, võ Tây Sơn và võ Bình Định có sự khác biệt rất rõ. Bởi vì, võ Tây Sơn có cơ sở về võ lý, được biến đổi qua các dòng họ và được chân truyền của môn phái. Còn võ Bình Định được truyền dạy tương đối dễ dãi, thêm bớt, sửa đổi có chủ ý. Trong võ Tây Sơn, cả cương lẫn nhu càng luyện càng thấy lợi hại khôn lường; võ Bình Định chuyên về ngoại công, ít chú trọng nội công như: hít thở, vận khí.

Vốn là anh chàng bán rau, hớt tóc mê võ, võ sư Hà Trọng Đăng tìm đến võ đường của võ sư Hà Trọng Ngự thọ giáo khi đó đã 42 tuổi và 6 mặt con. Gần 20 năm theo võ sư Ngự học võ, võ sư Đăng và các huynh đệ của mình luôn biết lấy võ đạo, võ học để rèn luyện sức khỏe, niềm tin cuộc sống, lao động. Dù mỗi người một quê hương, một công việc bình dân để mưu sinh, các đồ đệ của võ sư Hà Trọng Ngự vẫn khắc ghi lời thầy: “Nêu cao tinh thần thượng võ, tôn sư trọng đạo”.

Động tác của Hùng kê quyền như những động tác dũng mãnh của con gà chọi nhỏ bé mà nhanh nhạy trước đối thủ. Hùng kê quyền sử dụng ngón tay trỏ để đâm (nhất dương chỉ) mô phỏng hình mỏ gà, và các ngón còn lại co vào như chiếc cựa gà. Thủ pháp độc đáo như vậy lại nhằm vào những mục tiêu hiểm của đối thủ, như các huyệt đạo, ngực, hầu… Bộ pháp của bài quyền hết sức linh hoạt, thần tốc, xoay chuyển một cách biến ảo đã hỗ trợ cho việc thi triển thủ pháp một cách kiến hiệu, khiến đối thủ luôn phải hứng chịu những đòn thế có tính sát thương cực cao.

Đoàn Phú

 

 


 


 

Tin xem nhiều