Báo Đồng Nai điện tử
En

Tình nhỏ

11:01, 16/01/2017

Những năm 67, 68 của thế kỷ trước, Biên Hòa đi qua Tân Phong cảm giác xa vời vợi. Quãng từ Trường trung học Ngô Quyền trở xuống là phố thị, quãng từ ngã tư Vườn Mít lên đồng ruộng xen với rừng cây, đi mãi mới thấy mặt người...

1. Những năm 67, 68 của thế kỷ trước, Biên Hòa đi qua Tân Phong cảm giác xa vời vợi. Quãng từ Trường trung học Ngô Quyền trở xuống là phố thị, quãng từ ngã tư Vườn Mít lên đồng ruộng xen với rừng cây, đi mãi mới thấy mặt người. Vậy mà cô Cúc tuần hai lần một mình gánh hàng xuống tận chợ Biên Hòa, rồi xế trưa lại gánh phân, gánh lúa trở về. Người đi đường thấy cô từ xa là che mũi, bụm miệng quay đi. Đám học sinh Trường trung học Ngô Quyền thấy cô là chạy như gặp phải tà; lính từ xóm sở Mỹ ra cũng xua cô đi cho nhanh... Chỉ có thầy Khang, một thầy giáo trẻ từ Sài Gòn xuống dạy học, là không tỏ ra chê ghét hoặc xa lánh cô Cúc. Mỗi lần cô gánh phân tro xuất hiện bên đường thì anh gấp cuốn sách trên tay lại, vẻ mặt trầm ngâm, nán nhìn theo cô một lát. Có khi còn gật đầu với cô một cái...

Lễ Noel đến, công viên Kỷ Niệm được bày bán đủ thứ đồ chơi, hình nộm, nhiều nhất là kèn giấy và bóng bay, có cả múa lân, hát xiệc. Chiều muộn hôm đó, khi thầy Khang thơ thẩn đi bộ ra công viên ngắm hàng quà Giáng sinh thì cô Cúc tất tả cùng đôi quang gánh bước tới. Lần này cô không lẩn nhanh như đi trốn, mà sà xuống gần chỗ thầy Khang và đám con nít đang tụ tập. Cô nhanh nhảu mở tấm phên rơm đậy trên cái thúng ra, mời mọc như quen biết từ lâu:

- Thầy ơi, thầy mua gà con nuôi đi thầy. Thầy lấy một cặp, em để rẻ cho!

Thầy Khang cắp cuốn sách đọc dở vào nách, ghé mắt vào quang gánh ngắm bọn gà con đang liếp nhiếp, loi nhoi. Ngó sang cô Cúc, thầy lấy làm lạ vì bữa nay cô mặc bà ba trắng chứ không mặc đồ nâu, đầu tóc, chân tay cô trắng trẻo, thơm tho chứ không có bốc mùi phân tro thối khắm như người ta đồn.

Thầy Khang nhìn vào mắt cô Cúc đang long lanh chờ đợi mà nói:

- Tui không có tiền mua gà, cũng không biết nuôi tụi nó. Hay là... cô cho tui mua thiếu, tui lấy cặp gà cô nuôi giùm cho tui nha...

2. - Sao kỳ vậy hả bà? Rồi cô Cúc có bán thiếu không?

- Ủa, sao bà im lặng. Bà kể tiếp đi bà!

Bọn học trò nghèo trong xóm thúc giục một hồi, bà Năm thủng thẳng kể tiếp:

- Thầy Khang ổng nói lơi vậy thôi mà cô Cúc về nuôi đôi gà con thiệt tình. Tinh mơ, trước khi gánh rau xuống Biên Hòa là cổ mở lồng cho chúng, thảy sẵn lúa đậu cho chúng ăn. Chiều chiều, sau khi gánh phân về, trồng tỉa ngoài đồng xong là cổ về vuốt ve chúng một hồi rồi cho lên chuồng. Cặp gà trống mái quyến luyến cổ không rời. Kể cả đến Tết Mậu Thân, lửa đạn đỏ trời, cô Cúc theo gia đình đi sơ tán, cô vẫn quảy theo cặp gà vào tận khu Bùng Binh (bây giờ gọi là Trảng Dài), không cho ai ăn thịt hết đó.

Thời gian đó, không rõ cô có gặp lại thầy Khang không, chỉ thấy cô luôn có vẻ lặng lẽ, nín lặng. Có người đánh tiếng muốn lấy cô làm vợ nhưng cô không chịu, nói ở nhà phụ giúp cha mẹ nuôi đàn em. Sau mấy trận súng đạn ầm ì, xe tăng thiết giáp chạy rần rần quần đảo ngoài đường lộ, cô Cúc nghe tin thầy Khang bị bắt, giam ở ty cảnh sát. Người ta đồn thầy Khang là Việt cộng, ngày dạy học, tối đi tuyên truyền cho cách mạng, rải truyền đơn... Mỗi lần về Sài Gòn thăm nhà, thầy đều giấu theo tài liệu, thuốc thang mang về Biên Hòa tiếp tế. Tội của thầy khá nặng, có lẽ sẽ bị xử theo án binh…

Cha mẹ cô Cúc chỉ kịp nghe mấy chữ: “Con đi nuôi tù!”, là thấy cô đi mất dạng. Đến ty cảnh sát, cô xăm xăm xin vào thăm thầy Khang, mà không biết phép tắc thăm tù phải chứng minh được mình là thân nhân. Đến cả họ tên thật của thầy Khang cô cũng không biết. Nhưng không rõ là may hay rủi, người ta nhận diện ra cô thường gánh phân tro đi bộ khắp vùng; có lẽ nghi cô hoạt động cùng thầy Khang nên họ cho cô vào trại, chủ yếu để thăm dò cả hai.

Giáp mặt thầy Khang, sau bao ngày xa cách, nhớ mong, cô Cúc không thể nhận ra người trong mộng. Gương mặt khôi ngô, trẻ trung bầm nát, tấm thân tuấn kiệt gầy khô như que củi, áo quần xộc xệch rách bươm. Cô Cúc mở nhanh cái túi, lấy quả trứng gà ra bóc vỏ, lăn nhè nhẹ lên mặt thầy. Quả trứng còn nóng ấm, nhưng bàn tay của cô run rẩy, toàn thân như bị sốt.

- Em gái à! Sao em tốt với tôi vậy? Em còn chưa biết tôi ở đâu, con cái nhà ai...

- Em... em... Mà thôi, đây là trứng gà của thầy, em chỉ nuôi giùm thôi...

Cô Cúc đặt vào bàn tay xanh xao của thầy Khang quả trứng đã tách làm đôi, nhìn lòng trứng hồng tươi mà thầy rơi nước mắt. Cô Cúc run run nói:

- Thầy ăn đi, cho khỏe. Thầy không khỏe, không đi dạy học được nữa đâu.

- Ừ!... Thầy Khang chậm rãi ăn trong im lặng.

Một lát sau, thầy hỏi nhỏ:

- Này em! Em có biết đọc, biết viết không?

- Dạ... không...  - cô Cúc xấu hổ cúi đầu.

Tiếng nói của thầy Khang lại càng nhỏ, nhẹ hơn nữa:

- Vậy em đi học ngay đi. Có biết chữ, em mới giúp được chúng tôi...

3. Đó, gặp đâu bảy phút, nói chừng ba câu, vậy mà cô Cúc về nhà quyết tìm thầy đi học. Ban ngày cô vẫn làm ruộng, gánh rau đi bỏ sỉ, đổi lấy phân bón ruộng; tối cô đi học bình dân học vụ. Mười tám tuổi đầu, như người ta là đã có con, còn cổ thì ngồi học chữ chung với mấy đứa con nít. Chính tụi nhỏ còn xa lánh, chê cổ hôi mùi phân heo, nhưng thầy dạy bình dân học vụ nói là: “Người nông dân nghèo mới cần được học, cần được xã hội quan tâm nhất!”. Cô học chăm và sáng dạ lắm, chỉ chừng nửa năm là đọc và viết được cơ bản rồi.

Nhưng được cái chữ thì cũng bị lắm điều oan trái. Chánh quyền kiếm cớ vào khám xét nhà cô liên tục; có thằng sĩ quan trắng trợn bảo với cha mẹ cô: “Con gái ông bà theo Việt cộng. Một là bảo nó lấy tôi, hai là cả nhà đi tù mọt gông!”. Cô liền cãi: “Ông nói phải có bằng chứng chứ. Tôi đi học cho biết chữ, còn dạy lại cho em tôi. Chứ không biết gì bị người ta lừa, người ta khinh...”. Chịu không nổi áp lực xung quanh, cha mẹ cô cũng ép cô lấy chồng, nhưng cô không nghe. Đỉnh điểm, ông bà đòi từ mặt cô. Cô dọn xuống chợ Biên Hòa ở với chị bán rau, bạn hàng lâu năm của nhà mình. Lúc này, cô mới biết chị là một cơ sở liên lạc của cách mạng; trong lòng cô nuôi lớn bao nhiêu là hy vọng, cô mong tin thầy Khang, mong chiến tranh kết thúc, mong cha mẹ hiểu lòng cô...

- Bà ơi! Rồi cô Cúc có gặp lại thầy Khang không? Có happy ending không bà?

- Happy ending là cái gì, bà không biết. Đâu năm 1969, cô Cúc mới dò la được tin tức về thầy Khang. Thầy bị đưa tới nhà lao Cây Dừa (tên khác của nhà tù Phú Quốc), một trong hai địa ngục trần gian như những nhà báo viết về nhân quyền thời đó nói. Nhà chị Mùi bán rau có một khu vườn nhỏ, thỉnh thoảng chôn giấu truyền đơn, có khi là vũ khí nữa. Cô Cúc mang về một đôi gà giống, ấp iu nuôi nấng chúng thành một bầy đông ơi là đông. Chị Mùi hỏi sao nuôi gà hoài không giết thịt chúng đi nhưng cô Cúc không nói gì, chỉ nhặt trứng gà đem cho trẻ con trong xóm chợ. Có lần chị Mùi mới đem truyền đơn về giấu trong vườn, bọn biệt kích xộc vào khám xét. Nhờ bầy gà bay tứ lung tung mà chúng kết luận là “dấu vết chắc do gà bới!”, bỏ qua không khui hầm. Hai chị em thoát nạn.

Cô Cúc bao nhiêu năm trời quanh quẩn Biên Hòa, Tân Phong, nhưng đến năm 1973, nghe tin chính quyền Sài Gòn trao đổi tù binh, cô đã khăn gói ra tận Quảng Trị để tìm người thương. Thực ra, họ đưa tù chính trị ở Phú Quốc về tập kết ở Biên Hòa, nhưng cô không thể nào gặp được thầy Khang. Cô lao ra sông Thạch Hãn, ôm lấy bất cứ người tù nào chạy tới, nhưng rồi cô hoa mắt, choáng váng vì người nào cũng ốm đói, gầy guộc giống như nhau...

Bà Năm lau nước mắt, hồi lâu mới nhận ra đám học trò con nít đang im lặng nhìn mình. Bà mỉm cười kể tiếp:

Cuối cùng cô Cúc cũng gặp được thầy Khang. Lúc đó thầy có hai sự lựa chọn, một là ra Bắc trị bệnh, hai là ở lại quân đoàn Quảng Trị. Nhưng gặp lại cô Cúc, thầy quyết định cái một, xin với chỉ huy: “Cho em về Biên Hòa, em vốn là thầy giáo dạy ở Trường trung học Ngô Quyền”. Về Biên Hòa, thầy nằm liệt giường hơn một năm, cô Cúc tẩm bổ cho thầy bằng các loại gà và các loại thuốc, khó tìm đến mấy cô cũng mua được. Học trò cũ tìm đến. Đến khi nước nhà thống nhất, thầy Khang được đưa đi trị bệnh, rồi về dạy học ở Trường trung học Ngô Quyền. Sau đó thầy học làm nông, về ra mắt cha mẹ cô Cúc...

- Bọn bay biết không, cổ “đì” thầy Khang làm thấy bà luôn. Nhờ vậy mà thầy mới có sức khỏe, sống khỏe tới tận bây giờ đó. Ổng còn ham làm vườn lắm, cả cái giàn cây kiểng kia tự tay ổng chăm hết đó...

- Vậy thầy Khang là...?

- Ông Năm chứ ai. Chồng yêu của bà Năm đó. Tại bà Cúc lấy chồng gọi theo thứ tự anh em bên chồng. Chứ hồi xưa cha mẹ bà cứ mở miệng là gọi “chồng con Cúc” một cách yêu quý lắm.

Đám học trò ngẩn ra một hồi, rồi vỗ tay reo cười khanh khách. Ngoài vườn ông Năm buông bình tưới, đeo kính vào nhặt lá cho gốc mai già.

Truyện ngắn của nhà văn Trần Thu Hằng

 

Tin xem nhiều