1. Hồi tôi học phổ thông, cô giáo dạy văn ra đề bài: "Con gái Mác có lần hỏi Mác: "Bố ơi, hạnh phúc là gì?", Mác trả lời: "Hạnh phúc là đấu tranh". Hãy bình luận câu nói trên". Tất nhiên, tôi làm bài "đúng quan điểm", được điểm cao, nhưng từ đó đến nay trong lòng tôi vẫn đau đáu tìm câu trả lời cho riêng mình.
1. Hồi tôi học phổ thông, cô giáo dạy văn ra đề bài: “Con gái Mác có lần hỏi Mác: “Bố ơi, hạnh phúc là gì?”, Mác trả lời: “Hạnh phúc là đấu tranh”. Hãy bình luận câu nói trên”. Tất nhiên, tôi làm bài “đúng quan điểm”, được điểm cao, nhưng từ đó đến nay trong lòng tôi vẫn đau đáu tìm câu trả lời cho riêng mình.
Núi rừng Hà Giang và những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, thu hút du khách. |
Tôi đã cật lực làm việc nhằm kiếm nhiều tiền để hưởng thụ cuộc sống, đã phấn đấu để đạt đến cái gọi là vị trí trong xã hội… nhưng rồi tôi cũng tự biết mình vẫn chưa tìm được lời giải cho câu hỏi đau đáu năm xưa. Cho đến một ngày, tôi tình cờ đến Nậm Đăm…
Những nụ cười tỏa sáng ở Hà Giang |
Nậm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) là bản của người dân tộc Dao áo dài, cách TP.Hà Giang khoảng 45km trên đường đi Đồng Văn, qua khỏi Cổng trời Quản Bạ chừng 8km. Nậm Đăm heo hút giữa vùng rừng núi trùng điệp hiểm trở của Hà Giang, quanh co qua không biết bao nhiêu triền núi và khúc cua “cùi chỏ”. Người Nậm Đăm sống đơn sơ mộc mạc, cuộc sống chưa hẳn đủ đầy, nhưng ở đây tôi đã nhìn thấy những nụ cười hạnh phúc.
Những nụ cười tỏa sáng ở Hà Giang |
2. Chỉ chừng chục năm trước đây thôi, chẳng mấy ai biết đến Nậm Đăm. Bà con dân tộc Dao ở đây giành với đá, với núi từng tấc đất để sinh sống, trồng trọt. Những ngôi nhà, thửa ruộng bậc thang, cánh đồng tam giác mạch chênh vênh như treo trên triền núi đá. Đất đai ít ỏi, thời tiết khắc nghiệt, mỗi năm người dân ở Nậm Đăm chỉ trồng được một vụ lúa nương, tranh thủ lắm cũng chỉ thêm được một vụ gieo trồng ngô răng ngựa (một giống bắp hạt lớn, cứng, năng suất cao) và tam giác mạch. Giao thông không thuận lợi, nông sản thu hoạch ít nên bà con người Dao Nậm Đăm chủ yếu tự cấp tự túc, đời sống rất khó khăn.
Những nụ cười tỏa sáng ở Hà Giang |
Năm 2012, với sự hỗ trợ của Tổ chức Caritas (Thụy Sĩ) và Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature), người dân Nậm Đăm bắt đầu “làm du lịch” ngay tại bản mình. Cách làm của bà con cũng rất đơn giản: thu hút du khách bằng chính vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của quê hương Hà Giang và bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Ông thổi khèn, bà và các cháu quây quần xung quanh - một bức tranh bình yên. |
Từ bao đời nay, người Dao Nậm Đăm có tập quán sống trong những ngôi nhà tường trình đất sét hoặc nhà nửa đất nửa sàn gỗ, mái ngói âm dương hoặc mái tranh, giúp giữ ấm về mùa đông và mát vào mùa hè. Làm du lịch, người dân giữ nguyên các loại hình nhà, nhưng sửa chữa theo cách nối dài hoặc nâng mái biến đổi từ gác xép thành tầng ngủ, xây dựng thêm nhà vệ sinh tiện nghi, hiện đại để phục vụ du khách thích mô hình homestay. Ông Lý Đại Duyên vừa đầu tư gần 1 tỷ đồng để sửa chữa nhà phục vụ du khách, cho biết ông rất mừng vì vẫn được sống trong ngôi nhà của tổ tiên nhưng giờ đã khang trang, tiện nghi hơn. Khách nước ngoài thích thú ở trong ngôi nhà tường đất sét vàng óng đầy nét đặc trưng dân tộc Dao của ông, thu nhập sau khi trả tiền vay ngân hàng cũng còn được khoảng 4-5 triệu đồng. “Với tôi, thế là quá hạnh phúc rồi” - ông Duyên cười vui vẻ.
Phụ nữ người Mông ở Nậm Đăm nấu cao atisô để bán cho du khách |
Ông Lý Tà Đanh cũng sửa nhà đón khách, đồng thời cung cấp thêm dịch vụ nấu ăn. Khách đến nhà ông ưa chuộng những món đặc sản của người Dao do bà con trong bản tự nuôi trồng, cung cấp như: măng rừng hầm với xương lợn, thịt lợn nướng, rau tầm bóp xào, rau dớn luộc, cá suối, mèn mén, cháo ấu tẩu, rượu ngô… Lợn cắp nách nhỏ con, ít mỡ, thịt được ướp mắc khén (một loại gia vị của người dân tộc vùng Tây Bắc) thơm lừng luôn làm du khách mê mẩn. Du khách có nhu cầu sẽ được phục vụ văn nghệ với những làn điệu Páo dung giao duyên, đối đáp nam nữ duyên dáng trữ tình. Để thu hút du khách, 100% người dân Nậm Đăm mặc trang phục truyền thống dân tộc Dao, ngay cả lúc lên nương.
Năm 2013, Hợp tác xã cộng đồng Nậm Đăm ra đời, trở thành bước ngoặt trong phát triển kinh tế của người dân Nậm Đăm. Với lợi thế hiểu biết về các loại dược liệu, bài thuốc của người Dao, hợp tác xã sản xuất các sản phẩm như cao atisô, trà gừng, thuốc xoa bóp trị đau nhức, lá thuốc tắm… Phía sau hợp tác xã cũng xây dựng 2 dãy nhà cho khách tắm thuốc. Hầu như du khách đến Nặm Đăm đều “thủ” một vài sản phẩm của hợp tác xã để dùng hoặc làm quà.
Thiếu nữ dân tộc Bố Y bên ruộng tam giác mạch ở huyện Quản Bạ. |
Lý Tà Đành, vị trưởng thôn trẻ măng mới bước qua tuổi 30, cho biết trước đây tỷ lệ hộ nghèo của Nậm Đăm hơn 40%, đến nay trong số 51 hộ dân ở Nậm Đăm chỉ còn 2 hộ nghèo do neo đơn, lớn tuổi. Thu nhập bình quân của người dân Nậm Đăm hiện nay khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Khi tôi nhận xét mức thu nhập này chưa bằng lương lao động phổ thông ở Đồng Nai, ông Lý Đại Thông, Bí thư chi bộ thôn Nậm Đăm, cười ý nhị: “Tôi không biết người dưới xuôi như thế nào, nhưng người Nậm Đăm chúng tôi ngày nay có việc làm, đủ ăn đủ mặc, được sống trên mảnh đất của tổ tiên, giữ gìn được phong tục, tập quán của dân tộc và truyền lại cho con cháu, thế là đã cảm thấy rất hạnh phúc rồi”.
3. Không chỉ ở Nậm Đăm, sau những ngày ở Hà Giang tôi trở về mang theo những nụ cười tỏa nắng trong ngày giá rét của rất nhiều bà con dân tộc Mông, Lô Lô, Bố Y… Miên man suy nghĩ, tôi chợt “ngộ” ra rằng chỉ số hạnh phúc của con người không hẳn được tính bằng tiền tài danh vọng, bằng cổ phiếu, sổ đỏ, mà hạnh phúc chỉ có khi mình biết bằng lòng với những gì đang có.
Và nụ cười tỏa nắng của du khách ở Nậm Đăm. |
Phật dạy “Thiểu dục tri túc”, ít ham muốn mới thấy mình đầy đủ. Biết đủ là đủ, biết dừng là đến, biết nhẫn là đạt. Đó thật chính là cội nguồn hạnh phúc.
Hà Lam