Báo Đồng Nai điện tử
En

Bây giờ - "Lính Tổng kho"

08:01, 17/01/2017

Đã trở thành nét văn hóa truyền thống, cứ mỗi dịp xuân về tết đến, các đơn vị trực thuộc Tổng cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng ở khu vực Tổng kho Long Bình lại tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ hành quân về các địa phương kết nghĩa, tri ân nhân dân, tặng quà tết cho đối tượng chính sách và các hộ nghèo.

Bộ đội tiếp quản Tổng kho Long Bình năm 1975. (Ảnh tư liệu)
Bộ đội tiếp quản Tổng kho Long Bình năm 1975. (Ảnh tư liệu)

Tổng kho Long Bình ngày ấy, bây giờ

Đã trở thành nét văn hóa truyền thống, cứ mỗi dịp xuân về tết đến, các đơn vị trực thuộc Tổng cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng ở khu vực Tổng kho Long Bình lại tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ hành quân về các địa phương kết nghĩa, tri ân nhân dân, tặng quà tết cho đối tượng chính sách và các hộ nghèo. Đó là nghĩa cử “uống nước nhớ nguồn”, bồi đắp mối quan hệ đoàn kết máu thịt giữa quân với dân, củng cố trận địa “quân ở trong dân”, giúp các đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ…

Công việc ở tổng cục bận rộn, nhưng Thiếu tướng Nguyễn Hữu Chính, Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng, vẫn không quên lời hứa với các gia đình chính sách và bà con nghèo các xã vùng sâu của huyện Tân Phú. Anh vào Đồng Nai tổ chức đoàn cán bộ đi thăm, trao quà, khánh thành nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách và hộ nghèo. Đi cùng đoàn, chúng tôi được các má, các dì chào đón bằng câu quen thuộc: “Các chú tổng kho ở trển (trên ấy) mới dzìa (về) hả?”. Ban đầu tôi có chút thắc mắc. Cái từ “Lính Tổng kho” ngày xưa, mỗi khi nhắc đến là gắn với những trận càn quét, tuần tra, kiểm soát gắt gao của lính Mỹ và quân đội chính quyền tay sai. Trong chiến tranh, Tổng kho Long Bình là căn cứ quân sự khổng lồ, nơi dự trữ, cung cấp các loại vũ khí, đạn dược, phương tiện, khí tài quân sự phục vụ chiến trường Đông Dương, trọng tâm là chiến trường miền Nam Việt Nam của Mỹ. Tầm quan trọng của tổng kho khiến địch luôn chú trọng công tác “làm sạch địa bàn”. Bên cạnh hệ thống phòng ngự, bảo vệ tối tân, hiện đại, địch thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, vào dân lùng sục, bắt bớ, tra tấn những người bị tình nghi. Thế nên “Lính Tổng kho” là cái tên đầy ám ảnh đối với người dân địa phương lúc bấy giờ.

Kiểm tra công tác bảo quản vật tư kỹ thuật quân sự.
Kiểm tra công tác bảo quản vật tư kỹ thuật quân sự.

Tôi đồ rằng, người Đồng Nai thế hệ “6X” trở về trước, không ai không biết Tổng kho Long Bình. Sau ngày giải phóng, địa danh Tổng kho Long Bình không còn trên bản đồ hành chính của tỉnh Đồng Nai. Nhưng hơn 40 năm trôi qua, người dân vẫn quen gọi bộ đội ở các đơn vị đóng quân trong khu vực Tổng kho Long Bình trước đây với cái tên “Lính Tổng kho”! Chuyện này kể cũng lạ!

Vùng đất của Tổng kho Long Bình trước đây, nay thuộc địa bàn các phường: Long Bình, Long Bình Tân, An Bình, các xã Phước Tân, Tam Phước… của TP.Biên Hòa, kéo dài xuống một phần của 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch… Khu vực này là địa bàn đóng quân của các  đơn vị kho, xưởng, xí nghiệp… trực thuộc Tổng cục Kỹ thuật. Ngoài ra, còn có một số đơn vị khác trực thuộc Bộ Tổng tham mưu, Quân đoàn 4, Quân khu 7, Quân chủng Hải quân, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng… Nhiều người nói vui, đây là “thủ phủ” của lính trên đất Đồng Nai. Một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các đơn vị quân đội trong thời bình là làm công tác dân vận, xây dựng địa bàn, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trong thế trận lòng dân, thế trận chiến tranh nhân dân. Và đã thành thói quen, mỗi khi về với dân, bộ đội ta lại được bà con yêu quý gọi “Lính Tổng kho”. Tôi đem chuyện này tâm sự với Thiếu tướng Nguyễn Hữu Chính. Cứ nghĩ anh ở Hà Nội, không mấy rành rẽ phong tục của người Đồng Nai, đâu ngờ anh lại tỏ ra khá tường tận:

- Người Đồng Nai phong cách dân dã, sống nghĩa tình. Bà con gọi bộ đội mình theo thói quen từ ngày xưa, nhưng ý nghĩa và thái độ thì hoàn toàn khác.

Ngẫm lại những lần đồng hành với bộ đội ở các kho, xưởng đi giúp dân, tôi hiểu rõ tình cảm, sự yêu quý chân thành của bà con dành cho những người lính  Tổng cục Kỹ thuật. Chẳng hạn, chuyện một số đơn vị ở đây được giao thêm nhiệm vụ huấn luyện lực lượng dự bị động viên cho các huyện miền núi tỉnh Đồng Nai, nơi có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Nếu không có sự ủng hộ của dân, làm sao có thể huy động, tổ chức lực lượng nhanh gọn chỉ trong một vài ngày. Ấy là sự khác biệt căn bản giữa “Lính Tổng kho” của địch ngày xưa và “Lính Tổng kho” bộ đội Cụ Hồ hôm nay.

Lại nhớ có lần gặp gỡ, trò chuyện với Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Công An, một trong những nhân vật huyền thoại của Đặc công Biên Hòa, từng nhiều lần xuất quỷ nhập thần đánh phá Tổng kho Long Bình trong những năm kháng chiến. Ông kể rằng: Tổng kho được địch quy hoạch, bố trí rất nhiều kho, trạm, xưởng trên diện tích đất lên đến 42km2. Đây là nơi tập trung sức mạnh quân sự của địch, khu vực dự trữ vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự, phục vụ cho chiến trường Đông Dương của Mỹ. Để bảo vệ an toàn cho cái “hầu bao” sức mạnh quân sự khổng lồ này, địch bố trí hệ thống phòng ngự, bảo vệ dày đặc, với đầy đủ các phương tiện kỹ thuật tối tân kết hợp với đội quân chó nghiệp vụ, trồng cỏ Mỹ, thả rắn độc, nuôi ngỗng… nhằm ngăn chặn sự xâm nhập, tấn công của Việt Cộng. Lực lượng đồn trú trong tổng kho ngoài Bộ Tư lệnh dã chiến II Mỹ, Bộ Tư lệnh hậu cần số 1 của Mỹ, là đội quân hùng hậu làm nhiệm vụ canh gác, tuần tra, kiểm soát. Với hệ thống phòng ngự, bảo vệ dày đặc đến mức con chuột chạy qua cũng bị phát hiện, nhưng đặc công ta vẫn xâm nhập, đánh những trận vang dội. Bên cạnh bản lĩnh, trí tuệ, lòng dũng cảm và tài nghệ xuất quỷ nhập thần của đặc công ta, phải kể đến sức mạnh từ sự che chở, đùm bọc của nhân dân. Các cựu chiến binh đặc công năm xưa kể rằng, họ trinh sát, nắm địch, biết được chỗ nào là “gót chân A-sin” trong phòng thủ để đột nhập vào tổng kho, một phần quan trọng nhờ vào tai mắt của dân. Những người dân ở gần, hàng ngày cắt cỏ, chăn trâu bò phía ngoài những hàng rào dây thép gai, nhiều người được địch thuê vào bên trong cắt cỏ, dọn vệ sinh, thu lượm phế liệu… đã trở thành những “chiến sĩ trinh sát” tuyệt vời. Để giúp đặc công ta qua mặt được đội quân chó nghiệp vụ, người dân đã lấy quần áo thấm đẫm mồ hôi của chiến sĩ, giặt lấy nước đầu đem trộn làm thức ăn cho chó để chúng quen mùi, không sủa khi phát hiện. Rắn độc và ngỗng cũng được dân bày cách vô hiệu hóa bằng những biện pháp dân gian. Lòng dân là bệ đỡ sức mạnh làm nên chiến thắng.

Vững vàng “quân ở trong dân”

Bây giờ, đến các đơn vị ở khu vực Tổng kho Long Bình với những cái tên quen thuộc, như: J.250, K.888, KT.580, K.860, X.201, T.263… hệ thống kho tàng từ ngày tiếp quản vẫn được các đơn vị bảo quản, sử dụng, phát huy hiệu quả theo phương châm “Giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm”, nhưng chẳng còn thấy kiểu phòng thủ, bảo vệ tầng tầng lớp lớp thép gai, gài mìn theo kiểu Mỹ, vậy nhưng các đơn vị luôn đảm bảo tuyệt đối an toàn. Bí quyết lại vẫn là ở lòng dân. Bài học và kết quả xây dựng thế trận lòng dân của “Lính Tổng kho” hôm nay cũng chính từ đây. “Để dân tin, dân mến, dân ủng hộ, dân đùm bọc… thì tất cả những việc làm cho dân đều đi từ lương tâm, trách nhiệm chứ không thể bằng hình thức” - các sĩ quan ở Kho J.250 tâm sự với chúng tôi khi nói về công tác dân vận. Ví như vừa qua, những người lính Kho J.250 trong khi tuần tra, đã không quản hiểm nguy tính mạng, truy đuổi cướp, cứu sống một người dân làm nghề chạy xe ôm bị tên cướp cắt cổ trong đêm khuya thanh vắng. Rồi chuyện nhường cơm sẻ áo, cưu mang những thân phận hoạn nạn, khó khăn trên địa bàn đóng quân của các đơn vị đã gieo vào lòng dân niềm tin yêu chân thành. Tôi biết rất rõ chuyện một cán bộ đã cưu mang, nuôi nấng một cháu bé bị bỏ rơi từ lúc còn đỏ hỏn. Đến nay, đứa con nuôi của người cán bộ ấy đã là học sinh cuối cấp THCS, là trò giỏi con ngoan. Cháu không hề biết đến thân phận từ lúc lọt lòng, bởi cha mẹ cháu đã dành cho cháu tất cả tình yêu thương như máu mủ ruột thịt. Tôi đã định đưa chuyện này lên báo, nhưng người cán bộ mang phù hiệu của ngành kỹ thuật quân đội ấy bảo, chưa đến lúc. Chờ cho cháu khôn lớn trưởng thành rồi mới cho cháu biết. Tôi tôn trọng tình cảm thiêng liêng ấy nên xin phép bạn đọc, chỉ có thể nói được chừng ấy!

Bảo quản xe tăng tại Kho KT.580.
Bảo quản xe tăng tại Kho KT.580.

Quân ở trong dân. Kho, xưởng nằm giữa lòng dân. Tình cảm bền chặt chia ngọt sẻ bùi mọi lúc, mọi nơi giữa quân với dân đã tạo nên những bức tường thành bền vững, giúp các đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống vũ khí trang bị, đạn dược, phương tiện, vật tư kỹ thuật quân sự với khối lượng cực lớn suốt hơn 4 thập kỷ qua.

Một trong những dấu ấn sâu sắc của “Lính Tổng kho” trong lòng dân Đồng Nai là chương trình hỗ trợ, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo trên địa bàn đóng quân. Chỉ tính riêng các đơn vị của Tổng cục Kỹ thuật, trong 5 năm qua đã trao tặng gần 170 căn nhà.  Cố gắng xây được nhiều căn nhà nhưng phải đảm bảo chất lượng, chắc, đẹp, bền, hiệu quả sử dụng cao… là phương châm chỉ đạo của Đảng ủy Tổng cục Kỹ thuật. Hàng năm, cán bộ của các kho, xưởng  phối hợp với địa phương khảo sát, lập danh sách, lên phương án thực hiện. “Xây nhà cho dân là một cách tri ân lòng dân. Xây theo ý dân chứ không chỉ xây theo những gì mình có. Chúng tôi luôn quán triệt cho anh em trong quá trình khảo sát, xây dựng phải luôn lắng nghe tâm tư của dân, góp ý của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương” - Thiếu tướng Nguyễn Hữu Chính nói, khi cùng chúng tôi đến thăm gia đình cụ Võ Văn Nuôi, đối tượng người có công cao tuổi ở xã Phú Thịnh, huyện Tân Phú. Cũng như nhiều hộ gia đình khác, ngôi nhà tình nghĩa Tổng cục Kỹ thuật xây tặng cụ Nuôi rất đẹp, rộng rãi và khang trang. Năm nào cũng vậy, Tổng cục Kỹ thuật  đều có những cuộc “Nam tiến”, đưa cán bộ luân phiên đến tận từng ấp, thôn, xã… nơi đóng quân của các đơn vị trực thuộc để nắm dân, gần dân. Những năm gần đây, các đơn vị kho, xưởng trên đất tổng kho mở rộng địa bàn kết nghĩa đến các xã, huyện vùng sâu, vùng xa. Hình ảnh “Lính Tổng kho” gắn liền với những chương trình, hoạt động dân vận ở những vùng đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. “Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đòi hỏi chúng ta phải chủ động chuẩn bị mọi khả năng. Khi đất nước có tình huống chiến tranh, những nơi hôm nay chúng ta đến sẽ là các kho, trạm tiền phương của ngành kỹ thuật quân đội, đáp ứng yêu cầu cơ động nhanh, sẵn sàng chiến đấu tốt” - Thiếu tướng Nguyễn Hữu Chính nói.

Lại nhớ trong chuyến về với dân dịp cận tết năm 2014, chúng tôi đã rất xúc động khi gặp được người cựu chiến binh đặc biệt, đó là cụ Nguyễn Công Trạo, ở xã Phú Bình, huyện Tân Phú. Thời trẻ, cụ Trạo từng lái xe phục vụ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Tuổi già, sức yếu, lại sinh sống ở địa bàn vùng sâu nên cuộc sống cụ khá khó khăn. Chục năm trước, cụ được địa phương làm cho một căn nhà nhỏ, hiện đã hư hỏng, xuống cấp. Nguyện vọng của cụ là muốn có một căn nhà khang trang hơn để sống những năm tháng cuối đời. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Chính hứa ngay: “Chúng con sẽ xây nhà cho cụ”! Và dịp tết năm 2015, cụ Trạo đã đón cái tết đầu tiên trong ngôi nhà tình nghĩa khang trang, trị giá hơn 100 triệu đồng. Và hôm nay, khi số Báo Đồng Nai Xuân Đinh Dậu 2017 đến tay bạn đọc thì các hộ chính sách, hộ nghèo của tỉnh Đồng Nai vừa có thêm 2 căn nhà tình nghĩa mới khánh thành của “Lính Tổng kho”.

Mỗi căn nhà, mỗi con đường, mỗi công trình dân sinh, mỗi việc làm tình nghĩa mang dấu ấn “Lính Tổng kho” hôm nay là những viên gạch mới, đặt lên nền móng truyền thống xây cho bức tường thành trong trận địa lòng dân của bộ đội Cụ Hồ thêm cao, thêm dày, nối dài những chiến công thầm lặng vì Tổ quốc bình yên và phát triển…           

Ghi chép của PHAN TÙNG SƠN

 

Tin xem nhiều