Báo Đồng Nai điện tử
En

Tính ưu việt của bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

08:07, 21/07/2023

Để khuyến khích người lao động (NLĐ) làm việc không theo hợp đồng lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), Chính phủ vừa có dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội (BHXH) TNLĐ theo hình thức tự nguyện đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động.

Để khuyến khích người lao động (NLĐ) làm việc không theo hợp đồng lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), Chính phủ vừa có dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội (BHXH) TNLĐ theo hình thức tự nguyện đối với NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động.

Luật gia Phạm Đình Đức (phải, Hội Luật gia TP.Biên Hòa) hỗ trợ người lao động tìm hiểu về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện. Ảnh: Đ.PHÚ
Luật gia Phạm Đình Đức (phải, Hội Luật gia TP.Biên Hòa) hỗ trợ người lao động tìm hiểu về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện. Ảnh: Đ.PHÚ

Theo dự thảo Nghị định về BHXH TNLĐ, khi tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện, NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động sẽ được thụ hưởng chính sách về trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp phục vụ… khi không may bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

* Lần đầu tiên có chế độ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện

Dự thảo Nghị định về BHXH TNLĐ có 6 chương, 39 điều, quy định khá chi tiết về điều kiện tham gia, thụ hưởng Quỹ Bảo hiểm TNLĐ tự nguyện; hồ sơ, thủ tục tham gia, giải quyết chế độ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện; quyền và trách nhiệm của cơ quan BHXH, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, NLĐ đối với bảo hiểm TNLĐ tự nguyện…

Ngoài ra, dự thảo Nghị định về BHXH TNLĐ còn quy định về: chế độ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện; điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện; trợ cấp một lần; trợ cấp hàng tháng; phương thức đóng và mức đóng của NLĐ tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện; tạm dừng đóng và hoàn trả một phần tiền đóng bảo hiểm TNLĐ tự nguyện…

Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) cho biết, theo quy định hiện nay, NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động cũng không thuộc đối tượng pháp luật bắt buộc phải tham gia bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Trong khi đó, lực lượng lao động này hiện chiếm tỷ lệ khá lớn tại đô thị, nông thôn như: buôn bán hàng rong, tài xế xe ôm, người giúp việc, thợ hồ, lao động nông nghiệp… Do họ không có bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp nên khi xảy ra TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, họ mất đi nguồn tài chính hỗ trợ, thụ hưởng quan trọng.

“Nếu bị TNLĐ, NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động cũng rất cần được chữa trị và có các khoản hỗ trợ để giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống. Do đó, nếu có bảo hiểm TNLĐ tự nguyện sẽ đỡ đần NLĐ rất nhiều” - luật gia Phạm Đình Đức cho hay.

* Quy định về mức đóng, mức hưởng

Luật sư Nguyễn Quang Khiêm (Đoàn Luật sư Đồng Nai) hướng dẫn, dự thảo Nghị định quy định về BHXH TNLĐ quy định, NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động có thể tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện theo các hình thức đóng như: hàng tháng hoặc 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần; với mức đóng hàng tháng bằng 2% mức lương tối thiểu vùng IV do Chính phủ quy định.

Khoản 1, Điều 7 dự thảo Nghị định quy định về BHXH TNLĐ nêu rõ, NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do TNLĐ thì được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Cũng theo dự thảo nói trên, khi tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện, NLĐ được hưởng nhiều quyền lợi như: chi trả giám định mức suy giảm khả năng lao động; trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.

Luật sư Nguyễn Quang Khiêm lưu ý, mặc dù dự thảo Nghị định về BHXH TNLĐ quy định NLĐ đóng hàng tháng bằng 2% mức lương tối thiểu vùng IV do Chính phủ quy định, nhưng nếu NLĐ thuộc hộ nghèo theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn sẽ được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng; nếu họ thuộc hộ cận nghèo theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn hoặc hộ nghèo đa chiều thiếu hụt về tiêu chí bảo hiểm y tế sẽ được Nhà nước hỗ trợ 25% của mức đóng...

Khi tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện và đủ điều kiện thụ hưởng như: bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do TNLĐ xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện. Tai nạn xảy ra không thuộc một số trường hợp: mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động; NLĐ cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật thì NLĐ được cơ quan BHXH chi trả phí giám định.

Đồng thời, nếu NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5-30% do TNLĐ thì được hưởng trợ cấp một lần với mức như sau: suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở. Bên cạnh đó, NLĐ còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm TNLĐ tự nguyện, cứ thêm mỗi năm đóng kể từ năm đóng thứ 2 trở đi được tính thêm 0,3 mức lương cơ sở.

Cũng theo luật sư Nguyễn Quang Khiêm, ngoài chế độ NLĐ được hưởng thì thân nhân của NLĐ sẽ được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở nếu thuộc một trong các trường hợp: NLĐ đang làm việc bị chết do TNLĐ; NLĐ bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do TNLĐ; NLĐ bị chết trong thời gian điều trị thương tật do TNLĐ mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động; NLĐ bị suy giảm khả năng lao động trên 31% bị chết trong quá trình điều trị do thương tật tái phát mà số tháng người lao động đó được hưởng trợ cấp chưa đủ 36 tháng.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều