Thông tin Công an H.Nhơn Trạch vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố 8 công nhân về tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, được nhiều người quan tâm.
Thông tin Công an H.Nhơn Trạch vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố 8 công nhân về tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, được nhiều người quan tâm.
Các công nhân này mua giấy chứng nhận nghỉ bệnh được hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) giả trên mạng xã hội, qua mặt doanh nghiệp - nơi mình làm việc để được nghỉ làm nhưng không mất tiền chuyên cần, không mất ngày nghỉ phép năm và được cơ quan BHXH chi trả tiền nghỉ bệnh.
Điều đáng lo ngại, có một thực tế là không ít người lao động cho rằng chỉ có hành vi làm giả các loại giấy tờ mới vi phạm pháp luật, còn việc sử dụng các loại giấy tờ giả thì vô tội hoặc nặng lắm chỉ bị xử phạt hành chính.
Trong khi đó, tại Điều 341 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017, tội làm giả giấy tờ được quy định như sau: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm. Ngoài ra, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2-5 năm: có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; làm từ 2 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm…
Vụ việc nêu trên thật đáng tiếc, có thể một phần do nhận thức pháp luật hạn chế nên 8 công nhân này mới có hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, để không còn những vụ việc tương tự xảy ra, các cơ quan chức năng, Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với người lao động bằng nhiều kênh đa dạng, với nội dung cụ thể, thiết thực, sát thực tiễn, nhất là tăng cường truyền thông qua mạng xã hội để người lao động dễ tiếp cận, nắm bắt nhanh kiến thức pháp luật, từng bước nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, phòng tránh được các hành vi vi phạm pháp luật không đáng có.
Bảo Ngọc (H.Long Thành)