Báo Đồng Nai điện tử
En

Thả rông gia súc trên đường, mức phạt còn quá thấp

09:04, 11/04/2023

Chiều 8-4, một con bò trắng bất ngờ lao thẳng vào dòng xe máy đông đúc đang lưu thông trên quốc lộ 1, đoạn qua xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom) khiến nhiều người hoảng hốt. Vụ việc xảy ra ngay giờ cao điểm có đông người qua lại nhưng do nhiều người bỏ xe chạy thoát nên không có ai bị thương. Từ vụ việc trên cho thấy, việc để gia súc ra ngoài đường mà không có người chăn, dắt quá nguy hiểm cho người đi đường.

Chiều 8-4, một con bò trắng bất ngờ lao thẳng vào dòng xe máy đông đúc đang lưu thông trên quốc lộ 1, đoạn qua xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom) khiến nhiều người hoảng hốt. Vụ việc xảy ra ngay giờ cao điểm có đông người qua lại nhưng do nhiều người bỏ xe chạy thoát nên không có ai bị thương. Từ vụ việc trên cho thấy, việc để gia súc ra ngoài đường mà không có người chăn, dắt quá nguy hiểm cho người đi đường.

Con bò lang thang trên quốc lộ 1 (đoạn qua xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom) sau khi lao vào dòng người đông đúc chiều 8-4. Ảnh: C.T.V
Con bò lang thang trên quốc lộ 1 (đoạn qua xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom) sau khi lao vào dòng người đông đúc chiều 8-4. Ảnh: C.T.V

Hiện nay, trên một số tuyến đường trên địa bàn, thậm chí ngay cả trên quốc lộ, không ít người dân vẫn chăn, thả gia súc đi trên đường giao thông, nhất là khu vực nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, có không ít trường hợp không chú ý, đã để gia súc chạy ra đường xe chạy gây nguy hiểm cho người đi đường, như vụ việc nêu trên.

Theo Khoản 2, Điều 34 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới. Bên cạnh đó, Điểm c, Khoản 2, Điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nêu ra một trong số những hành vi không được thực hiện là thả rông súc vật trên đường bộ.

 Hiện đã có những quy định rất cụ thể về các hình thức vi phạm cũng như mức xử phạt đối với hành vi thả rông gia súc trên đường. Tuy nhiên, mức xử phạt hành chính đối với hành vi này còn quá thấp.

Theo Điểm d, Khoản 1, Điều 10 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định, phạt tiền từ 60-100 ngàn đồng nếu người chủ đàn gia súc có các hành vi như: điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới hoặc để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông. Còn đối với người điều khiển, dẫn dắt súc vật đi vào đường cao tốc trái quy định sẽ phải chịu mức phạt tiền từ 400-600 ngàn đồng.

Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra liên quan đến việc thả rông gia súc trên đường bộ, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đề xuất tăng mức xử phạt hành chính đối với các hành vi như: điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới hoặc để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017, trong trường hợp chủ gia súc thả gia súc hoặc dẫn dắt gia súc đi trên đường gây tai nạn giao thông chết người thì người chủ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người với khung xử lý thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-10 năm. Bên cạnh trách nhiệm hình sự, chủ súc vật thả rông có thể phải chịu thêm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nếu làm chết người.

Do đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông, văn hóa giao thông để nâng cao trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật của mọi người dân, nhất là không được thực hiện hành vi thả rông gia súc (trâu, bò) trên đường bộ, không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới. Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thả rông súc vật trên đường bộ, gây mất an toàn giao thông.

 Bảo Ngọc (H.Long Thành)

Tin xem nhiều