Báo Đồng Nai điện tử
En

Một số đề xuất thay đổi khi tuần tra, kiểm soát giao thông

07:10, 25/10/2022

Trong thời gian tới, dự kiến khi cảnh sát giao thông (CSGT) tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ sẽ có một số thay đổi, chủ yếu về: thay đổi cách chào khi dừng phương tiện; thông báo các kế hoạch TTKS; trình tự xử lý kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ…

Trong thời gian tới, dự kiến khi cảnh sát giao thông (CSGT) tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ sẽ có một số thay đổi, chủ yếu về: thay đổi cách chào khi dừng phương tiện; thông báo các kế hoạch TTKS; trình tự xử lý kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ…

Thời gian tới, sau khi dừng xe có dấu hiệu vi phạm, cảnh sát giao thông chỉ thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân (không phải chào bằng lời nói như hiện hành). Trong ảnh: Lực lượng cảnh sát giao thông chào khi kiểm tra giấy tờ người điều khiển phương tiện giao thông trên quốc lộ 1. Ảnh minh họa
Thời gian tới, sau khi dừng xe có dấu hiệu vi phạm, cảnh sát giao thông chỉ thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân (không phải chào bằng lời nói như hiện hành). Trong ảnh: Lực lượng cảnh sát giao thông chào khi kiểm tra giấy tờ người điều khiển phương tiện giao thông trên quốc lộ 1. Ảnh minh họa

Các quy định mới này được nêu tại Dự thảo Thông tư quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình TTKS, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT (gọi tắt là Dự thảo Thông tư quy định về quy trình TTKS giao thông) đang được Bộ Công an triển khai lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân từ ngày 14-10 đến hết 14-12.

* Các điểm mới đáng chú ý

Dự thảo Thông tư quy định về quy trình TTKS giao thông khi được ban hành sẽ thay thế Thông tư 65/2020/TT-BCA ngày 19-6-2020 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình TTKS, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT (gọi tắt là Thông tư 65). Dự thảo này có một số điểm mới đáng chú ý.

Tại Điều 17 Dự thảo Thông tư quy định về quy trình TTKS giao thông quy định sau khi dừng xe có dấu hiệu vi phạm, CSGT thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân (không yêu cầu lời nói như hiện hành). Trừ trường hợp CSGT biết người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã, có hành vi thiếu văn hóa, cản trở, chống đối việc kiểm tra, kiểm soát.

Dự thảo Thông tư quy định về quy trình TTKS giao thông còn quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình TTKS, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT.

Ngoài ra, theo luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, tại Điều 14 Thông tư 65 nêu, trưởng các cơ quan công an có trách nhiệm thông báo công khai các kế hoạch TTKS theo quy định của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông như: kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ; kế hoạch TTKS, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông; kế hoạch TTKS, xử lý vi phạm thường xuyên trên tuyến, địa bàn được phân công phụ trách. Với các hình thức như: niêm yết tại trụ sở tiếp công dân của đơn vị; đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT hoặc cổng thông tin điện tử của công an cấp tỉnh, phòng CSGT; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng… Tuy nhiên, ở Dự thảo Thông tư quy định về quy trình TTKS giao thông thì các công việc nêu trên đã được bỏ.

Đáng chú ý, Điều 19 Dự thảo Thông tư quy định về quy trình TTKS giao thông đặt ra quy định hoàn toàn mới là trình tự xử lý kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đối với trường hợp vi phạm nhưng không dừng được phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính.

Theo đó, người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm hành chính thực hiện xác định thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính thông qua cơ quan đăng ký xe, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (quy định tại Thông tư 65 không đề cập đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).

* Còn băn khoăn…

Bên cạnh những điểm mới nêu trên, Dự thảo Thông tư quy định về quy trình TTKS giao thông còn một số điểm khiến không ít người băn khoăn.

Tại Điều 24 Thông tư 65 cho phép tiếp nhận, xác minh thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Còn ở Dự thảo Thông tư quy định về quy trình TTKS giao thông lại quy định việc tiếp nhận, thu thập và xử lý dữ liệu (thông tin, hình ảnh) được thực hiện theo quy định tại Điều 20 Nghị định 135/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.

Trong khi đó, Điều 20 Nghị định 135/2021/NĐ-CP chỉ quy định dữ liệu được tiếp nhận, thu thập từ các nguồn: dữ liệu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển đến đề nghị kiểm tra, xác minh; dữ liệu đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng… mà không hề đề cập đến mạng xã hội.

Ông Nguyễn Hiếu (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Cơ quan chức năng nên có chế tài cho phép xử phạt các vi phạm giao thông được người dân đăng tải trên mạng xã hội. Như vừa qua, lực lượng chức năng đã xử phạt một thanh niên vừa chạy xe máy, vừa đánh đàn khi chạy trên quốc lộ 1, đoạn qua P.Suối Tre, TP.Long Khánh dựa trên clip đăng tải trên mạng xã hội vào ngày 3-9. Việc này sẽ giúp các hành vi vi phạm quy định giao thông đường bộ được tố giác rộng rãi hơn”.

Minh Thành

Tin xem nhiều