Phân loại rác thải đem lại nhiều lợi ích, giúp tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý... Tuy nhiên, việc phân loại rác thải lâu nay chưa được người dân quan tâm.
Phân loại rác thải đem lại nhiều lợi ích, giúp tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý... Tuy nhiên, việc phân loại rác thải lâu nay chưa được người dân quan tâm.
Một người dân P.Tân Mai (TP.Biên Hòa) tự phân loại rác thải sinh hoạt. Ảnh: Phương Liễu |
Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 quy định, người dân nếu không thực hiện phân loại rác thải tại nguồn có thể bị từ chối thu gom.
* Không phân loại rác sẽ bị phạt
Lâu nay, việc phân loại rác thải tại nguồn đã được triển khai rất nhiều đợt và ở nhiều địa phương, nhưng hoạt động này thường “chết yểu” sau khi chương trình kết thúc mà không duy trì được lâu dài và bền vững.
Trong khi đó, những tác hại của việc không phân loại rác thải tại nguồn là rất to lớn và ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội cũng như chất lượng môi trường sống. Nguyên nhân của sự thất bại trong thực hiện phân loại rác thải tại nguồn là do chế tài xử lý của pháp luật chưa đủ nghiêm khắc, đặc biệt là ý thức phân loại rác của người dân còn rất hạn chế nên hoạt động phân loại rác thải tại nguồn chưa trở thành thói quen.
Theo Khoản 4, Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, hành vi không phân loại rác theo quy định sẽ bị xử phạt từ 15-20 triệu đồng. |
Tại Khoản 2, Điều 77 Luật BVMT năm 2020 quy định: cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Khi biết Luật BVMT năm 2020 quy định việc này, nhiều người dân có những ý kiến trái chiều. Ông Trần Thanh Liêm (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, nên quy định và có chế tài đối với những hộ gia đình, những cơ sở có nguồn rác thải sinh hoạt nhưng không thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức tự phân loại rác thải tại nguồn trước khi thải bỏ.
Ông Liêm cho hay, ông đi Nhật Bản và thấy người dân nước này thực hiện phân loại chất thải rất tốt. Ở Nhật họ phân loại rác rất chi tiết, thành 5-6 loại rác khác nhau. Chẳng hạn, 1 chai nước uống xong, trước khi vứt bỏ, người Nhật tháo nắp chai cho vào một thùng, vỏ chai vào một thùng khác, thậm chí còn bóc tấm nhựa ghi nhãn hiệu quanh chai để cho vào một thùng khác nữa. Việc này đem lại nhiều ích lợi cho đơn vị xử lý, ít nhất là không phải tốn nhiều nhân lực vào hoạt động phân loại rác trước những bước xử lý tiếp theo.
Tuy nhiên, một số người dân cũng cho rằng, phân loại rác mất thời gian và nhất là phải đặt trong nhà đến 2-3 cái thùng rác thì... rất bất tiện. Bà Trần Thị Mỹ Tú (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết: “Nhà tôi đã từng cất công phân loại rác hữu cơ và vô cơ, rác tái chế vào những bao bì riêng nhưng khi đưa ra, nhân viên thu gom rác lại đổ tất cả ra thùng để nhặt những gì tái chế được. Người dân phân loại, nhưng nhân viên thu gom rác thì không. Thế thì phân loại làm gì cho mất công” - bà Mỹ Tú nói.
Theo quy định của Luật BVMT năm 2020, về vấn đề này, cần có sự phối hợp rất chặt chẽ với UBND các cấp để tiếp tục triển khai việc phân loại rác thải tại nguồn. Trong đó, trách nhiệm trước hết thuộc về UBND cấp xã, phường làm công tác hướng dẫn hộ gia đình phân loại; kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về BVMT trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời, xử lý hành vi không phân loại rác thải của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Đặc biệt là các hộ gia đình, cá nhân phải có trách nhiệm phân loại và đưa rác đã phân loại đến điểm tập kết theo quy định để được thu gom. Hộ nào không thực hiện thu gom, cơ sở thu gom có thể từ chối không thu gom.
* Khuyến khích phân loại rác thải tại nguồn
Một trong những điểm mới của Luật BVMT năm 2020 là khuyến khích phân loại rác thải tại nguồn. Khoản 1, Điều 79 Luật BVMT năm 2020 quy định, về phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sẽ không còn tình trạng thu cào bằng (một mức phí chung cho tất cả các hộ gia đình dù nhiều hay ít rác) mà sẽ được tính trên nguyên tắc: thải ít trả ít, thải nhiều trả nhiều dựa trên khối lượng rác thải mỗi hộ.
Ngoài ra, nhằm khuyến khích người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, Điều 79 Luật BVMT năm 2020 cũng nêu rõ: Những loại rác thải có khả năng tái chế, tái sử dụng đã được hộ gia đình phân loại riêng thì được miễn phí thu gom lượng rác này.
Những quy định nêu trên đang đặt ra cho ngành chức năng và mỗi hộ gia đình phải triển khai, thực hiện cho được hoạt động phân loại rác thải tại nguồn. Để làm được việc này, Sở TN-MT vừa đề xuất UBND các địa phương trích nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, kinh phí xây dựng cơ bản của địa phương và nguồn xã hội hóa mua túi đựng rác và cấp cho các hộ gia đình để thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nhằm sớm đưa những quy định mới của Luật BVMT năm 2020 vào đời sống.
Theo đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2021-2025, việc mua và cấp túi đựng rác cho các hộ gia đình từ 1-2 năm sẽ cần tổng kinh phí khoảng 370 tỷ đồng. Việc cấp túi đựng rác cho người dân trong một thời gian dài nhằm giúp người dân hình thành thói quen phân loại rác. Riêng quy định phí thu gom, xử lý rác được tính dựa trên khối lượng rác của mỗi hộ gia đình, dù đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022, nhưng theo lãnh đạo Sở TN-MT, việc này chưa thể triển khai được. Tuy nhiên, trên nguyên tắc thải rác ít nộp phí ít, thải rác nhiều nộp phí nhiều, đồng thời những loại rác tái chế được hộ gia đình phân loại sẽ được miễn phí thu gom... sẽ tác động lớn đến các hộ dân, từ đó thúc đẩy người dân ý thức, tự nguyện và tích cực phân loại rác. Trước hết, để được giảm chi trả phí thu gom, xử lý rác hằng tháng, lâu dần sẽ hình thành được thói quen phân loại rác tại nguồn trong mỗi gia đình.
Phương Liễu