Sau hơn 2 tuần học sinh các cấp quay trở lại trường học trực tiếp, toàn tỉnh ghi nhận hơn 9,5 ngàn học sinh và hơn 1,1 ngàn giáo viên nhiễm Covid-19. Số ca F0 tăng khiến nhiều lớp phải trở lại học trực tuyến, phụ huynh không khỏi lo lắng.
Sau hơn 2 tuần học sinh các cấp quay trở lại trường học trực tiếp, toàn tỉnh ghi nhận hơn 9,5 ngàn học sinh và hơn 1,1 ngàn giáo viên nhiễm Covid-19. Số ca F0 tăng khiến nhiều lớp phải trở lại học trực tuyến, phụ huynh không khỏi lo lắng.
Một học sinh là F0 ở TP.Biên Hòa học trực tuyến tại nhà trong thời gian cách ly. Ảnh: Công Nghĩa |
Để đảm bảo công tác phòng dịch, nhà trường đã áp dụng nhiều giải pháp với nhiều quy định chặt chẽ về xử lý tình huống khi có học sinh mắc Covid-19 trong lớp học. Nhưng do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường nên bên cạnh mong muốn tiếp tục cho con đến trường, nhiều phụ huynh đề xuất nhà trường nên tăng cường các giải pháp phòng dịch, xem xét cho các em quay lại học trực tuyến để đảm bảo an toàn…
* Lo lắng khi ca F0 tăng
Ông T. có con đang học lớp 10 tại một trường tư thục ở P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) cho biết, từ ngày 28-2, lớp của con ông chuyển sang học trực tuyến dự kiến 2 tuần vì trong lớp có 12 học sinh nhiễm Covid-19. Khi biết tin lớp của con ông được quay trở lại học trực tuyến, ông thấy bớt lo lắng hơn vì cả tuần qua hầu như ngày nào cũng nhận thông báo trong lớp có phát sinh ca F0. Mỗi lần như thế, ông và các phụ huynh khác cảm thấy thấp thỏm, bất an. “2 tuần được đi học trực tiếp, con tôi rất phấn khởi, ngày nào cũng kể đi học rất vui, dễ tiếp thu bài hơn lúc học online… Thế nhưng, trong tình hình dịch bệnh phức tạp, số ca nhiễm tăng cao nên trường quyết định cho học sinh quay lại học trực tuyến tôi thấy rất hợp lý” - ông T. nói.
Còn chị C., một phụ huynh có con đang học lớp 7 tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Biên Hòa) cho hay, mấy ngày nay con chị phải cách ly ở nhà và chuyển sang học trực tuyến vì cháu tiếp xúc với F0 là bạn ngồi cùng bàn. “Đây là lần thứ 2 con tôi thành F1 dù mới đi học có 2 tuần, mỗi lần như thế cả nhà ai cũng sốt ruột vì lo cho sức khỏe của cháu. Nếu cháu học trực tuyến sẽ yên tâm hơn, chứ trong lớp học mà cứ thường xuyên xuất hiện các ca F0 thì nguy cơ lây nhiễm cho các học sinh khác rất cao” - chị C. chia sẻ.
Tương tự, nhiều phụ huynh có con đang học tiểu học cho biết không yên tâm vì hiện nay số F0 đang có chiều hướng tăng trong trường học. “Mỗi lần chở con đến trường đều dặn dò cẩn thận phải thực hiện 5K cho tốt, nhưng cũng thấy chưa thực sự yên tâm vì các cháu chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19, nguy cơ lây nhiễm bệnh là rất cao” - chị Phan Thị Hà (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) bộc bạch.
* Tăng cường các giải pháp phòng dịch
Để đảm bảo công tác phòng dịch, có hơn 9,7 ngàn học sinh và 146 lớp học trên địa bàn tỉnh đang tổ chức học trực tuyến. Từ ngày 3-3, có 28 trường ở TP.Biên Hòa và H.Trảng Bom cũng quay trở lại học trực tuyến do trong trường hoặc địa bàn trường đứng chân có số trường hợp F0, F1 được ghi nhận gia tăng.
Việc các phụ huynh lo lắng con bị nhiễm bệnh khi số ca F0 trong trường học liên tục tăng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là làm sao để vừa bảo đảm chương trình học cho các em, vừa gắn với an toàn phòng, chống dịch hiệu quả. Nhiều phụ huynh đề xuất cần tăng cường hơn nữa các giải pháp phòng dịch trong nhà trường để việc học tập của các em không bị gián đoạn. Song song đó, cần linh hoạt trong việc đưa ra các giải pháp lựa chọn hình thức dạy học hợp lý.
“Tôi thấy nhà trường đang triển khai nhiều giải pháp phòng dịch, quy định rõ về việc xử lý F0, F1 trong lớp, triển khai nhiều phương án dạy học linh hoạt cho học sinh…, tất cả những điều này là những nỗ lực rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến rất khó lường, vì vậy nhà trường và phụ huynh cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý các tình huống dịch bệnh phát sinh trong thực tế một cách linh hoạt, phù hợp nhất. Có nên tiếp tục cho học sinh học trực tiếp hay chuyển sang trực tuyến trong tình hình hiện nay tùy thuộc vào điều kiện của mỗi trường, tốt nhất nên có sự thống nhất giữa nhà trường và phụ huynh” - bà Nguyễn Thị Nhung (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, ông Ngô Thanh Sang (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho rằng, việc học là quan trọng nhưng sức khỏe của các cháu vẫn phải là ưu tiên hàng đầu. Để hạn chế tối đa số ca F0 là học sinh, mọi người không nên chủ quan, lơ là phòng dịch, nhưng cũng không nên lo lắng thái quá. Cần bình tĩnh để triển khai các biện pháp phòng dịch hiệu quả cũng như lựa chọn hình thức dạy học phù hợp nhằm bảo đảm chương trình học cho các em, vừa gắn với an toàn phòng, chống dịch.
Kim Liễu