Gần đây, tại một số tỉnh, thành trên cả nước như TP.HCM và Hưng Yên xảy ra vụ việc một số xe ô tô đậu ngoài đường bị phá hoại vào ban đêm. Hiện nay tại Đồng Nai, nhất là các thành phố, thị trấn, nhiều người thường để xe ô tô ở ngoài đường, vỉa hè vào ban đêm do nhà không có chỗ đậu xe hoặc hẻm không có lối vào. Thực trạng nêu trên khiến không ít chủ xe ô tô lo lắng.
Gần đây, tại một số tỉnh, thành trên cả nước như TP.HCM và Hưng Yên xảy ra vụ việc một số xe ô tô đậu ngoài đường bị phá hoại vào ban đêm. Hiện nay tại Đồng Nai, nhất là các thành phố, thị trấn, nhiều người thường để xe ô tô ở ngoài đường, vỉa hè vào ban đêm do nhà không có chỗ đậu xe hoặc hẻm không có lối vào. Thực trạng nêu trên khiến không ít chủ xe ô tô lo lắng.
Tình trạng xe ô tô đậu cả ngày lẫn đêm dễ dàng bắt gặp tại nhiều tuyến đường của TP.Biên Hòa. Trong ảnh: Xe ô tô đậu hàng dài quanh khu vực chung cư Nguyễn Ái Quốc, P.Quang Vinh (TP.Biên Hòa). Ảnh: Minh Thành |
* Nhiều rủi ro
Việc đậu xe ô tô ngoài đường, nhất là vào ban đêm tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vào cuối tháng 2, đầu tháng 3-2022, tại H.Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) đã có nhiều xe ô tô đậu trên đường bị phá bể kiếng, trầy xước sơn. Hay rạng sáng 12-3, tại P.Tân Phong (Q.7, TP.HCM) có 3 xe ô tô đậu trên đường bị đốt cháy trụi.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, hiện nay tình trạng xe ô tô đậu dài ngày (cả ngày lẫn đêm) ngoài đường có thể dễ dàng bắt gặp tại nhiều con đường của TP.Biên Hòa. Điển hình như dọc đường Nguyễn Ái Quốc (đoạn gần Công an TP.Biên Hòa), đường Huỳnh Văn Lũy (P.Quang Vinh), đường Nguyễn Tri Phương (P.Bửu Hòa)... hoặc trong nhiều con hẻm lớn, vỉa hè trong các khu dân cư.
Tại TP.Biên Hòa, theo công an một số phường chưa ghi nhận hành cố ý phá hoại xe ô tô khi đậu trên đường.Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn cảnh báo, ngoài các nguy cơ bị phá hoại, sự cố như vừa xảy ra tại các tỉnh, thành khác, thì việc đậu xe ngoài đường vào ban đêm, không người trông coi còn tạo sơ hở để các đối tượng xấu lấy cắp xe, trộm cắp linh kiện, tài sản bên trong xe. Đồng thời khuyến cáo chủ sở hữu cần có trách nhiệm hơn trong việc tự bảo quản, giữ gìn các tài sản có giá trị lớn.
Trước đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ lấy trộm xe ô tô. Gần nhất là trưa 20-11-2021, Lê Minh Dương (31 tuổi, ngụ P.Bình Thắng, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) thấy chiếc xe tải để trước cửa hàng vật liệu xây dựng Vũ Quyết Thắng ở P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) không có người trông coi, trên xe có sẵn chìa khóa nên đã leo lên lái xe đi. Sau khi lấy trộm, Dương điều khiển xe chạy lên một gara ở TP.Thủ Đức (TP.HCM) tháo thùng xe bán cho 2 người với giá 25 triệu đồng. Đến cuối tháng 11-2021, Dương bị Công an TP.Biên Hòa bắt giữ và xử lý theo quy định pháp luật.
* Chủ động phòng ngừa
Lý do được nhiều chủ xe đưa ra là diện tích nhà chật hoặc không gian trong hẻm dẫn vào nhà hẹp khiến việc di chuyển xe ra vào khó khăn; mà xung quanh các khu dân cư họ sinh sống lại không có bãi giữ xe qua đêm nên họ đành chọn cách đậu trên vỉa hè, lòng đường. Ngoài ra, với một số gia đình có các xe tải nhỏ loại dưới 2 tấn cũng thường xuyên đậu bên ngoài để khi chuyển hàng ban đêm, khởi động máy không ảnh hưởng giấc ngủ người nhà.
Bên cạnh đó, việc đậu xe dài ngày trên đường, nhất là ban đêm còn chiếm dụng không gian công cộng (đường, vỉa hè). Việc này khiến các hộ kinh doanh ngoài mặt tiền khó chịu khi có nhiều xe ô tô đậu che kín không gian phía trước nhà, cản trở việc buôn bán, ra vào của họ. Điều này cũng dễ dẫn tới việc tranh cãi giữa chủ xe và các hộ dân có nhà mặt tiền đường, thậm chí có thể xảy ra cãi vã, xô xát...
Anh Nguyễn Sinh (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Đọc báo nghe thông tin mấy vụ xe ô tô để ngoài đường bị phá hủy tôi cũng lo lắm. Biết rằng đậu xe ngoài đường là rủi ro cao, nhất là các hành vi phá hoại xe, trộm cắp tài sản vì xe ô tô là tài sản giá trị lớn nhưng ngặt nỗi lối vào nhà hẹp quá, tôi đành phải đậu bên ngoài”.
Theo luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định rất rõ việc dừng, đậu xe thế nào cho đúng. Đồng thời, hệ thống biển báo do cơ quan chức năng đặt trên đường cũng giúp quản lý việc dừng, đậu xe theo trật tự. Nếu người điều khiển phương tiện cố tình dừng, đậu sai quy định sẽ có cơ quan chức năng xử lý. Riêng hành vi phá hoại xe ô tô đậu trên đường dù có bất cứ lý do gì đều vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ, tính chất vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Để hạn chế các nguy cơ xe ô tô bị phá hoại khi đậu trên đường và chấn chỉnh việc đậu xe ô tô tại TP.Biên Hòa, nhiều người dân còn đề nghị cơ quan chức năng có thể thành lập bãi giữ xe qua đêm có thu phí. Hoặc đặt các biển báo cho phép đậu xe và tổ chức thu phí các xe đậu trên đường theo giờ. Việc này sẽ có thêm các nguồn kinh phí bổ sung cho ngân sách địa phương và đưa việc dừng, đậu xe vào quy củ.
Để đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện khác, tại Điểm a, c, d, Khoản 3, Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đậu xe trên đường bộ phải có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết; trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đậu xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đậu xe thì phải dừng, đậu xe tại các vị trí đó; sau khi đậu xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đậu chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết... |
Minh Thành