Phản hồi bài viết "Chợ hậu giãn cách: Nơi mở, nơi chưa" đăng trên Báo Đồng Nai ngày 17-11, nhiều bạn đọc đề xuất TP.Biên Hòa sớm xem xét cho mở cửa lại các chợ truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tình hình mới.
Phản hồi bài viết Chợ hậu giãn cách: Nơi mở, nơi chưa đăng trên Báo Đồng Nai số ra ngày 17-11, nhiều bạn đọc đề xuất TP.Biên Hòa sớm xem xét cho mở cửa lại các chợ truyền thống trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tình hình mới. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng chợ tạm phát sinh lâu nay trên các vỉa hè không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng an toàn giao thông và mỹ quan đô thị...
Chợ Biên Hòa vẫn chưa mở cửa hoạt động trở lại nhưng phía bên ngoài chợ, hàng rong mua bán khá nhộn nhịp. Ảnh: Kim Liễu |
Toàn tỉnh vẫn còn 41 chợ đang tạm ngưng hoạt động vì dịch bệnh Covid-19, trong đó TP.Biên Hòa có tới 34 chợ vẫn chưa chính thức được mở cửa trở lại. Hiện các cơ quan quản lý đang tiến hành đánh giá các tiêu chí an toàn về phòng dịch và chờ phương án, quyết định thời gian mở cửa trở lại từ UBND TP.Biên Hòa.
* Sớm mở lại chợ truyền thống
Theo chia sẻ của một số bạn đọc, hiện nay không chỉ các tiểu thương mà nhiều người tiêu dùng cũng rất “nôn nóng” mong chờ các chợ truyền thống trên địa bàn hoạt động trở lại để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân. “Hàng hóa tại các chợ bao giờ cũng phong phú, đa dạng, giá cả phù hợp nên dễ mua hơn. Khi chợ hoạt động thì nguồn cung thực phẩm và các loại hàng hóa khác sẽ ổn định, từ đó góp phần bình ổn giá cả hàng hóa” - bà Nguyễn Thị Kim Yến (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) chia sẻ.
Còn bà Phương, chủ một nhà hàng ở P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) bộc bạch, hiện nay nhiều loại hình dịch vụ, thương mại đã được mở cửa trở lại. Trong khi chợ nơi cung ứng hàng hóa chủ yếu cho các điểm này lại vẫn đóng cửa nên nguồn nguyên liệu đầu vào bị ảnh hưởng. “Trước đây, nguồn hải sản tươi sống, nguyên liệu chế biến tại quán chủ yếu mua tại chợ Biên Hòa. Giờ quán hoạt động trở lại mà chợ vẫn đóng cửa nên các hộ kinh doanh rất khó tiếp cận nguồn nguyên liệu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và giá tốt để kinh doanh” - bà Phương nói.
Trong khi các chợ truyền thống chưa được mở cửa trở lại thì các điểm bán hàng tự phát lại hoạt động “nhộn nhịp’, thu hút đông người tham gia. Bà Yến (một tiểu thương chợ Biên Hòa) cho hay, do dịch bệnh nên nhiều tháng liền nhà lồng chợ đóng cửa. Công việc kinh doanh ngưng trệ, đời sống của nhiều tiểu thương gặp khó khăn. “Nhiều người đã được tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, khi hết giãn cách ai cũng mừng và mong muốn được buôn bán trở lại để phục hồi kinh tế, nhưng chờ hoài vẫn chưa được phép kinh doanh. Trong khi đó, xung quanh chợ đội ngũ bán hàng rong thì vô tư hoạt động, đáng lo là nhiều người không chấp hành tốt các biện pháp phòng dịch” - bà Yến phản ảnh.
* Đảm bảo an toàn phòng dịch
Nhiều bạn đọc cũng cho biết, tình trạng chiếm vỉa hè, lòng đường để họp chợ đang diễn ra tràn lan. Do chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động nên chợ tạm lại trở thành một trong những kênh cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân. Hàng hóa tại các chợ tạm chủ yếu là thực phẩm, rau củ, thịt, cá các loại… Người bán bày hàng ngay trước nhà, lấn dần ra vỉa hè, thậm chí đẩy xe ra bán giữa đường để tiện cho người mua. “Điểm chung dễ thấy ở các các điểm buôn bán tự phát trên là không đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, vừa không đảm bảo an toàn phòng dịch do tụ tập không đảm bảo giãn cách” - bà Nguyễn Thị Thanh Thảo (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) nhận xét.
Chợ Biên Hòa vẫn chưa mở cửa hoạt động trở lại nhưng phía bên ngoài chợ, hàng rong mua bán khá nhộn nhịp. Ảnh: Kim Liễu |
Theo bà Thảo, nếu để tình trạng này kéo dài, lâu dần sẽ hình thành thêm các chợ tự phát, việc xử lý sẽ rất khó khăn. Cơ quan chức năng cần sớm mở lại chợ truyền thống và tăng cường kiểm soát xử lý dứt điểm tình trạng họp chợ tạm, chợ “chồm hổm” lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không đảm bảo an toàn phòng dịch như hiện nay.
Bên cạnh các đề xuất sớm mở lại các chợ truyền thống thì vấn đề an toàn phòng dịch khi chợ hoạt động trở lại được nhiều người quan tâm. Chợ là nơi tập trung đông người nên để vận hành tổ chức chợ hoạt động trở lại, các ban quản lý chợ cần nắm rõ, tuyên truyền hướng dẫn các tiểu thương chấp hành tốt các tiêu chí đảm bảo an toàn phòng dịch của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, khi mở lại chợ nên ưu tiên cho những gian hàng bán hàng thiết yếu, tạm thời chưa bán hàng ăn uống tại chỗ mà chỉ nên bán mang về. Các gian hàng cần bố trí đảm bảo giãn cách theo quy định, nếu các quầy sạp có vách ngăn thì càng tốt. Ngoài được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, khách hàng đi chợ và tiểu thương phải chấp hành tốt biện pháp 5K trong phòng dịch…
“Hiện nay có tình trạng nhiều người nghĩ mình đã tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19 nên lơ là thực hiện biện pháp 5K. Trong khi đây được xem biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhất là ở nơi đông người như chợ. Vì vậy, để đảm bảo an toàn phòng dịch, chính quyền địa phương nên hỗ trợ ban quản lý chợ trong việc giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm biện pháp 5K để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan” - ông Nguyễn Văn Đức (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) đề xuất.
Kim Liễu